Chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng: Hành trình còn gian nan

author 06:57 06/03/2019

(VietQ.vn) - Hành trình chống buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng được ví như 'chảo lửa' bởi thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng trở nên tinh vi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

"Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến vô cùng phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội", đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại - Phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế”.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh.

Ông Trần Hữu Linh cho biết, năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 92 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 93 tỷ đồng...

Về tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm: Tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ... Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.

Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu.

Hiện nay, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý.

Ông Trần Hữu Linh cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng nêu trên và những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó chú trọng: tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề; Rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách; Nâng cao năng lực công tác cho công chức lực lượng QLTT; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

 Đại tá Nguyễn Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công An).

Chia sẻ về công tác xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bằng biện pháp hình sự, Đại tá Nguyễn Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công An) cho biết: Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và tội phạm xâm phạm SHTT luôn song hành với nhau với phương thức, thủ đoạn hoạt động tương đối giống nhau và ngày càng tinh vi. Chúng triệt để lợi dụng cơ chế, chính sách, thành tựu khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi vi phạm. Trước đây đối tượng vi phạm thường chỉ là những người có trình độ dân trí thấp, thất nghiệp hoạt dộng nhỏ lẻ thì nay, đối tượng có xu hướng chuyển sang thành phần có trình độ nhận thức, học vấn, thậm chí có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet đã tạo môi trường thuận lợi cho bùng phát các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng điện tử, người tiêu dùng chỉ cần có nhu cầu là được giao tận tay, nhưng nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng thì rất khó kiểm soát.

Năm 2018 lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 467 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT, trong đó khởi tố 65 vụ/84 bị can; chuyển xử lý hành chính 402 vụ, còn một số vụ việc là hàng hóa giả mạo, xâm phạm nhưng không chứng minh được đối tượng liên quan (hàng vô chủ) nên chỉ tịch thu, tiêu hủy.

Sở dĩ còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực này là do SHTT là lĩnh vực liên quan đến nhiều Bộ, ngành và cần phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng văn bản để bảo đảm tính thống nhất, nhưng trên thực tế mối quan hệ phối hợp trong soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.

Một khó khăn khác là công tác giám định. Hiện chỉ có Viện Khoa học SHTT là cơ quan giám định cao nhất, duy nhất về SHTT, nhưng để xử lý hình sự thì Cơ quan điều tra phải trưng cầu Cơ quan giám định tư pháp nên cũng là một trong những khó khăn cho công tác xử lý hình sự. Bên cạnh đó, công tác phối hợp phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa được chặt chẽ, thực tế còn xảy ra tình trạng chồng chéo, có những vi phạm để có thể xử lý được thì phải chờ kết luận của nhiều cơ quan liên quan khác nên dẫn đến vụ việc kéo dài, có những vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính.

Nhận thức của công chúng và của chủ thể quyền ở Việt Nam về SHTT còn hạn chế, chưa chủ động thực hiện bảo vệ quyền và tài sản của mình mà trông chờ vào Nhà nước, vào các cơ quan thực thi pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An. 

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, xử lý nghiêm minh, tuy nhiên kết quả chưa đạt kỳ vọng về mục tiêu phát triển được một thị trường lành mạnh thị trường, bảo vệ tốt doanh nghiệp chân chính cũng như người tiêu dùng.

Công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thực tiễn còn bất cập, do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo; Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định chưa rõ ràng, cụ thể… khiến việc xử lý các vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng còn gặp khó khăn, vướng mắc; Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa thực sự chặt chẽ, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, cụ thể.

Năng lực, trình độ chuyên môn của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại… còn tồn tại; Một số công chức còn biểu hiện thiếu trách nhiệm, thậm chí sai phạm trong thực thi; Phương thức tác nghiệp trong bối cảnh mới còn yếu, nhất là trong bối cảnh công nghệ mới, môi trường mạng ngày càng phát triển.

Trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhất là nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ... Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, tổ chức những hội thảo chuyên đề, chuyên sâu trong từng lĩnh vực phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang