Chọn doanh nghiệp nội gửi 'vàng'

author 08:53 24/03/2015

Chưa đầy 1 tháng kể từ khi Bộ GTVT đưa ra thông điệp quyết liệt xã hội hóa các ngành trọng yếu, khá nhiều đề nghị từ các doanh nghiệp mong muốn được đầu tư vào các lĩnh vực này đã được đưa ra.

Nhiều nhà đầu tư tư nhân trong nước đề nghị tham gia đầu tư cảng và sân bay

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với các dự án được coi như "cột sống" của nền kinh tế, cần phải giao cho các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước làm chủ đầu tư.

Nguồn lực nội không thiếu

Đến cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GTVT chính thức gửi kiến nghị lên Chính phủ xem xét cho nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).  Trước đó, Hãng hàng không Vietjet Air và Vietnam Airlines muốn mua quyền kinh doanh nhà ga T1 của sân bay Nội Bài, Jetstar Pacific đề nghị mua nhà ga cũ của sân bay quốc tế Đà Nẵng để phục vụ kinh doanh của hãng, các nhà đầu tư tư nhân trong nước như Vingroup và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T cũng đánh tiếng muốn mua Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng…

"Theo tôi, các nhà đầu tư trong nước như các tập đoàn lớn T&T, Vingroup hay Sun Group là chủ đầu tư, họ có thừa khả năng để thuê chuyên gia giỏi nước ngoài làm quản lý dịch vụ tốt nhất".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Đánh giá hàng loạt các sự kiện này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc tư nhân muốn tham gia đầu tư kinh doanh vào hạ tầng các lĩnh vực cảng hàng không, cảng biển đến nay không còn là xu hướng mà là nhu cầu thực sự. Quan trọng hơn, việc này cho thấy các nhà đầu tư trong nước đã có thực lực và tài lực tốt để đưa ra những đề nghị nghiêm túc. “Các nhà đầu tư trong nước muốn tham gia vào các thương vụ này đều đã gầy dựng được uy tín, thương hiệu và thực hiện nhiều dự án lớn trong nước trong thời gian qua. Tôi nghĩ Chính phủ nên coi đây là tín hiệu đáng mừng, bởi nếu không cho tư nhân tham gia, nền kinh tế thị trường của chúng ta biết bao giờ mới trưởng thành được”, bà Lan nói.

Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành nói: “VN đã từ lâu ủng hộ mô hình hợp tác công - tư (PPP) song có một số dự án tôi biết còn lấn cấn trong vấn đề quản lý tài chính. Mỗi khi nhà đầu tư trong nước nếu có thực lực, họ có dự án trình bày tốt, có khả năng đầu tư và chứng minh được những điều đó, nên giao trọn cho đầu tư trong nước. Bởi theo quan điểm của tôi, đầu tư vào những dự án trọng yếu của quốc gia, kinh tế tài chính chỉ là một, còn nhiều vấn đề quan trọng hơn như an ninh, an toàn quốc gia. Đặc biệt, tại các vị trí khá nhạy cảm, tôi ủng hộ nhà đầu tư nội làm chủ hơn”.

Đồng quan điểm này, bà Phạm Chi Lan thẳng thắn: “Có những vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng, nếu để nhà đầu tư ngoại tham gia, đặc biệt vào tay những quốc gia có thể có đe dọa đến an ninh quốc phòng của VN, là điều hết sức cân nhắc. Tôi nói thẳng, những vị trí nhạy cảm này, giao nhà đầu tư nội với những ràng buộc rõ ràng vẫn tốt hơn”.

Cơ chế đặc biệt cho các nhà tiên phong

Trước việc nhiều ý kiến cho rằng nên để nhà đầu tư ngoại tham gia vì DN trong nước còn hạn chế về kinh nghiệm quản lý các dự án hạ tầng lớn như hàng không, cảng biển…, bà Phạm Chi Lan phản biện: “Tôi không nghĩ như vậy. Không bắt tay vào làm thì biết bao giờ chúng ta mới trưởng thành được. Không tạo cơ hội để làm thì làm gì có kinh nghiệm để học hỏi”. Bà Lan phân tích: “Theo tôi, các nhà đầu tư trong nước như các tập đoàn lớn T&T, Vingroup hay Sun Group là chủ đầu tư, họ có thừa khả năng để thuê chuyên gia giỏi nước ngoài làm quản lý dịch vụ tốt nhất. Đó không phải là điều chúng ta phải lăn tăn. Mấu chốt của vấn đề là không chỉ có thực lực mà họ còn khát khao muốn đầu tư, muốn tham gia vào các dự án lớn ở tầm “cột sống” của nền kinh tế. Nếu nhà đầu tư trong nước làm, lợi nhuận, nói một cách nào đó, cũng sẽ được tái đầu tư trong nước chứ không phải chuyển ra nước ngoài”.

Bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc

Theo chuyên gia Khương Quang Đồng, Hàn Quốc và Nhật Bản được như ngày nay cũng nhờ bắt đầu từ các “anh” làm kinh tế tư nhân. Các tập đoàn có khả năng chi phối kinh tế Hàn Quốc như Hyundai, Samsung hoặc kinh tế nước Nhật như Sony, Toyota... đều xuất thân từ các doanh nghiệp tư nhân. “Nếu nước Nhật, nước Hàn ngày trước không có cơ chế phát triển kinh tế tư nhân tốt, làm sao họ có những tập đoàn kinh tế lớn mạnh như vậy được. Chúng ta không có cơ chế cởi mở và chấp nhận một nền kinh tế tư nhân đúng nghĩa, không chấp nhận cho làm các lĩnh vực xưa nay chưa làm, làm sao chúng ta có các nhà tiên phong, làm sao có những tập đoàn tư nhân lớn mạnh như các nước được”, ông Đồng nói.

Ủng hộ xã hội hóa các ngành trọng yếu, chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng, Việt kiều Pháp, người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghiệp lớn nước ngoài, cho rằng: “Vấn đề là khi giao cho nhà đầu tư tư nhân trong nước phải có cơ chế rõ ràng thế nào, ràng buộc và công bằng ra làm sao. Chẳng hạn, về đầu tư, bắt buộc nhà đầu tư phải triển khai dự án trong khoảng thời gian nào sau khi nhận đất. Độ an toàn theo chuẩn nào, nếu thuê nhân sự, đặc biệt ưu tiên thuê chuyên gia có chuyên môn kỹ thuật cao của quốc gia nào, phải ghi rõ trong dự án. Ở đây, về chuyên ngành hạ tầng sân bay hay cảng, có thể tham khảo chuyên gia giỏi tại các quốc gia Mỹ, Đức, Nhật”.

Chuyên gia tư vấn đầu tư Robert Trần bổ sung: “Do kinh doanh tại cửa ngõ vào VN, họ phải xây dựng hình ảnh VN tại đó thế nào chẳng hạn… rất nhiều yếu tố cần bàn thảo và làm thật kỹ. Đổi lại, chúng ta phải có chính sách ưu đãi nhà đầu tư tư nhân ra sao”. Ông Robert Trần ví dụ tạo cơ chế thông thoáng để các nhà đầu tư tư nhân thuê các tập đoàn quản lý ngoại tại các nước phát triển tham gia quản lý cũng cần thiết. “Chúng ta từng có nhiều chính sách ưu đãi lớn cho các tập đoàn kinh tế nước ngoài vào đầu tư ở VN, với các tập đoàn tư nhân trong nước, đặc biệt khi họ là chủ đầu tư các dự án trọng yếu của quốc gia, cần chính sách ưu đãi thế nào để đừng làm nhụt chí của họ. Về thuế, cũng nên dành những ưu đãi như chúng ta từng ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư ngoại trước đây”, ông Robert Trần nói thêm.

Kiến nghị nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (hợp đồng O&M). Theo Bộ GTVT, giá trị nhượng quyền sẽ được sử dụng để tạo nguồn kinh phí đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đến nay, Tập đoàn T&T đã chính thức công khai đề nghị mua lại Cảng hàng không Phú Quốc theo 2 phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động. T&T cũng thể hiện cam kết tiếp tục đầu tư nâng cấp cảng hàng không này và cam kết không tiến hành chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

Theo Thanh niên


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang