Chủ động, sáng tạo để xây dựng niềm tin từ doanh nghiệp

author 06:29 08/02/2021

(VietQ.vn) - Cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng giúp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giữa chỉ đạo và thực hiện luôn tồn tại khoảng cách, bởi vậy cơ quan chức năng cần hơn nữa sự chủ động, sáng tạo để có được niềm tin của người dân, doanh nghiệp…

Nhiều năm nay, mỗi năm Chính phủ đều ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ðây là một trong những tín hiệu tích cực và rõ ràng nhất để cộng đồng doanh nghiệp ngóng chờ mỗi dịp đầu năm. Tuy nhiên, giữa chỉ đạo và thực hiện luôn tồn tại khoảng cách, vì thế, duy trì cơ chế đối thoại và các kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp chính là thước đo bảo đảm hiệu quả công việc, giúp gắn kết nỗ lực của Chính phủ với nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, theo một cuộc khảo sát nhanh của Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cuối năm 2020, khi gọi đến số “hotline” tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp được 63 tỉnh, thành phố công bố, kết quả chỉ có 38 trong tổng số 63 cuộc gọi (tương đương 60%) thành công trong lần gọi thứ nhất; tổng số cuộc gọi thành công (tức là có công chức/cán bộ trả lời) là 46/63 cuộc (73%); và chỉ 10 trong tổng số 46 cuộc gọi thành công đó có công chức/cán bộ trả lời với thái độ nhiệt tình.

Cũng trong cuộc khảo sát nhanh này, liên quan đến mục hỏi đáp trực tuyến được các tỉnh, thành phố đặt trên các cổng thông tin điện tử, kết quả như sau: Chỉ 48% được cho là dễ tìm (nhìn thấy ngay trên giao diện trang chủ); 43% tương đối dễ tìm (sau 2 lần kích chuột); đặc biệt 9% hết sức khó tìm. Và sau 10 ngày, đội ngũ khảo sát độc lập gửi đi cùng một câu hỏi tới 63 tỉnh, thành phố thông qua kênh trực tuyến đó để đề nghị hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp nhưng không nhận được bất cứ phản hồi hay hướng dẫn nào. Thậm chí, còn có 8% số lần gửi câu hỏi không thành công do lỗi kỹ thuật từ cổng thông tin điện tử.

Duy trì cơ chế đối thoại và các kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp chính là thước đo bảo đảm hiệu quả công việc, giúp gắn kết nỗ lực của Chính phủ với nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc tiếp nhận, xem xét, xử lý phản ánh kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chậm và chưa kịp thời. Một phần là do những khó khăn khách quan như: Thiếu quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục để giải quyết phản ánh kiến nghị, nhiều cơ quan và cán bộ, công chức đã bỏ qua hoặc đã linh hoạt vận dụng các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải quyết phản ánh kiến nghị; không có cơ sở pháp lý vững chắc cho nên không thể xác định trách nhiệm của các chủ thể Nhà nước có liên quan, không thể thúc ép việc giải quyết, dẫn đến việc đa số đơn phản ánh kiến nghị chưa được giải quyết kịp thời, thỏa đáng; một phần khó khăn không nhỏ cũng xuất phát từ phía người dân. Do chưa nắm vững được hết nội dung, yêu cầu đối với phản ánh kiến nghị trên Hệ thống cho nên khi gửi phản ánh kiến nghị còn thiếu thông tin, chưa thể hiện rõ nội dung, hoặc nội dung phản ánh kiến nghị không thuộc phạm vi xem xét, xử lý, do đó chưa đủ cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết…

Tuy nhiên, vẫn có nhiều địa phương đã rất chủ động sáng tạo, kịp thời thay đổi ứng xử để có được niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Ðiển hình trong số đó phải kể đến mô hình, cách làm của chính quyền TP Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng). Với quan điểm đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm, quyết tâm phục vụ được nhanh nhất, TP Ðà Lạt đã ứng dụng nền tảng khoa học - công nghệ, cho ra đời ứng dụng “Ðà Lạt trực tuyến” tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Kết quả mang lại thật sự bất ngờ: Chỉ sau hơn 10 phút kể từ khi ứng dụng ghi nhận nội dung trình bày của người dân, phản ánh kiến nghị đã được lãnh đạo UBND thành phố trực tiếp xem xét và giao cấp có thẩm quyền xử lý. Ngay trong buổi làm việc đó, khó khăn, vướng mắc của người dân sẽ được thảo luận để giải quyết. Từ khi có ứng dụng này, người dân muốn phản ánh vấn đề gì không phải mất nhiều thời gian, chi phí đi lại và chờ đợi giải quyết theo quy trình. Bản thân lãnh đạo địa phương cũng có thể nắm bắt trực tiếp tâm tư, nguyện vọng của người dân, theo dõi sát sao quá trình, đốc thúc xử lý từng vụ việc…

Rõ ràng, thực tế cho thấy việc tạo ra các công cụ, kênh tương tác giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp không khó, nhưng để các kênh tương tác không bị “nguội dần” theo sự quay lưng của người dân, thì rất cần sự nhiệt thành, thay đổi tư duy hành động của các cơ quan nhà nước từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp. Có như thế sự tin tưởng mới tăng dần, Nhà nước và doanh nghiệp mới chung tay cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhanh chóng, thiết thực.

Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực(VietQ.vn) - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghệ chủ lực giai đoạn 2021 – 2025.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang