Nỗi lo...chống hàng lậu Trung Quốc

author 07:05 27/09/2013

(VietQ.vn) - Từ nhập chính ngạch hay tiểu ngạch buôn lậu, hàng Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam. Năm 2015 khi hàng rào thuế quan giảm mạnh lại có lợi thế khoảng cách về mặt địa lý trong vận chuyển, hàng hóa Trung Quốc càng “thắng thế” bất chấp mọi nỗ lực của cơ quan chức năng

Sự kiện:

Nỗi lo nhập siêu

Trong những năm qua, tỷ trọng nhập khẩu hàng Trung Quốc vào nước ta tăng nhanh nhất và Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Sự mất cân đối ở một số thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam khiến tỷ lệ nhập siêu nới rộng, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Năm 2012 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 16,4 tỷ USD trong khi nhập siêu của cả nền kinh tế chỉ khoảng 780 triệu USD. Những tháng đầu năm tỷ lệ nhập siêu từ thị trường này trung bình khoảng 2 tỷ USD/tháng.  

Lực lượng Hải Quan kiểm tra hàng hóa ở các cửa khẩu

Trong khi Việt Nam xuất khẩu phần lớn là hàng nông lâm thủy sản, dầu thô, than đá..., nhiều mặt hàng trong số này không được khuyến khích xuất khẩu hoặc không chủ động được về giá bán thì hàng nhập về từ Trung Quốc phần lớn lại là máy móc (chiếm 30%), nguyên vật liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất (chiếm khoảng 60%), hàng tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế bày tỏ, việc lượng hàng trung gian nhập khẩu quá lớn phản ánh nền kinh tế Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ, đang phải bươn chải, sống sót phụ thuộc lớn vào việc nhập hàng Trung Quốc. Tới một thời điểm nào đó chỉ cần Trung Quốc cho ngừng xuất khẩu là hàng loạt DN hấp hối vì không ứng phó kịp với tình huống trên. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, rất yếu cũng cho thấy chúng ta đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cả hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.

Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), đến năm 2015 thuế quan sẽ giảm rất mạnh. Các doanh nghiệp không tránh khỏi lo lắng khi 90% dòng thuế đối với hàng Trung Quốc vào nước ta sẽ về 0 – 5%, trong đó chủ yếu là 0%. Do đó, các mặt hàng từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam sẽ còn rẻ hơn bây giờ rất nhiều dẫn đến sự cạnh tranh với hàng Trung Quốc sẽ ngày càng gay gắt.

Khi thuế được cắt giảm sẽ là cơ hội để giảm giá đầu vào cho các doanh nghiệp sử dụng đầu vào nhập khẩu nhưng đối với những doanh nghiệp đang cạnh tranh với hàng nhập khẩu thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì giá hàng hóa nhập từ Trung Quốc hiện đã rất thấp nếu tiếp tục giảm xuống nữa sẽ rất khó cạnh tranh.

Hàng lậu Trung Quốc ồ ạt về biên giới

Đáng báo động hơn, một số doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm lực tài chính  đang có xu hướng xúc tiến việc mua lại các xưởng, nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam để xâm nhập thị trường nước ta. Mục đích là để có sẵn hệ thống phân phối, dễ dàng đưa hàng vào Việt Nam. Phía Trung Quốc sẵn sàng mua lại các doanh nghiệp thua lỗ, do họ có thể hưởng thuế ưu đãi trong nước từ việc khai báo lỗ này, đồng thời nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp

Trong khi đó, tại các địa phương có đường bộ, đường biển giáp ranh với Trung Quốc, tình trạng hàng Trung Quốc buôn lậu vào Việt Nam càng có diễn biến phức tạp như Lạng Sơn - với đường biên giới kéo dài, nhiều đường mòn qua biên giới, khiến việc kiểm soát gặp nhiều trở ngại. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của những cư dân biên giới và người lao động tỉnh khác khiến họ lâm vào tình trạng vác hàng thuê và tiếp tay cho buôn lậu. Các đối tượng buôn lậu lợi dụng qui định về chế độ ưu đãi cho các cư dân biên giới để hợp thức hóa hàng lậu vẫn đang là một thực trạng đáng báo động.

Theo lực lượng Hải Quang Lạng Sơn, các đối tượng buôn lậu thường men theo những con đường mòn xuyên qua các dãy đồi, núi giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc để bốc hàng. Chúng tập kết hàng ở phía bên kia biên giới và ngồi quan sát. Chỉ cần đợi khi nào lực lượng chức năng đi khỏi họ sẽ ào ạt vác hàng chạy qua biên giới sang Việt Nam. Đã rất nhiều lần, lực lượng chức năng vây bắt, các đối tượng này “bỏ của chạy lấy người. Thế nhưng, liều lĩnh hơn, nếu chúng thấy lực lượng chức năng ít người thì sẽ lao vào chống trả quyết liệt để tranh cướp hàng và chống đối tới cùng.

Tại khu vực Móng Cái, hàng điện tử, gia dụng Trung Quốc cũng được nhập lậu ồ ạt để từ đó “tỏa” ra khắp các chợ phân phối khắp ba miền. Móng Cái hiện có 9 chợ/2.819 điểm kinh doanh, trong đó có 946 điểm kinh doanh của người Trung Quốc. Hiện các khu chợ ở Móng Cái đang dần trở thành các trung tâm bán buôn hàng tiêu dùng Trung Quốc vào nội địa Việt Nam.

Hàng nông, thuỷ sản Trung Quốc vào Việt Nam cũng phần lớn được nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Trước thực trạng nông sản, thủy sản Trung Quốc đang phủ sóng khắp chợ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển hôn Nông thôn cho biết việc nhập lậu các mặt hàng Trung Quốc với số lượng lớn đã ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Hàng lậu đi bằng đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới nên rất khó kiểm tra, kiểm soát. Thời gian qua những mặt hàng như cá tầm, ốc, ếch... về nhiều hầu hết do nhập lậu.

Trước thực trạng hàng Trung Quốc tràn lan, cộng thêm việc khi Trung Quốc thành công với tham vọng phủ kín hàng hóa khắp nước ta thì bài toán cứu lấy hàng Việt vẫn còn nhiều phức tạp. (Còn nữa).

Khánh An - Bảo Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang