‘Chủ thương hiệu C2, Rồng đỏ phải thu hồi lô sản phẩm nhiễm chì vượt mức’

authorDương Phương Ngọc 12:48 20/05/2016

(VietQ.vn) - Đó là ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam khi bàn luận về “nghi án” C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì.

Liên quan tới vụ “nghi án” sản phẩm và nguyên liệu của trà xanh C2, Rồng đỏ của công ty URC Việt Nam nhiễm độc chì vượt mức cho phép, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam cho biết:  Về nguyên tắc khi đi kiểm nghiệm, nếu công ty phát hiện ra sản phẩm có lỗi thì phải cho dừng ngay và phải thu hồi hết những lô, những sản phẩm lỗi đó. Nếu phát hiện ra hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép trong quá trình sản xuất thì phải cho dừng ngay từ quá trình sản xuất và tiêu hủy đi.

“Còn nếu sản phẩm đã phân phối ra ngoài thị trường, bao giờ các lô hàng cũng đánh số thì công ty họ phải có giải pháp để kiểm tra, thu lại. Đây là điều cơ bản nhất” - PGS.TS. Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.

Vì sao đoàn thanh tra Bộ Y tế không lấy đúng mẫu C2, Rồng Đỏ nghi nhiễm chì để kiểm nghiệm?(VietQ.vn) - Các cơ quan chức năng có “công tâm” trong việc kiểm nghiệm C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì? Các mẫu URC đem đi thử có nằm trong lô hàng bị nhiễm độc chì?

Ông Việt cũng lưu ý: Khi thấy kết quả nhiễm độc chì, URC Việt Nam phải đưa mẫu đi kiểm tra ở các đơn vị kiểm định khác để có sự so sánh và từ đó đưa ra phương pháp xử lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, URC cũng đã đưa ra nhiều kết quả kiểm nghiệm trong nước và quốc tế để chứng minh sản phẩm của mình “thực sự sạch”.

Nhưng điều đáng nói là nhiều mẫu đem đi kiểm định lại không cùng lô với sản phẩm nghi bị nhiễm độc chì.

Đơn cử như, kết quả kiểm nghiệm mới công bố vào ngày 13/5/2016 của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, 5 mẫu Trà xanh hương chanh C2 và 5 mẫu Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ lấy ngẫu nhiên trên thị trường đều có hàm lượng chì nằm trong giới hạn quy định.

Tuy nhiên, 10 mẫu thành phẩm này mới sản xuất ngày 10/5/2016, không cùng lô với 2 mẫu Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia (NIFC) kiểm nghiệm nhiễm độc chì vượt ngưỡng trước đó (cụ thể, sản phẩm C2, Rồng Đỏ mà NIFC kiểm nghiệm nằm trong lô hàng sản xuất vào ngày 4 và 19/2/2016).

Như vậy, với việc các mẫu không nằm trong cùng lô hàng bị nhiễm độc chì, tất cả các kết quả mà URC đưa ra đều không phản ánh bản chất bị nhiễm độc chì của các sản phẩm đã được công ty này sản xuất từ hồi tháng 2/2016.

Hơn nữa, chính vì những kết quả xét nghiệm không đồng nhất của các cơ quan chức năng trong thời gian qua (lúc hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, lúc an toàn) đã khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi nghi ngờ rằng: Dựa trên căn cứ nào để URC Việt Nam cam kết tất cả các nguyên liệu đưa vào sản xuất, cũng như những sản phẩm của URC Việt Nam từ trước tới nay đều có hàm lượng chì trong mức an toàn?

PGS.TS. Nguyễn Văn Việt: Nếu công ty phát hiện chì vượt ngưỡng, phải dừng sản xuất ngay.

Trước đó, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định: Cục đã yêu cầu nhà máy sản xuất C2, Rồng Đỏ giải trình xem lô hàng nhiễm độc chì đó đang ở đâu.

Đồng thời, Cục cũng đã yêu cầu nhà máy báo cáo xem những sản phẩm mà trước đó URC gửi đến NIFC kiểm nghiệm là sản phẩm để bán hay để test thí nghiệm, trên cơ sở đó sẽ tiến hành xử lý.

“Nếu là test, kết quả vượt ngưỡng rồi mà URC vẫn đưa vào sản xuất thì phải xử lý nghiêm” – ông Phong nhấn mạnh.

Bởi với tốc độ tiêu thụ C2 và Rồng đỏ trên thị trường hiện nay, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi sản xuất, hàng chục  triệu chai nước giải khát này có thể đã đến tay hàng triệu người Việt Nam, trong đó phần lớn là trẻ em, học sinh.

Theo một nguồn tin thân cận cho biết, 1 ngày, trung bình công ty URC Việt Nam bán trên toàn quốc khoảng 115.000 thùng C2, mỗi thùng có 24 chai, như vậy, nhẩm tính chỉ trong một ngày, có khoảng gần 3 triệu chai C2 đi vào cơ thể người dùng Việt.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thiên Hương, Phụ trách truyền thông của công ty URC Việt Nam luôn “né” đề cập tới vấn đề thu hồi lô sản phẩm và nguyên liệu không an toàn trên.

Trả lời phỏng vấn của Chất lượng Việt Nam vào ngày 17/5, bà Hương chỉ nói ngắn gọn: “Mọi thắc mắc trọng tâm đã được URC trả lời thông qua các Thông cáo báo chí. Những việc còn lại sẽ do các cơ quan chức năng xử lý”.

Trong khi đó, các thông cáo báo chí của URC phát đi đều không đả động gì tới việc thu hồi hay xử lý đối với những sản phẩm C2, Rồng Đỏ mà NIFC đã đưa ra kết quả vượt ngưỡng hàm lượng chì cho phép nhiều lần. Điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng bởi câu hỏi cho chất lượng của sản phẩm cũng như "dấu vết" của những lô hàng không đảm bảo an toàn vẫn chưa được URC giải đáp một cách thấu đáo và minh bạch.

 URC Việt Nam "né" trả lời việc thu hồi đối với lô sản phẩm "nghi" nhiễm độc chì nặng.

Còn trên tờ Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thiên Hương giải thích: Dù hai lần bị xác định có hàm lượng chì nhưng thực tế mẫu kiểm nghiệm mà URC VN gửi lại tới năm trung tâm kiểm nghiệm (cùng lô với mẫu bị phát hiện chì vượt ngưỡng)... đều không phát hiện chì.

Đặc biệt, sau lần kiểm tra thứ hai của NIFC phát hiện hàm lượng chì, bà Hương nói Bộ Y tế không lấy mẫu của URC mà trực tiếp đi lấy mẫu ngẫu nhiên để đảm bảo khách quan, kết quả (ngày 10-5) lại cho thấy không vượt ngưỡng an toàn.

Mẫu mới nhất gồm cả sản phẩm lẫn nguyên liệu mà URC VN gửi sang Trung tâm SETSCO (Singapore) cũng cho kết quả (ngày 11-5) không nhiễm chì. Từ những tình tiết này, bà Hương cho biết phải chờ kết luận cuối cùng của Bộ Y tế, URC mới xác định được việc có thu hồi hay không và trách nhiệm với cộng đồng như thế nào.

Trong khi đó, mới đây Bộ Y tế đã yêu cầu lấy mẫu các sản phẩm trà xanh C2, nước tăng lực Rồng Đỏ trên cả nước để xét nghiệm.

Việc lấy mẫu tại khu vực phía Bắc sẽ giao Cục An toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng; khu vực miền Trung do Viện Pasteur Nha Trang phụ trách; khu vực miền Nam được Viện Y tế công cộng TP HCM lấy mẫu.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt (Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam): Việc Bộ Y tế yêu cầu lấy mẫu nguyên liệu và sản phẩm C2, Rồng đỏ trên toàn quốc để kiểm nghiệm, về khoa học mà nói, các kết quả thu được cũng chỉ có giá trị ở những mẫu phân tích, chứ không thể phản ánh chất lượng của toàn bộ sản phẩm C2, Rồng đỏ đang lưu thông trên thị trường.

“Chì là thứ gây độc, cơ quan kiểm nghiệm phải rất cẩn trọng, trong phiếu kiểm tra của các cơ quan kiểm nghiệm đều ghi: Họ chỉ chịu trách nhiệm về những mẫu mà công ty gửi đến và chỉ có giá trị ở những mẫu đó thôi, còn các mẫu khác không chịu trách nhiệm”.

Điều đáng nói là: “không ai có thể đủ sức đi kiểm tra cả hàng triệu mẫu trên thị trường” – ông Việt nói.

Và vì vậy, cứ cho Bộ Y tế đưa ra kết quả “hoàn toàn sạch” cho những mẫu mà Bộ Y tế lấy ngẫu nhiên trên thị trường để kiểm nghiệm thì liệu người dùng có dám tiếp tục uống C2, Rồng đỏ bởi biết đâu chai nước giải khát mà họ uống lại nằm đúng lô nhiễm chì nặng mà NIFC đã kiểm nghiệm?!

Trong khi URC chậm chễ trong việc xử lý, không thu hồi đối với lô hàng “nghi ngờ” nhiễm độc chì nặng, chờ đợi kết luận của Bộ Y tế thì hàng triệu người dùng Việt Nam lại phải từng ngày đối mặt với nỗi lo nguy hiểm về sức khỏe nếu lỡ uống phải lô C2, Rồng đỏ không an toàn?!

Được biết, trong quá trình sản xuất, URC Việt Nam đã sử dụng nguyên liệu axit citric để sản xuất sản phẩm. Loại nguyên liệu này được URC Việt Nam nhập từ nhà cung cấp Weifang Ensign Industry Co., Ltd – Yixing, Trung Quốc.

Nhiều giả thiết được đồn thổi trên cộng đồng mạng cho rằng, nguyên liệu nhập từ nhà cung cấp Trung Quốc này không đạt tiêu chuẩn, là nguyên nhân dẫn tới hàm lượng chì vượt mức cho phép.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang