Chơi hàng hiệu nhái: Cẩn thận với giá “bèo”

author 15:35 18/04/2012

Trào lưu sử dụng điện thoại nhái hàng hiệu cao cấp đang phát triển. Người mua, dù biết rõ giá trị thật của chiếc máy mình đang sử dụng, vẫn không ngần ngại bỏ ra vài ba triệu đồng rước về cho "bằng bạn bằng bè”.

Nhộn nhịp thị trường điện thoại nhái

 

Đặng Dung - con phố nổi tiếng Hà Nội về buôn bán điện thoại. Cả dãy phố hàng điện thoại, cầm đồ mọc lên san sát. Mỗi cửa hàng có vài tủ bày bán thập cẩm hàng trăm chiếc điện thoại các loại, “thượng vàng hạ cám”, từ hàng cao cấp có giá cả nghìn USD đến những chiếc điện thoại lỗi mốt chỉ 200.000 - 300.000 đồng.

Hàng trăm chiếc điện thoại các loại, “thượng vàng hạ cám”

Ở các cửa hàng điện thoại, không khó để nhận ra những sản phẩm nhái các thương hiệu cao cấp như Vertu, Iphone, HTC… Người bán hàng cũng không ngần ngại nói về xuất xứ sản phẩm đang bày trong tủ.

 

Tuấn, một chủ cửa hàng điện thoại ở đây cho biết, hiện loại hàng Vertu “Hongkong”, HTC, Iphone đang bán khá chạy, có nhiều người hỏi mua. Cửa hàng anh trung bình một tuần cũng bán được chục chiếc. Có thời điểm hàng không kịp về, không có để bán cho khách. “Khách mua hàng có cả dân chơi Hà Nội và cả thợ ở các tỉnh lân cận về đây luộc máy. Nhìn chung là rất đa dạng”, Tuấn nói.

Điện thoại nhái có vẻ ngoài bắt mắt và nhiều tính năng "vượt trội"

Điện thoại nhái được làm rất tinh xảo, có cả hộp da, hướng dẫn sử dụng tiếng Việt, phụ kiện… đầy đủ như chính hãng. Và giá bán giao động khoảng từ 2-5 triệu đồng. Hàng bán ra có bảo hành từ 6 tháng tới một năm. Ngoài những mẫu máy cao cấp, ở đây cũng bán rất nhiều hàng nhái từ nguyên bản các mẫu máy của Nokia, Sony Ericsson … Tất cả đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Tuấn cho biết.

 

Anh Đức, chủ một hiệu điện thoại di động (ĐTDĐ) có tiếng tại Hà Nội, cũng cho hay giá nhập vào của những điện thoại "nhái" nói trên khá thấp. Khi về tới nơi, cửa hàng “nhìn mặt khách mà bán”, có khi tăng gấp đôi so với giá nhập vào. Dù điện thoại nhái có lợi nhuận khá cao, song tỉ lệ máy phải bảo hành là rất lớn, vì vậy kinh doanh mặt hàng này cũng đầy rủi ro.

 

Cẩn trọng hàng “bèo” từ Trung Quốc

 

Song song với dòng ĐTDĐ giá “bèo” của những hãng có tên tuổi, các loại điện thoại Trung Quốc giá cực rẻ, tính năng “khủng” đang xuất hiện tràn ngập trên thị trường. Ghi nhận của chúng tôi tại một số siêu thị điện thoại, điện máy lớn ở Hà Nội, hàng chục nhãn hiệu ĐTDĐ có xuất xứ từ Trung Quốc giá rẻ, đa tính năng đang được bày bán. Cả chục dòng sản phẩm có giá dưới 1 triệu đồng với đầy đủ tính năng như Malata, Bluefone, Maxfone, I-mobile, Gionee, Pphone, Mobistar, G-Tide…

Một "người anh em" của điện thoại thương hiệu HTC

Chẳng hạn, ĐTDĐ Bluefone U121 được rao bán với giá chỉ 499.000 đồng/chiếc nhưng có thể nghe nhạc, xem phim MP4, hỗ trợ 4 sim 2 sóng. Hay chiếc Maxfone C230 giá 650.000 đồng cũng xem phim MP4, nghe nhạc MP3 và hỗ trợ thẻ nhớ ngoài lên đến 4GB… Sản phẩm mới liên tục được nhập về khiến ngay cả người bán cũng mơ hồ. Chúng tôi hỏi về chiếc ĐTDĐ SH Mobile tại một siêu thị điện máy ở Cầu Giấy thì được nhân viên bán hàng cho biết “hàng Trung Quốc mới về nhưng… mới quá nên em cũng không biết chất lượng ra sao (?)”.

 

Theo giới chuyên môn, ĐTDĐ Trung Quốc giá “bèo” với tính năng “khủng” đánh vào tâm lý người tiêu dùng với giá “mềm” và thỏa mãn nhu cầu giải trí (nghe nhạc, xem phim, bluetooth, chụp hình, radio, FM...). Nhiều mẫu điện thoại Trung Quốc có hình thức bắt mắt, đa năng và hỗ trợ tiếng Việt (ngoài tiếng Hoa) nên được người tiêu dùng chọn lựa. Tuy nhiên, chất lượng linh kiện điện tử bên trong thường không ổn định, độ bền thấp, đa số được lắp ráp bằng tay… nên sau thời gian bảo hành, nếu máy hư, khách hàng chỉ còn cách bỏ tiền mua máy mới. Ngoài ra, không ít trường hợp ĐTDĐ chưa hết hạn bảo hành nhưng đã “giở chứng”.


Kiểm tra giả - thật không khó

Yếu tố đầu tiên để phân biệt hàng chính hãng và hàng giả, hàng nhái chính là giá của chiếc máy. Nếu là điện thoại chính hãng và còn mới, giá sẽ không “rẻ như cho”.

Yếu tố nữa là các đặc điểm của máy. Thứ nhất là trọng lượng; thứ hai là những Icon ở menu chính có độ sắc nét hay không; thứ ba là phải có hóa đơn bán hàng.

Việc kiểm tra thời hạn bảo hành của điện thoại cũng là một yếu tố quan trọng. Đó là soạn câu lệnh BH- khoảng trắng - số imei gửi về tổng đài Nokia 8099, sẽ nhận được tin nhắn báo lại còn thời hạn bảo hành hay không.

Ông Nguyễn Đức Tài - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thế giới di động, cho biết một chiếc Nokia đưa về công ty có lịch sử. Nếu đưa số imei vào, hệ thống sẽ tra ra ngay được nhập kho ngày nào, cho ai, địa chỉ bán ở đâu… rất đầy đủ. Do đó, người tiêu dùng khi mua hàng nên yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin và quyền lợi, để tránh mua nhầm hàng giả.

 

Lê Na

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang