Chống hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp cần làm gì để tự bảo vệ mình?

author 09:48 18/10/2020

(VietQ.vn) - Những kinh nghiệm trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái từ thương hiệu NGK là bài học bổ ích cho những doanh nghiệp muốn tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

NGK là thương hiệu được nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam biết đến với các sản phẩm bugi xe máy. Đây là thương hiệu được sở hữu bởi Công ty TNHH NGK Spark Plugs Việt Nam (NGK Việt Nam), trực thuộc Tập đoàn NGK Spark Plugs Nhật Bản có trụ sở chính tại Nagoya, hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp như xe máy, ô tô, tàu thủy, điện tử, y tế…

Để bảo vệ thị phần và uy tín thương hiệu, nhất là bảo vệ an toàn của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng mua đúng hàng chính thật, chính hãng, tránh mua nhầm sản phẩm giả nhái, từ 2018, NGK Việt Nam đã phối hợp với Vina CHG- đại diện pháp lý chính thức về công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu bugi NGK tại Việt Nam, cùng các cơ quan chức năng thực hiện nhiều chiến dịch nhằm điều tra, phát hiện và xử lý các điểm kinh doanh bugi giả, nhái nhãn hiệu NGK.

Trong thời gian qua, cùng với sự quyết tâm “tuyên chiến với hàng giả, hàng nhái” của NGK Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của đơn vị chuyên chống hàng giả Vina CHG, các lực lượng chức năng đã xử phạm nhiều điểm kinh doanh hàng giả, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Thanh Kha, Giám đốc Công ty NGK Việt Nam- chia sẻ, thực trạng bugi giả mang thương hiệu NGK tại Việt Nam đang có dấu hiệu giảm trong thời gian gần đây. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ hàng nhái, hàng giả mang thương hiệu NGK là 20,5%, đến hết 2019, số lượng hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu NGK trên thị trường đã giảm xuống còn 10%. Việc này cho thấy đã có những hoạt động cần thiết ở góc độ cơ quan thực thi pháp luật và ở góc độ doanh nghiệp.

Trong khi các doanh nghiệp khác vẫn có tâm lý quan ngại nếu công bố thông tin phân biệt hàng thật – hàng giả có thể bị đối tượng nắm bắt để làm giả. Thì phía nhãn hàng NGK lại chủ động phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật tổ chức các buổi tọa đàm, các buổi hỗ trợ, các hội thảo chia sẻ với cán bộ thực thi nhiệm vụ để nhận diện, phân biệt và xử lý sản phẩm thật, giả nhãn hiệu NGK. Ông Trần Thanh Kha cho hay, là doanh nghiệp sản xuất bugi mang thương hiệu và chất lượng toàn thế giới, chúng tôi không sợ việc phổ biến nhận diện hàng nhái, hàng giả sẽ ảnh hưởng đến vấn đề thương hiệu hay các đối tượng họ sẽ học theo và bắt chước.

Hiện, các vụ hàng nhái, hàng giả về bugi mặc dù có giảm nhưng vẫn tương đối lớn. Vấn nạn bugi giả, nhái nhãn hiệu NGK không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu và thị phần của NGK tại Việt Nam mà còn gây tác hại tiêu cực đến người tiêu dùng, nhất là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm khi phương tiện giao thông đang sử dụng bugi giả lưu thông trên đường.

Những sản phẩm bugi giả nhãn hiệu NGK bị phát hiện trên thị trường. Ảnh: báo Công Thương 

Làm những chương trình này, phía doanh nghiệp nhằm mục tiêu hướng dẫn cung cấp kiến thức cho các cán bộ cơ quan thực thi pháp luật để họ có thể tác nghiệp và tìm được hàng giả, hàng giả. Trên thực tế, thông qua các chương trình như thế này, cơ quan thực thi pháp luật là hỗ trợ rất tích cực cho phía doanh nghiệp. Nhiều vụ kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý ngay sau đó.

Việc đại diện nhãn hàng cung cấp chi tiết các đặc điểm phân biệt sản phẩm thật- giả của các sản phẩm của NGK trên thị trường cho cán bộ thực thi pháp luật được các đại biểu tham dự tọa đàm đánh giá là vô cùng cần thiết. Ông Triệu Quang Thìn – Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Thành phố- cho hay, các cơ quan chức năng không chỉ luôn phải cập các thông tin liên quan đến quy định của pháp luật mà còn cần hiểu biết dấu hiệu của sản phẩm hàng hóa. Trong khi đó, sản phẩm hàng hóa vô cùng đa dạng, phong phú, mỗi chủng loại hàng hóa có tính năng kỹ thuật riêng. Để phân biệt được thế nào là thật, là giả, tính năng như thế nào thì việc doanh nghiệp cùng phối hợp tổ chức các sự kiện tọa đàm, thảo luận để chia sẻ cùng với các lực lượng, để từ đó cung cấp cho các lực lượng chức năng các dấu hiệu nhận biết là hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc chiến chống hàng giả.

Những vụ việc điển hình

Một số vụ xử lý tiêu biểu về kinh doanh sản phẩm giả nhái bugi xe máy nhãn hiệu NGK do NGK Việt Nam và Vina CHG thực hiện trong thời gian qua như vào ngày 15/6/2018, Chi Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã ra quyết định xử phạt hành chính 6 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng đối với cửa hàng phụ tùng xe gắn máy tại số 75 Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tại cửa hàng này, lực lượng chức năng đã phát hiện 44 chiếc bugi giả nhãn hiệu NGK.

Cửa hàng phụ tùng xe máy Phạm Chí (Quận Tân Phú) bị phát hiện 100 cái bugi giả nhãn hiệu NGK đã bị xử phạt 10 triệu đồng, bao gồm hành vi bán hàng giả và kinh doanh hàng nhập lậu, đồng thời tiêu hủy toàn bộ hàng giả, đình chỉ hoạt động kinh doanh của cửa hàng trong 2 tháng;

Cửa hàng phụ tùng xe Thái Điền tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bị phát hiện có 55 chiếc bugi giả nhãn hiệu NGK đã bị xử phạt hành chính 6 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật và đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng;

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đã phát hiện và tịch thu 43 cái bugi giả nhãn hiệu NGK tại 2 cửa hàng. Cơ quan chức năng đã đình chỉ kinh doanh 2 tháng với 2 cơ sở này và buộc các đối tượng phải tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm; 

Tại Gia Lai, Cục quản lý thị trường Gia Lai ra quyết định xử phạt 6 triệu đồng, tịch thu 8 chiếc bugi giả nhãn hiệu NGK, đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng tại một cửa hàng; buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật; Cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy Tân Thành Phát (quận 5), bày bán 240 chiếc bugi giả nhãn hiệu NGK đã bị xử phạt hành chính 6 triệu đồng, tiêu huỷ hàng giả, đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng;

Hộ kinh doanh Vạn Phước (Q5) bày bán 197 chiếc bugi giả nhãn hiệu NGK bị xử phạt hành chính 6 triệu đồng và bị đình chỉ kinh doanh 2 tháng.

Bảo Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang