Chủ tịch "ăn dây" với Ban quản lí đẩy tiểu thương ra chợ?

author 11:29 24/12/2012

(VietQ.vn) - Ông Trần Trọng Thành, Trưởng BQL chợ Sặt nói: Người ngoài vào thuê bao nhiêu cửa hàng cũng được. Vấn đề phải hất chân các hộ kia. Để làm được việc này cần phải đút tiền cho anh để anh đưa cho anh Bình. Và tôi đảm bảo giá thuê thấp hơn hiện tại!

Trắng đêm trông chỗ ngồi

Vài tháng trở lại đây, hàng trăm tiểu thương trong chợ Sặt (ngôi chợ truyền thống của người dân Bình Giang, Hải Dương) hàng đêm phải cắt cử người thân trắng đêm trông giữ vì sợ chính quyền sở tại lén lút phá… Sự mệt mỏi đã in hằn trên khuôn mặt các tiểu thương sau bao đêm thức trắng trông chỗ ngồi.
 
Bác Trần Thị Dung (64 tuổi), một tiểu thương buôn thịt lợn đã gắn bó với gian hàng gần 40 năm buồn bã cho biết: “Hàng trăm tiểu thương trong chợ rất hoang mang vì gian hàng là do ông cha để lại, có gia đình 10 thế hệ gắn bó với nó. 3 thế hệ trong gia đình tôi đã gắn bó với gian hàng này. Miếng cơm, manh áo, cuộc sống gần như trông chờ vào thu nhập từ việc buôn bán. Mới đầu nghe thông tin cải tạo, chúng tôi vui mừng khôn xiết, nhưng khi được biết chính quyền chuyển hết các hộ buôn bán ra phía bờ sông không có người qua lại, chúng tôi mới té ngửa là bị họ lừa”.
 
Được bố mẹ để lại gian hàng, bám chợ kiếm miếng ăn gần 40 năm để thoát khỏi cái đói nghèo, tiểu thương Vũ Thị Chính (61 tuổi) ốm yếu nói: “Ngày thì bán mặt cho trời, bán rau, giá đỗ, củ quả trong chợ kiếm miếng ăn. Tối lại phải thức trông chỗ vì sợ họ phá mất, gần tháng nay tôi ốm siêu vẹo. Đêm không ra trông chỗ được hôm thì bảo con trai, hôm thì bảo con dâu ra canh giúp”.
Nhiều tháng nay các tiểu thương ở chợ Sặt phải thức trắng đêm canh gian hàng
Nhiều tháng nay các tiểu thương ở chợ Sặt phải thức trắng đêm canh gian hàng
 
Cùng cảnh gạo chợ nước sông, 3 thế hệ gia đình tiểu thương Phạm Thị Vần (64 tuổi), trông chờ cả vào gian hàng chưa đầy 1,5m2 trong chợ sặt. Khi nghe thông tin bị di dời và có nguy cơ mất trắng chỗ ngồi.
 
Bà bức xúc cho hay: “Từ khi nghe thông tin chúng tôi bị đẩy ra bờ sông buôn bán, cuộc sống gia đình chúng tôi đảo lộn hết. 4 mẹ con trông cả vào gian hàng, giờ mất thì biết tìm cách gì để sống đây. Vài tháng trở lại đây, 4 mẹ con phải thay phiên nhau thức đêm cùng bà con gác cửa hàng”.
 
Sợ chính quyền sợ tại lén lút phá gian hàng, không kể nắng mưa, ngày đêm, nhiều tiểu thương không rời chỗ ngồi của mình nửa bước, người thân phải tiếp tế ngày 3 bữa cơm.
 
Chị Chu Thị Ly, một tiểu thương bán hàng khoai trong chợ khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm giữ miếng cơm manh áo. Nhiều đêm ốm cũng lê thân ra chợ trông chỗ. Giờ thì cả ngày lẫn đêm ở lại luôn, con cháu hôm nào cũng phải mang ra. Mà không trông là họ phá đấy, đêm nào cũng thấy ông Chủ tịch thị trấn lén lút đảo qua đảo lại xem có người không để phá”.
 
Ăn chia tỷ lệ 40 - 60?
 
Trước quyết tâm giữ chỗ ngồi, giữ miếng cơm manh áo của các tiểu thương, chính quyền sở tại đã nhiều lần mời bà con trong chợ lên UBND thị trấn Sặt trao đổi để tìm ra giải pháp, tuy nhiên, chưa lần nào họ tìm ra tiếng nói chung.
 
“Vì chính quyền quá cứng nhắc, đã nhiều họ mời chúng tôi lên họp bàn, nhưng giải thích tâm tự nguyện vọng thì họ không chịu nghe. Có lần tôi đứng lên có ý kiến, thậm chí còn đuổi thẳng chúng tôi về, dừng cuộc họp luôn”, tiểu thương Chu Thị Ly cho biết.
 
Cũng theo tiểu thương Ly, các tiểu thương trong chợ rất hoang mang vì chính quyền lúc thế này, lúc thế kia chẳng biết đâu mà lần, mềm thì nắn, rắn thì buông. Sau lần đuổi chúng tôi ra khỏi cuộc họp, họ lại cho người xuống xin lỗi, thừa nhận đã làm sai, nhưng vẫn mong muốn bà con ủng hộ làm chợ để họ có uy tín.
" Hiện dự án có quá nhiều thứ mập mờ", ông Quý, nguyên trưởng ban quản lí chợ nói
" Hiện dự án có quá nhiều thứ mập mờ", ông Quý, nguyên trưởng ban quản lí chợ nói
 
Ông Phạm Văn Quý (sinh năm 1930, tại 81, đường Thanh Niên, Khu II Thị Trấn Sặt, Bình Giang, Hải Dương) một lão thành cánh mạng, từng là trưởng ban QLTT và trưởng ban quản lý chợ chia sẻ: “Khu chợ tồn tại gần 200 năm. Trước cách mạng tháng 8/1945 đây nó là nơi cứu tế bần, cho các hộ nghèo ra sống. Sau hòa bình trở lại, tôi đưa dân về chợ cho bốc thăm các quán, các dãy hàng. Lúc đó họ phấn khởi, hồ hởi vì khá công minh, dân  chủ. Hiện dự án có quá nhiều thứ mập mờ, nên khó được người dân chấp nhận"
"Tiền thuê gian bán thịt khoảng 1 triệu/tháng. Gian thường khoảng 600.000/tháng" - Ông Thành nói.
 
Ông Chu Đức Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Sặt khá cho biết: “Thời gian qua phía người dân vẫn chưa đồng thuận vì nguyên nhân chính là họ sợ sẽ mất chỗ sau khi khu chợ mới được hoàn thành. Sau đó có xảy ra hiện tượng người dân thức đêm giữ chỗ ngồi”.
 
Trong vai một tiểu thương cần mua gian hàng ở chợ, PV đã tiếp cận với ông Trần Trọng Thành, Trưởng ban quản lí chợ Sặt và được ông này cho biết: “Người ngoài vào thuê bao nhiêu cửa hàng cũng được, vấn đề lại phải hất chân các hộ kia. Để làm được việc này cần phải đút tiền cho anh để anh đưa cho anh Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Sặt. Và tôi đảm bảo giá thuê thấp hơn hiện tại”.
 
Cũng theo ông Thành, làm trưởng ban quản lí chợ, ông có vài gian trong đó, rồi Chủ tịch UBND thị trấn có vài căn. Và hiện tại ông đã bán được mấy căn kiếm tiền. Tuy nhiên một mình ông không thể nuốt hết được.
 
“Anh bán các gian hàng thì chỉ được hưởng 40% thôi còn 60% phải đưa cho ông Chu Đức Bình (Chủ tịch UBND TT Sặt). Ông Bình là thế hệ đàn em, nhưng Bình tin anh lắm, nhưng “ăn” cái gì anh cũng phải chia cho Bình”.- ông Thành nói tiếp. (Còn nữa)

(Mọi thắc mắc, khiếu tố của bạn đọc có thể liên hệ qua đường dây nóng: 0904.065.256 để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết)
 
Đoàn Tân - Đông Phong
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang