"Chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia là không cần thiết"

author 15:56 18/11/2012

Trước việc Ngân hàng Nhà nước chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, TS Lê Duy Hiếu cho rằng không cần thiết, trái quy luật.

 Trên diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình giải thích rằng, sở dĩ chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia là do SJC chiếm 93- 95% thị trường vàng miếng, cũng như để tránh sự nhầm lẫn và lãng phí.

Tuy nhiên, theo TS Lê Duy Hiếu, Viện Kinh tế Việt Nam, trên thế giới chưa có nước nào xây dựng thương hiệu vàng quốc gia. Đây là việc làm không cần thiết và không phù hợp với nền kinh tế thị trường nói chung và điều kiện của Việt Nam nói riêng.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, từ 25/5, kể cả Công ty SJC cũng đã chấm dứt dập vàng miếng, chỉ có Ngân hàng Nhà nước thực hiện độc quyền dập vàng miếng và chọn SJC làm thương hiệu quốc gia. Đón nhận những thông tin trên, ông có suy nghĩ gì?
 
Trước hết cần khẳng định vàng là một loại hàng hóa đặc biệt nên không có quốc gia nào không quản lý thị trường vàng. Nhưng khác một điều rất cơ bản giữa Việt Nam và thế giới, đó là cách quản lý. Các nước có nền kinh tế thị trường, họ quản lý thị trường vàng bằng phương pháp gián tiếp, tức là thông qua các sắc thuế. Anh kinh doanh, nhập khẩu vàng nhiều, muốn hạn chế nhập, tôi sẽ tăng thuế nhập khẩu. Tự nhiên, lượng vàng nhập khẩu sẽ giảm.
 
 
Trong khi đó, Việt Nam lại quản lý trực tiếp và mang tính chất độc quyền. Bất kỳ một loại hàng hóa nào mà quản lý độc quyền đều không tốt, đều hạn chế sự phát triển bình thường của thị trường. Chính vì vậy, sẽ dẫn tới một hệ quả là dù nhà nước có quản lý bằng cách nào nhưng độc quyền và trực tiếp và muốn có một thương hiệu quốc gia về vàng thì có thể khẳng định sẽ không hiệu quả và thị trường vàng sắp tới sẽ rối loạn hơn.

Quản lý độc quyền và trực tiếp như ông vừa đề cập, sẽ đem lại những hệ lụy gì, thưa ông?
 
Có thể nói quản lý độc quyền sẽ ngăn cấm những người dân bình thường kinh doanh vàng chỉ là một cách cấm một số người này kinh doanh nhưng lại tạo cơ hội cho một số người khác kinh doanh theo nghĩa lợi ích nhóm tăng lên. Còn thực chất không thể quản lý được thị trường vàng bằng cách ngăn cấm.
 
Điểm nữa cần phải nói là thị trường vừa qua có một số điểm rối loạn thật, nhưng rối loạn không phải vì Nhà nước không có một thương hiệu vàng thống nhất, mà vì giá vàng trong nước thường chênh lệch quá lớn, từ 1,5-3 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới cho đến nay chưa có nước nào xây dựng thương hiệu vàng quốc gia. Việc quản lý độc quyền sẽ ngăn cấm người dân bình thường kinh doanh vàng nhưng lại tạo cơ hội cho một số người khác kinh doanh theo nghĩa lợi ích nhóm.
 
Vấn đề thương hiệu vàng quốc gia, nếu không hiểu sâu dễ có sự nhầm tưởng. Thứ nhất, khi tạm thời lấy vàng SJC và coi đó là thương hiệu vàng quốc gia, nó đã có sẵn, anh bỏ nó đi rồi mua sắm máy móc, thiết bị, công xưởng để sản xuất là rất lãng phí. Thứ hai, hãy lấy ví dụ từ đất đai, độc quyền của Nhà nước, đủ các công cụ pháp lý, đủ cả một hệ thống chính trị từ trung ương đến tận cấp phường, cấp tổ dân phố để quản lý.
 
Kết quả chúng ta có một thị trường bất động sản như ngày nay. Người ta cũng sẽ nói cái này thuộc về Nhà nước, lợi cũng về nhà nước chứ không phải tư nhân. Nhưng thực tế, lợi ích về đất đai Nhà nước không được hưởng mà chỉ thuộc về một nhóm người. Độc quyền vàng cũng giống như vậy, danh nghĩa là độc quyền Ngân hàng Nhà nước, người hưởng lợi đáng ra chỉ mình Nhà nước, nhưng thực tế không phải như vậy.
 
Như ông phân tích thì dường như cơ sở pháp lý về việc quyết định phải có một thương hiệu vàng quốc gia chưa rõ ràng lắm? Bởi thực tế cho thấy, việc này đã ít nhiều gây ra nhiều xáo động trên thị trường, tạo ra nhiều khe hở dễ bị lợi dụng, đồng thời tạo ra cơ chế xin - cho, nên sẽ có nhiều người hưởng lợi và nhiều người dân thiếu thông tin, bị thiệt hại?
 
Chắc chắn là như vậy. Những cái này không có cơ sở pháp lý và cũng không có cơ sở thực tiễn. Vì bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào cũng không có chuyện quản lý theo kiểu cấm đoán, độc quyền.
 
Theo ông, chúng ta có nhất thiết phải cần một “thương hiệu vàng quốc gia”? Trên thế giới, có nhiều quốc gia xây dựng thương hiệu vàng riêng cho mình hay không?
 
Trên thế giới cho đến nay chưa có nước nào xây dựng thương hiệu vàng quốc gia. Thực chất việc ra đời thương hiệu vàng quốc gia không phải để quản lý thị trường. Không biết đây là sự cố ý, vô tình hay nhầm lẫn, nhưng chỉ dẫn đến tình trạng tạo điều kiện cho một số người lũng đoạn thị trường và kiếm lời không chính đáng. Tóm lại, thương hiệu vàng quốc gia là việc làm không cần thiết và không phù hợp với nền kinh tế thị trường nói chung và điều kiện của Việt Nam nói riêng.
 
Ví dụ, thực tế có những người dân có số vàng đã mua, tự dưng nếu bán theo một khuôn mẫu thống nhất thì số vàng không phải vàng SJC sẽ giảm giá trị. Chất lượng sản phẩm không thay đổi, nhưng vì không phải thương hiệu vàng quốc gia nên giá trị bị giảm đáng kể, tức là người dân mất đi một số tiền. Điều đó bất lợi cho người dân.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ giải thích vì sao chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia mà không nói vì sao cần phải có một sự chọn lựa như thế. Ông Bình cũng khẳng định không hề bắt buộc người dân phải chuyển đổi từ các loại vàng khác sang vàng SJC cũng như không hề có sự phân biệt đối xử giữa các loại vàng này. Vậy thì chọn SJC làm thương hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước để làm gì?
 
Bản thân trong lời khẳng định đó đã có sự mâu thuẫn, ở chỗ mọi người dân đều có quyền cất trữ vàng và dưới bất kỳ hình thức nào. Như vậy, thực tế sẽ song hành tồn tại thương hiệu vàng quốc gia và vàng lưu hành trong dân chúng. Chỉ có cái khác là vàng trong dân chúng bán với giá thấp hơn, tạo ra một sự chênh lệch về giá. Ở đây có sự trục lợi rất đơn giản, một mặt Nhà nước độc quyền nhập khẩu, một nhóm nhập khẩu về kiểm soát cái đó. 
 
Đó là chưa nói đến chuyện vàng trang sức, những người làm nhẫn trang sức phải xin giấy phép mua vàng của nhà nước, rồi xin giấy phép làm ra nhẫn để bán. Điều đó là tăng cơ chế xin - cho, làm cho tính thị trường càng ngày càng mất tính minh bạch, khó kiểm soát.
 
Theo tính toán thì đang có khoảng 400 tấn vàng, tương đương 20 tỷ USD bị chôn chặt trong dân, cần phải được đưa vào nền kinh tế để tạo ra sức mạnh tài chính. Nhưng những lời trấn an của người đứng đầu ngành ngân hàng như đã nói ở trên, liệu có phải đã đủ để khiến người dân tin tưởng?
 
Nói trong dân có khoảng 400 tấn vàng cũng rất mơ hồ. Trước hết chúng ta phải khẳng định, số liệu đó chủ yếu căn cứ từ lượng vàng nhập khẩu hàng năm. Nhưng chúng ta hình dung, gần 80% dân số Việt Nam là ở nông thôn, thử hỏi cộng lại họ có được bao nhiêu cân vàng? Chắc chắn số đó chiếm tỷ trọng không đáng bao nhiêu, vì cái ăn, mặc, nhu cầu thiết yếu khác còn chưa đáp ứng được, lấy đâu tiền mua vàng.
 
Trong số dân thành thị cũng có đến 80% dân nghèo, căn bản họ không có thu nhập cao để có vàng tích trữ. Nếu trừ cả dân nông thôn và người nghèo thành thị thì chỉ còn khoảng 4 triệu người có khả năng tích trữ vàng. Nhưng một điều tra của Ủy ban châu Âu đưa ra kết quả: ở Việt Nam khác với thế giới ở chỗ, 80% người giàu có là quan chức, còn ở nước khác phải là các chủ doanh nghiệp. Do vậy, số người tích trữ vàng này chủ yếu lại nằm trong số những người thu nhập cao và chủ yếu là quan chức. Cho nên nói bao nhiêu tấn vàng, muốn huy động nó để đưa vào nền kinh tế để tạo ra sức mạnh tài chính thì quá xa vời.
 
Theo DVO
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang