Chống hàng giả, hàng nhái qua kinh doanh trực tuyến: Cần ngăn chặn từ gốc

author 14:50 16/08/2020

(VietQ.vn) - Để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường internet, cần chặn từ “gốc”, người tiêu dùng phải ngừng “tiếp tay” cho các đối tượng vi phạm.

Nhiều mánh khóe buôn bán hàng giả, hàng lậu 

Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến. Những năm gần đây, hình thức kinh doanh này phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Việc đăng ký bán hàng trực tuyến ngày càng thuận lợi, bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào đều có thể dễ dàng đăng ký tài khoản để bán hàng trên website, mạng xã hội hoặc tạo ra ứng dụng di động để bán hàng. Tuy nhiên, điều này đã và đang tạo ra những thách thức đối với cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động bán hàng trực tuyến, ngăn chặn gian lận thương mại, xâm phạm sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, việc tiếp cận, giám sát loại hình kinh doanh trực tuyến không hề đơn giản, khó khăn hơn nhiều so với kinh doanh truyền thống.

Nhiều đối tượng mua tên miền và đặt máy chủ tại nước ngoài, thanh toán thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam, cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay thông tin liên lạc nên việc ngăn chặn và xử phạt gặp rất nhiều rào cản.

Bên cạnh đó, những khách hàng mua sắm online phần lớn không chú ý việc lấy hóa đơn, sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến đa dạng… gây khó khăn cho việc quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng.

Cần ngăn chặn từ gốc

Để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường internet, cần chặn từ gốc, người tiêu dùng phải ngừng “tiếp tay” cho các đối tượng vi phạm.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). 

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế... Mặt khác, cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn.

Để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng về địa chỉ, số điện thoại hay mã số thuế.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận. Đặc biệt, người tiêu dùng cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đang được Cục hoàn thiện và có những giải pháp đẩy lùi vấn nạn tận dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Trên thực tế, hiện các trang thương mại điện tử đăng ký hoạt động theo luật, tuy nhiên sàn giao dịch điện tử cũng giống như chợ truyền thống. Vì vậy, muốn kiểm tra có phải hàng giả, hàng nhái hay không cũng cần có biện pháp như ở chợ truyền thống.

Vì vậy, Bộ Công Thương tập trung vào các giải pháp trọng tâm, bao gồm nâng cấp, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng; hợp tác chặt chẽ với hải quan và các cơ quan liên quan để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan.

Ngoài ra, để siết chặt kỷ cương, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368) với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử(VietQ.vn) - Với các hình thức mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng như hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, không có hóa đơn chứng từ… mà không được xử lý.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang