Chống tham nhũng: Cần phải quyết liệt

author 16:53 03/12/2013

Trong bài phát biểu, các lãnh đạo hay nhắc đến đột phá, quyết liệt nhưng tôi thấy “quyết” xong rồi “liệt” luôn!” - cử tri Trần Quang Tuấn có ý kiến về thực trạng chống tham nhũng tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và 3 ở TP HCM

Trong bài phát biểu, các lãnh đạo hay nhắc đến đột phá, quyết liệt nhưng tôi thấy “quyết” xong rồi “liệt” luôn!” - cử tri Trần Quang Tuấn có ý kiến về thực trạng chống tham nhũng tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và 3 ở TP HCM của tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu vào ngày 2-12.

thamnhung.vietq.vn.jpgChủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1, TP HCM ngày 2-12

Theo ông Tuấn, điều mà cử tri mong mỏi nhất là các ĐBQH không chỉ dừng lại ở cảm thông, chia sẻ những bức xúc của dân mà phải hành động mạnh mẽ, dám đột phá trong cách làm, nhất là chống tham nhũng.

Nhìn thẳng vào sự thật, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Thỉnh thoảng, tôi cũng nghe trên báo đồng chí A, B phát biểu lạc lõng và không đúng sự thật. Chúng tôi cố gắng hết sức nói đúng sự thật, tất nhiên nói là phải làm. Chúng tôi phải đấu tranh nhưng trách nhiệm nặng nề hơn, khi cần phạt phải phạt nặng hơn. Chúng tôi sẵn sàng nhận những hình phạt đó. Quyết đấu tranh chống tham nhũng chứ không để tình trạng “lình bình” mãi được!”.

 

Liên quan đến nội dung trả lời chất vấn tại QH của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình rằng chỉ 1% công chức, viên chức nhà nước không làm được việc, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) phản bác: “Nếu 99% công chức làm được việc thì Đảng và nhà nước sẽ không cảnh báo nạn tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Đồng ý với ông Châu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng con số đó phải lớn hơn nhiều. “Nếu quả thật có 1% yếu kém thì ra Nghị quyết Trung ương 4 làm chi cho tốn kém và cũng đã không khẳng định một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhắc lại nhiều án oan sai gây phẫn nộ trong thời gian qua, nhiều cử tri cho rằng phần lớn các án oan do báo chí phát hiện chứ không phải là cơ quan chức năng. Lý giải, Chủ tịch nước khẳng định: “Có thể cơ quan chức năng phát hiện án oan nhưng không dám nói lên sự thật. Điều đó cho thấy đấu tranh nội bộ rất kém”. Chủ tịch nước cũng cho biết cấp nào để xảy ra sai phạm thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng ngày, tại TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính trung ương, cũng có cuộc tiếp xúc cử tri 2 quận Hải Châu và Sơn Trà. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri cho rằng tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII, các bộ trưởng trả lời chất vấn còn vòng vo, chưa đúng vào vấn đề người dân quan tâm. Nhiều cử tri cũng thắc mắc về việc các vụ án tham nhũng lớn chậm đưa ra xét xử. Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết bị can Dương Chí Dũng (Cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 12-12. Vụ Nguyễn Đức Kiên cũng sẽ được xét xử trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Vấn đề thủy điện xả lũ, cử tri Đặng Vân (quận Hải Châu) cho rằng do việc xả lũ cùng lúc làm người dân lãnh hậu quả nặng nề. “Tuy nhiên, khi trả lời trước QH thì Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bảo thủy điện xả lũ đúng quy trình và cho rằng “trách nhiệm của chúng ta”. Tôi đề nghị QH phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan khi thủy điện xả lũ gây hậu quả cho người dân” - ông Vân kiến nghị. Cử tri Nguyễn Văn Thảo (quận Sơn Trà) nhấn mạnh: Giá điện có thể tăng nhưng đừng để người dân phải chết do thủy điện.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết một phần nhờ sự quyết liệt của QH mà Chính phủ đã cho dừng khoảng 400 dự án thủy điện. Riêng việc xả lũ vừa qua gây ngập lụt ở miền Trung là có phần lỗi của thủy điện. “Nếu trước khi lũ về, các thủy điện xả lai rai, lũ về thì cho tích nước lại rồi từ từ xả thì không có chuyện người dân không kịp trở tay như vừa qua. Vì vậy, cứ thiệt hại là bắt thủy điện phải đền bù chứ không phải hỗ trợ. Ở nước ngoài là người dân khởi kiện ra tòa chứ không phải kêu gọi hỗ trợ như ở nước ta” - ông Thanh nói.

 

 

Mong ĐBQH nói ít, làm nhiều

Cũng trong ngày 2-12, tổ đại biểu số 4 do ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - dẫn đầu cũng tiếp xúc cử tri quận 5 và quận 10. Người dân đánh giá cao bản Hiến pháp sửa đổi bởi tính công phu, đề cao tinh thần dân chủ; phản ánh được ý chí và nguyện vọng của nhân dân và đề nghị nhà nước nhanh chóng đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

Cũng tại buổi tiếp xúc, có cử tri bày tỏ mong muốn các ĐBQH nói ít, làm nhiều để mang lại mong muốn lớn nhất của cử tri, đó là đời sống được cải thiện; giao thông thông thoáng, an toàn; tội phạm giảm, an ninh trật tự được bảo đảm.

 

 

Theo NLĐ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang