Chống được phá giá lại vướng độc quyền

author 07:18 11/12/2013

Lần đầu tiên, từ đề nghị của doanh nghiệp, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) Bộ Công thương đã điều tra và công bố báo cáo sơ bộ, đề nghị áp thuế chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội.

Điều này mở ra tiền lệ nhiều ngành sản xuất khác trong nước có thể được “bảo vệ”... Nhưng với mức thuế sơ bộ từ 6,45% đến 30,73% mà Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công Thương) vừa đưa ra DN nhập khẩu và người tiêu dùng trong nước đang đứng trước nguy cơ chịu thiệt hại lớn do phải mua sản phẩm với giá cao từ một nhà cung cấp đang nắm đến hơn 80% thị phần là Cty Posco VST.



Nhiều chuyên gia đã thể hiện sự vui mừng khi lần đầu tiên VN khởi xướng, điều tra và đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với một mặt hàng, nhất là nó đến từ các quốc gia có lợi thế như Trung Quốc, Malaysia... bởi điều này cho thấy các cơ quan chức năng của VN đã bắt đầu “nhập cuộc”, tận dụng được các công cụ từ WTO...  Để có đề xuất áp thuế chống bán phá giá tạm thời như đã công bố, cơ quan chức năng phải điều tra các đối tượng bị cáo buộc đã bán hàng sang VN thấp hơn giá họ bán trong nước của họ, thấp hơn giá thành. Và thực tế ngay trong báo cáo điều tra, cơ quan điều tra đã xét tổng lượng nhập khẩu từ bốn nước bị cáo buộc bán phá giá thép không gỉ vào VN, kết quả cho thấy trong năm 2010-2011, nhập từ bốn nước trên chiếm từ 72-76% lượng nhập khẩu (khoảng 69.000 tấn/năm).

Tuy nhiên, ngay sau khi VCA công bố kết quả sơ bộ điều tra chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu, có ít nhất 18 DN sản xuất lớn trong ngành công nghiệp sản xuất inox đồng loạt “giãy nảy” vì cho rằng “lợi ích của các DN sản xuất trong nước và người tiêu dùng chưa được xem xét một cách thỏa đáng, cân bằng với bên khởi kiện". Theo các DN này, không thể tiếp cận nguồn nguyên liệu thép cán nguội không gỉ với mức giá cạnh tranh khi mà DN cung cấp trong nước là Posco VST - cũng là nguyên đơn của vụ việc, đang chiếm đến gần 80% thị phần, đưa ra giá cao hơn từ 10 - 20% so với thị trường quốc tế. Trong khi 4 nước/vùng lãnh thổ bị điều tra là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chủ yếu cho DN Việt Nam với mức giá cạnh tranh và chất lượng tốt.

Hơn nữa, tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ thị trường thay thế hợp lý trong thời gian ngắn, theo các DN, là hoàn toàn không khả thi. Hệ lụy lâu dài là người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại do phải mua sản phẩm giá cao, DN thu hẹp sản xuất, công nhân mất việc làm, ảnh hưởng đến thu ngân sách. Bày tỏ sự quan ngại, 18 DN chính trong ngành công nghiệp sản xuất inox đã có phản đối chính thức lên cơ quan điều tra và văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương để xem xét lại vụ việc.

Việc sử dụng công cụ phòng vệ để bảo vệ nền sản xuất trong nước là chính đáng, song nếu không xem xét việc cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan thì chuyện lợi dụng chính sách để làm lợi cho một nhóm lợi ích là điều không thể tránh khỏi.

Theo DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang