Chủ hàng "tố" hàng Việt bị "nghẽn mạch"

author 07:48 24/11/2013

Siêu thị - một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả trong xã hội hiện đại, tuy nhiên, đường vào siêu thị đối với hàng hóa “made VN” lại không hề đơn giản...

Bên cạnh những tiêu chuẩn tương đối khắt khe các siêu thị đưa ra thì một rào cản không kém phần quan trọng đối với hàng Việt chính là những tiêu chuẩn “ngầm”.

“Chiêu” làm khó DN

Mặt hàng bún vào Co.opmart là một ví dụ đầy nghịch lý. Suốt mấy tháng qua, ở các siêu thị của hệ thống Co.opmart luôn bày bán bún tươi của cơ sở bún Trung Kiên (thương hiệu Bàu Cát), mặc dù, theo tìm hiểu và chứng kiến của phóng viên trong chuyến khảo sát của Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Công Thương - Sở Y tế cuối tháng 7/2013, nhà xưởng của Cơ sở bún Trung Kiên khá ô nhiễm, bún làm xong không đặt lên kệ mà để tệt xuống nền nhà, phía trong xưởng bún lênh láng nước, công nhân thì không mặc đồ bảo hộ lao động… Cơ sở này cũng chưa được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế TP. Hơn nữa, đây cũng là đơn vị từng bị các cơ quan chức năng “tuýt còi” sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất bún tươi… Trong khi đó, rất ít đơn vị sản xuất bún đạt chuẩn có thể vô được “cửa” ký hợp đồng với siêu thị. Tại TP HCM, hiện có trên dưới 10 DN bún đạt chuẩn theo công bố mới đây của Sở Công thương và Sở Y tế nhưng số lượng DN đưa bún, bánh phở vào được siêu thị không quá 1/4.

Anh D - chủ Cty bún L.T tại quận Thủ Đức cho biết: “Đầu năm nay, tôi đã bỏ hơn 1 tỷ đồng để sắm 2 dây chuyền công nghệ hiện đại làm bún tươi. Sản phẩm của Cty đã được Sở Công thương, Sở Y tế TP HCM cấp 2 loại giấy: Giấy đủ chứng nhận cơ sở điều kiện kinh doanh thực phẩm bún, bánh phở và Giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, khi nộp hồ sơ vào siêu thị Coopmart phải mất gần 1 năm mới được siêu thị này ký hợp đồng tạm - lấy bún 3 tháng số lượng rất hạn chế”.

Hàng việt khó vào siêu thị

Hàng Việt vẫn khó vào siêu thị. Ảnh minh họa

Thực tế, DN anh D chưa hết mừng vì được ký tạm 3 tháng thì đã ăm ắp nỗi lo: “2 tháng nay, chúng tôi bỏ trực tiếp cho một kho tổng của Siêu thị Co.opmart rồi tự họ chuyển tới các siêu thị trong hệ thống. Nhưng bây giờ phía Co.opmart lại bắt Cty phải giao hàng tận nơi cho từng siêu thị theo yêu cầu của họ thì mới ký lại hợp đồng, khiến chúng tôi hết sức khó khăn”.

Việc ký tạm, đưa ra “yêu sách” nếu DN đáp ứng được thì mới ký lại hợp đồng nhận hàng thực chất là một “chiêu” làm khó DN của siêu thị vì phía siêu thị biết chắc chắn không phải DN nào cũng đáp ứng được yêu cầu này. “Trong 2 tháng qua, mặc dù giá bỏ bên ngoài là 8.200đồng/kg, bỏ siêu thị chỉ 7.500 đồng/kg, chúng tôi vẫn có lời nhưng giờ nếu phải vận chuyển tới từng siêu thị thì dù có bỏ giá 9.000 đồng/1kg cũng bị lỗ vì chi phí vận chuyển sẽ tăng trên 10%, chưa kể DN sẽ tốn nhiều thời gian cho việc giao hàng và khó quay vòng xe” - anh D chia sẻ.

Cùng trăn trở vấn đề này, ông Trần Anh Hoàng - GĐ Cty CP SX-TM-DV Linh Anh cho biết: Đưa hàng vào siêu thị lớn như Co.opmart, BigC khó tới mức cứ 10 DN thực phẩm nộp hồ sơ thì được 1 DN, thậm chí có đợt không DN nào vào được. Hơn nữa, chiết khấu tại các siêu thị hiện khá cao ảnh hưởng tới giá thành bán ra. Mức chiết khấu này dao động từ 7-12% tùy từng DN và tùy từng sản phẩm, thậm chí có sản phẩm phải chiết khấu tới 17%. Đã thế, chi phí trưng bày tại siêu thị cũng cao, chương trình khuyến mãi dồn dập mà mỗi lần khuyến mãi phải thay đổi giá bán không những tạo nên xung đột giá mà khiến nhà sản xuất lúng túng trong việc điều chỉnh.

Chê hàng nội ?

Ở góc độ siêu thị, bà Bùi Hạnh Thu - PTGĐ Sài Gòn Co.op cho rằng, siêu thị luôn đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu nhưng phần lớn DN không đạt được tiêu chí này. Nhiều DN nộp hồ sơ vào Co.op đã qua vòng xét duyện hồ sơ ký hợp đồng nhưng khi siêu thị đi kiểm tra thực tế không đạt nên đành phải hủy hợp đồng với DN.

Thêm một tiêu chí nữa mà các siêu thị rất quan tâm đó là mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Siêu thị thường có xu hướng ưu tiên cho sản phẩm của các thương hiệu ngoại. Điều này khá dễ hiểu vì DN ngoại với tiềm lực tài chính mạnh, có đội ngũ thiết kế, design, nghiên cứu thị trường hùng hậu tạo ra những sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu của siêu thị. Còn các DN Việt cho dù có lọt vào Top Hàng VN chất lượng cao thì cũng khó lòng lọt vô siêu thị chỉ vì bị chê mẫu mã xấu, “kén” khách?.

Trước thực tế trên, các DN sản xuất trong nước mong muốn các siêu thị cần thay đổi thái độ với hàng Việt. Thay bằng việc quá khắt khe, các siêu thị có thể tạo điều kiện cho hàng Việt vào siêu thị bằng cách hết sức “thị trường”: Siêu thị có thể ký hợp đồng tạm 2 - 3 tháng đối với các DN Việt chào hàng, nếu hết thời hạn trên, hàng hóa không bán được thì DN sẵn sàng rút khỏi sân chơi.

Mang theo những bức xúc cũng như trăn trở của hàng nội trên đường vào siêu thị để đến với khách hàng, tôi cứ băn khoăn về sự thừa nhận câu chuyện “phí bôi trơn” là có thực của một Giám đốc một DN thực phẩm tại TP HCM. “Tùy theo quan hệ của khách hàng với bộ phận thu mua mà “phí bôi trơn” có thể dao động từ 2 - 7 triệu đồng trên mỗi lô hàng. Mỗi siêu thị có một “ngạch” riêng, nếu DN biết cách đi đúng đường và có “phí bôi trơn” thì hàng hóa sẽ dễ vào hơn”...

Theo DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang