Chống dịch Covid-19: Cuộc chiến của những con người phi thường

author 06:31 15/02/2021

(VietQ.vn) - Bước ra từ cuộc chiến gian khổ chống lại dịch Covid-19 với vị thế của người chiến thắng, thế giới không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh một Việt Nam kiên cường và mạnh mẽ trước cơn đại dịch quy mô toàn cầu. Và chiến thắng ấy, có sự đóng góp từ bàn tay, khối óc của những con người phi thường đầy lòng dũng cảm với những hy sinh thầm lặng.

Từ sự vào cuộc kịp thời của ngành khoa học và công nghệ...

Đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới điêu đứng, thiệt hại về kinh tế - xã hội là không thể đếm xuể. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới kiểm soát được dịch Covid-19. Và thành quả này có đóng góp rất lớn từ sự chủ động, tích cực của ngành khoa học và công nghệ.

Vai trò của khoa học công nghệ đã thể hiện mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19. Tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, Bộ KH&CN đã phê duyệt 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, huy động hiệu quả mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ sản phẩm phòng, chống dịch. Thu thập những công bố khoa học quốc tế về SARS-CoV-2 cung cấp truy cập miễn phí phục vụ các bác sĩ, nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu.

Đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á giới thiệu về bộ kit. 

Việt Nam cũng đã nghiên cứu sản xuất thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (bộ kít do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện), trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới phát triển được các bộ kít xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.

Đặc biệt, trong thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới còn đang loay hoay với các giải pháp chống dịch, Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine ngừa Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đặt kỳ vọng lớn vào sự thành công của quá trình thử nghiệm hai loại vaccine là Nanocovax và Covivac. Nếu như mọi thứ thuận lợi, rất có thể một lần nữa, Việt Nam sẽ lại ghi danh trên bản đồ y tế thế giới với những thành công trong việc tìm ra cách “khắc chế” đại dịch Covid-19.

... đến những hy sinh thầm lặng

Còn nhớ vào thời điểm tháng 3/2020, giữa lúc dịch Covid-19 đang lây lan mạnh mẽ, Việt Nam đã khiến cả thế giới sửng sốt khi trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-Cov-2. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chẩn đoán, phát hiện, khoanh vùng và cách ly các trường hợp nhiễm bệnh.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất thành công bộ kit xét nghiệm SARS-Cov-2 hay những nghiên cứu về giải mã gen của loại virus này, Việt Nam còn là quốc gia đi đầu trong nghiên cứu, thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19. Trong quá trình đó, đã xuất hiện những câu chuyện hết sức cảm động về tinh thần cống hiến quên mình của các nhà khoa học.

Tại Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), vào những ngày giáp Tết Tân Sửu này, các nhà khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị những bước tiếp theo cho việc thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trên người. Theo lời kể của Ths Mạc Văn Trọng, ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Vabiotech đã liên hệ với đại học Britol (Anh) cập nhập tình hình dịch bệnh và xin chia sẻ trình tự gen, trình tự kháng nguyên của virus Covid-19. Ngày 6/2/2020, ngay sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, Ths Mạc Văn Trọng cùng một đồng nghiệp lên đường sang Anh để làm việc cùng các chuyên gia ở đây.

Trong 2 tuần làm việc đầu tiên tại Anh, các nhà khoa học của Vibaotech đã chèn được gen biểu hiện tính kháng nguyên của virus vào hệ thống biểu hiện của tế bào côn trùng, qua đó đã nhân nuôi được những kháng nguyên của Covid-19. Tuy nhiên, đến khoảng thời điểm gần hai tháng làm việc tại Anh, các nước Châu Âu bước vào giai đoạn khốc liệt của đại dịch Covid-19. Khi đó, các nhà khoa học của Anh buộc phải nghỉ ở nhà do lệnh của Chính phủ, và lúc này công việc nghiên cứu chỉ còn phụ thuộc vào Ths Mạc Văn Trọng và đồng nghiệp. Họ đã phải làm việc xuyên đêm để kịp có mẫu kháng nguyên mang về nước.

ThS. Mạc Văn Trọng đang phân tích kết quả biểu hiện gen S của COVID-19 tại Phòng thí nghiệm Viện Sinh-Hóa, Trường Đại học Bristol (Anh). Ảnh: báo Nhân dân

Ngày 19/3/2020, nhóm nhà khoa học có trong tay mẫu kháng nguyên, khởi đầu quan trọng cho các bước tiếp theo trong hành trình ngăn chặn Covid-19 bằng vaccine. Không còn sự hỗ trợ của các đồng nghiệp bên Anh, hai nhà khoa học của Việt Nam phải tự tìm cách vận chuyển mẫu vật về nước, khi mà hầu như hoạt động hàng không, vận tải của các nước đã bị tê liệt vì dịch. Ths Mạc Văn Trọng cùng đồng nghiệp buộc phải để mẫu vật theo chuyến bay về nước trước, bản thân các nhà khoa học chấp nhận ở lại Anh thêm 4 ngày. Tới ngày 23/3/2020, khi xác định mẫu vật đến nơi an toàn, hai người mới đặt vé máy bay về nước.

Sau khi trở về nước, Ths Trọng cùng đồng nghiệp phải cách ly 14 ngày theo quy định. Kết thúc cách ly, việc đầu tiên anh làm không phải trở về nhà mà là đến thẳng phòng thí nghiệm để tiếp tục công việc nghiên cứu.

Có thể thấy, câu chuyện về việc cho ra đời bộ kit xét nghiệm SARSCov-2 và những gian khổ trong quá trình nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 của thành viên Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 chỉ là hai trong số nhiều cống hiến thầm lặng của đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đội ngũ y bác sĩ cho cuộc chiến chung của đất nước chống lại sự lây lan của dịch Covid-19. Cho đến hiện tại, mặc dù dịch chưa hoàn toàn chấm dứt và những ảnh hưởng có thể vẫn còn kéo dài, tuy nhiên, với tinh thần kiên cường, với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, tin rằng, một ngày không xa, Việt Nam sẽ khống chế được hoàn toàn dịch bệnh nguy hiểm này.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang