Chủ động, linh hoạt tiêu thụ nông sản giữa đại dịch Covid-19

author 08:00 23/05/2021

(VietQ.vn) - Đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam có thể còn kéo dài và phức tạp. Trong khi, nông sản được thu hoạch theo mùa vụ nên rất cần sự chủ động của các chủ thể, từ quản lý nhà nước, địa phương doanh nghiệp và người dân.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam có thể còn kéo dài. Trong khi, nông sản được thu hoạch theo mùa vụ nên rất cần sự chủ động của các chủ thể, từ quản lý nhà nước, địa phương doanh nghiệp và người dân.

Đơn cử, tại Bắc Giang là điểm dịch nóng nhất cả nước, đồng thời cũng là thủ phủ của vải thiều miền Bắc với sản lượng ước đạt khoảng 180.000 tấn trong niên vụ này. Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải trong từng bối cảnh diễn biến dịch Covid-19.

“Kịch bản 1 là dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với 1/2 sản lượng tiêu thụ trong nước, số còn lại phục vụ xuất khẩu. Kịch bản 2 là dịch bệnh có diễn biến phức tạp, tuy nhiên, vẫn trong tầm kiểm soát sẽ tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều tại nội địa. Kịch bản 3 là dịch ảnh hưởng toàn diện đến hoạt động xuất khẩu, giao thương bị đóng khi đó vải thiều sẽ chủ yếu tiêu thụ nội địa”, ông Tuấn cho biết.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động vào cuộc phối hợp cùng các địa phương kết nối xuất khẩu thành công vải thiều sang thị trường Nhật Bản đã mang lại giá trị cao. Theo đó, do dịch Covid-19 nên trong mùa vải này, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho cán bộ kiểm dịch của Việt Nam thay thế cho chuyên gia của Nhật Bản trực tiếp giám sát các lô vải thiều xử lý khử trùng trước khi xuất khẩu.

Việc tiêu thụ nông sản thu hoạch theo mùa vụ rất cần sự chủ động của các chủ thể, từ quản lý nhà nước, địa phương doanh nghiệp và người dân. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia đánh giá, khoảng 2 năm qua, nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ luôn đối mặt áp lực tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp. Có những thời điểm, hàng hóa nông sản nói chung và sản phẩm hoa quả nói riêng của nước ta ùn ứ nhiều ngày tại các cảng, cửa khẩu biên giới. Để giảm bớt áp lực tiêu thụ tránh ùn ứ hàng hóa, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng theo dõi tình hình, giãn đưa hàng về cửa khẩu, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt.

Từ hiệu quả kết nối tiêu thụ gia cầm và rau củ quả tại tỉnh Hải Dương trong đợt dịch Covid năm 2020, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty CP Thương mại Lan Vinh cho rằng, quá trình kết nối tiêu thụ cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan. “Phải có những kế hoạch tổ chức rất chặt chẽ để dẫn dắt doanh nghiệp đến những vùng nào, điểm nào để tiêu thụ. Khi có sự dẫn dắt của xã, huyện, tỉnh thì xe của doanh nghiệp mới vào được để tiêu thụ nhanh, không mất thời gian nên quá trình này đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng. Đảm bảo hiệu quả từ giá thành cho nông dân đến thời gian tiêu thụ”, bà Lan chia sẻ kinh nghiệm.

Với những diễn biến mới của dịch Covid-19 khiến hoạt động giao thương chưa thể trở lại bình thường, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác liên ngành đôn đốc việc tiêu thụ nông sản đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới. Ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương có những phương án kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ như trước đây.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, cần rà soát, điều chỉnh sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, tăng cường chế biến bảo quản và lưu thông để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

“Các nhà máy chế biến nông sản cần tăng cường công suất tập trung vào phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến chuẩn bị tốt nhất phương án ứng phó với dịch Covid-19, nhất là các thị trường như Trung Quốc, EU, Mỹ đặc biệt khi mùa Hè đã quay trở lại”, ông Toản nhận định.

Số liệu thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỷ USD. Bài học kinh nghiệm tiêu thụ nông sản năm 2020 cần tiếp tục được thực hiện để chủ động tháo gỡ những nút thắt có thể xảy ra trong năm nay, khi bối cảnh dịch Covid 19 còn diễn biến phức tạp.

Nông sản tấp nập lên sàn online mùa dịch bệnhNông sản trước đây vốn được coi là mặt hàng "buôn thúng, bán mẹt"; thậm chí người bán phải đợi tới phiên chợ để mang đi bán, chen chúc, ngã giá với người mua; thì hiện nay đã được lên sàn thương mại điện tử. Việc mua bán gói gọn thông qua các thao tác đặt hàng trực tuyến. Giá cả sản phẩm được niêm yết rõ ràng, chính xác giúp cả người bán và người mua đều được hưởng lợi.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:nông sản, tiêu thụ

tin liên quan

video hot

Về đầu trang