(VietQ.vn) - Trận mưa lớn đầu giờ sáng (10.9) đã khiến nhiều tuyến phố tại Hà Nội ngập úng cục bộ. Nhiều người và xe gần như nhích từng đoạn, không thể di chuyển vì vừa tắc vừa ngập. Để giải quyết vấn đề này cần có những giải pháp công nghệ đột phá và ứng dụng thiết thực.

Từ đầu tháng 7 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra nhiều trận mưa với cường độ từ trên 100 mm. Lượng mưa mới chỉ ở mức trung bình, thế nhưng nhiều địa điểm trong thành phố đã bị ngập nặng chỉ sau hơn 30 phút mưa. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân. 

Để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều dự án thoát nước với tổng số tiền trên 19.000 tỷ đồng, đặc biệt sau trận lụt kỷ lục năm 2008 những hình ảnh khủng khiếp người ta khó mà quên được. Tuy nhiên, theo thống kê mùa mưa năm nay trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều “điểm đen” ngập úng. Như trận lụt ngày 3/8 vừa qua do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Wipha khiến thủ đô Hà Nội mưa to cả ngày, lượng mưa 100-150 mm, tùy khu vực. Nước ngập vào nhà quá nửa xe máy, nhiều hộ gia đình di chuyển đồ đạc lên cao hoặc tạm lánh chờ nước rút. Là một trong những khu vực trũng nhất của quận Cầu Giấy, phố Hoa Bằng thường xuyên ngập. Tuy nhiên, người dân cho biết kể từ sau vụ lụt năm 2008, mưa to chỉ gây ngập 2-3 tiếng, chứ không lâu như lần này.

Mưa lớn tiếp tục nhấn chìm nhiều tuyến phố Hà Nội dưới nước.

Nói đến vấn đề thoát nước sau mưa, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, nhớ tới một kinh nghiệm dân gian rất nổi tiếng của các cụ ngày xưa, đó là nguyên tắc phải tôn trọng 3 chữ “T”. Chữ “T” thứ nhất là “trang”, nghĩa là mưa xuống phải trang rộng ra. Chữ “T” thứ hai là “thu”, tức là phải thu lại. Và, chữ “T” thứ ba là “tiêu”, tức là phải có hệ thống kênh mương để nước tiêu đi.

Từ nguyên tắc 3 chữ “T” của các cụ để đánh giá về công tác thoát nước ở Hà Nội đều không đạt cả 3 tiêu chí này. Đây là điều không khó nhận ra bởi về “trang” thì Hà Nội hiện nay đã bị đô thị hóa rất lớn, đâu đâu cũng mọc lên nhà cửa, công trình, làm gì còn khoảng không gian rộng lớn để “trang” nước mưa nữa. Đây là lý do khiến cho tất cả lượng mưa rơi xuống đều đổ dồn vào đường phố. Ngập úng vì thế mà xảy ra.

Cái thứ hai là về chữ “thu”, trước khi Hà Nội có rất nhiều hồ ao để thu nước, tụ nước để ngấm dần xuống lòng đất hoặc chuyển đi. Nhưng hiện nay rất nhiều ao hồ đã bị san lấp để làm mặt bằng cho các công trình xây dựng thì làm sao có chỗ “thu” nước mưa nữa.

 Còn về chữ “tiêu”, hiện rất nhiều sông ngòi của Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét... ngày càng bị hẹp lại dòng chảy so với hiện trạng ban đầu. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác “tiêu”, tức là thoát nước mưa. Có thể nói, xét theo 3 tổng kết về chữ “T” của các cụ thì chúng ta đang phạm hết, vì thế chuyện ngập úng đường phố khi có mưa to ở Hà Nội là điều không thể tránh khỏi.

Theo các chuyên gia, dù ngập úng đường phố ở Hà Nội hiện nay vẫn đang là vấn đề thời sự nhưng không thể phủ nhận thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để đưa ra những giải pháp cải thiện tình hình.

Một số quốc gia trong khu vực cũng đã có những giải pháp mang tính đột phá để chống ngập đô thị. Thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã triển khai thành công giải pháp “Ngân Hàng nước” khổng lồ với 5 bể chứa lớn, dung tích 27.000m3 tích chứa nước mưa trước khi bơm ra hệ thống sông ngòi.

Còn Tokyo Nhật Bản nổi tiếng với dự án trục đường cống ngầm lớn, kéo dài từ Bắc đến Nam, có đường kính 10m và tổng chiều dài 6,3km. Hệ thống cống ngầm này kết hợp cùng 5 giếng chứa nước mưa (mỗi giếng có chiều cao 70m, đường kính 30m) giúp Tokyo thu gom và đẩy nước ra hệ thống sông lớn, chống ngập cho thành phố.

 Công trình ngầm thoát nước khổng lồ tại Nhật Bản.

 

Bàn về giải pháp chống ngập cho các đô thị tại Việt Nam, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà cho hay: “Chúng ta có thể tích chứa giúp chống ngập, giảm tải cho hệ thống thoát nước, sau đó có thể tái sử dụng để phục vụ hoạt động của con người như xử lý thành nước sinh hoạt, tưới cây, rửa đường…”.

Đồng thời, Công ty Cổ phần phát triển năng lượng Sơn Hà – SHE (công ty thành viên của Tập đoàn Sơn Hà) đã giới thiệu hai giải pháp công nghệ xử lý: phân tán và tập trung.

Giải pháp phân tán: Xây dựng bể chứa nước ngầm tại nhà riêng, dung tích từ 2 – 10m3. Bể chứa nước ngầm này sẽ có vai trò trung gian, chứa nước mưa thu gom từ mái nhà, sau khi đầy mới chảy ra hệ thống cống. Theo ước tính, với hàng trăm nghìn công trình nhà riêng, lượng nước mưa giữ lại có thể đạt tới 500.000 m3 mỗi trận mưa.

Giải pháp tập trung: Xây dựng bể chứa nước mưa dung tích lớn (50m3 đến hàng trăm m3) tại các công trình lớn: khách sạn, trường học, bệnh viện, nhà hàng, sân vận động, nhà chung cư… Đáp ứng yêu cầu dung tích lớn, bể chứa được lắp ghép theo modul, ghép nối từ nhiều chi tiết, giúp vận chuyển, thi công thuận tiện, nhanh chóng.

 

Hai giải pháp này phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam, hỗ trợ hệ thống thoát nước đô thị vào thời điểm bắt đầu mỗi cơn mưa, giảm thiểu ngập lụt và tái sử dụng nước mưa hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước. Cụ thể, nước mưa được tích trữ trong các bể ngầm có thể sử dụng làm nước cấp cho các hoạt động không yêu cầu chất lượng nước cao như: tưới cây, rửa xe, làm mát đường, cảnh quan du lịch…

Việc này không chỉ giúp tăng tính chủ động trong sử dụng nguồn nước, đa dạng nguồn cấp nước, khắc phục tình trạng thiếu nước ở các đô thị mà còn tiết kiệm chi phí xử lý nước sạch.

Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang