Thu từ dầu và khí hụt lớn so với dự toán

author 16:31 20/10/2015

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu, dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỷ đồng.

Trong phiên họp buổi chiều 20/10 kỳ họp Quốc hội thứ 10, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách (Ủy ban TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Hụt thu từ dầu, khí

Cơ quan này cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2015 của Chính phủ và cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,2%), một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khá ổn định, tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so ước thực hiện 2014) là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, cố gắng hoàn thành vượt dự toán được giao của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Mặc dù đạt được kết quả khả quan, song nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và khu vực chưa thực sự ổn định, môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước chưa được cải thiện nhiều, giá dầu thô giảm mạnh, nhập siêu có xu hướng tăng, thị trường tài chính, thị trường bất động sản phục hồi chưa mạnh, tiến độ tái cơ cấu DNNN chậm… Những yếu tố này đã tác động không nhỏ đến kết quả thu NSNN năm 2015; cơ cấu thu đã có những thay đổi, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ yếu, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, mức độ huy động vào NSNN từ GDP qua thuế, phí có xu thế giảm so với giai đoạn trước.

Báo cáo trước Quốc hộị kỳ họp thứ 10: Hụt thu lớn từ dầu khí

Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách (Ủy ban TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Qua xem xét báo cáo của Chính phủ, Ủy ban TCNS thấy nổi lên một số vấn đề sau:

Thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỷ đồng (tăng 7,6% so dự toán và tăng 17,7% so với thực hiện 2014). Đây là mức đánh giá khá tích cực. Tốc độ tăng thu nội địa theo dự ước của Chính phủ tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và những yếu tố giảm thu do điều chỉnh chính sách. Từ kết quả giám sát thực tế cho thấy, do bị ảnh hưởng của việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến năm 2014 và đối với một số mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi… năm 2015, dẫn đến một số địa phương 2 năm liền bị hụt thu, ảnh hưởng nhất định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thu từ dầu và khí hụt lớn so với dự toán. Trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu (ước cả năm chỉ đạt 56,7USD/thùng, giảm trên 43USD/thùng so với giá tính dự toán), dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỷ đồng, thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỷ đồng do giảm thu từ hoạt động khai thác khí, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất..., thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khoảng 19.000 tỷ đồng do trị giá tính thuế xuất khẩu dầu thô, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu giảm. Đây là mức hụt thu lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương. Ủy ban TCNS nhất trí với Chính phủ dự kiến giá dầu thanh toán bình quân 3 tháng cuối năm chỉ ở mức 50USD/thùng, nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát diễn biến của giá dầu để có đối sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế trong nước bù hụt thu, tận dụng việc giảm giá dầu thành cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Thu cân đối từ hoạt động XNK dự ước đạt 100% dự toán và hoàn đủ số thuế GTGT trong năm 2015 so với dự toán. Nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng cần đánh giá sát hơn, trong những tháng cuối năm, hoạt động xuất - nhập khẩu thường có xu hướng tăng mạnh, do đó, số thu từ hoạt động XNK có thể vượt dự toán.

Công tác quản lý và thu thuế năm 2015 có nhiều tiến bộ, thủ tục hành chính đã được đổi mới, cải cách toàn diện và đồng bộ hơn, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đã được thực hiện tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ đọng thuế vẫn còn cao, tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp. Nếu có các giải pháp tích cực, quyết liệt hơn thì kết quả thu NSNN năm 2015 có thể sẽ cao hơn dự kiến.

Ủy ban TCNS cho rằng, mặc dù tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng tăng thu chủ yếu của NSĐP (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn NSTW hụt thu 31.300 tỷ đồng, điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối NSNN. Do vậy, Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối NSNN.

Kỷ luật chưa nghiêm, một số khoản chi vượt dự toán

Về thực hiện dự toán chi NSNN, so với các năm trước, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, vốn TPCP của một số bộ, ngành và nhiều địa phương chưa đảm bảo tiến độ. Kết quả giám sát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do công tác giải phóng mặt bằng có nhiều khó khăn, đồng thời, năm 2015 là năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công, việc triển khai có những khâu còn lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Ngoài ra, một số địa phương có nhiều khoản chi chính sách, chế độ đã có trong dự toán nhưng NSNN còn nợ, cấp vốn chậm, dẫn đến các địa phương có nguồn thu ngân sách thấp gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.

Ủy ban TCNS còn cho biết, vẫn còn tình trạng chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, một số khoản chi NSNN vượt dự toán, chi tiêu chưa thực sự tiết kiệm triệt để như quy định tại Nghị quyết của Quốc hội; một số định mức chi ngân sách còn lạc hậu, chưa được sửa đổi, bổ sung. Chi sự nghiệp kinh tế là nhiệm vụ chi có ý nghĩa quan trọng nhưng còn bố trí vốn thấp, phân bổ dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chi sự nghiệp khoa học công nghệ ở một số địa phương chậm được đổi mới về cơ chế, chi đạt thấp so với dự toán.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang