Chủ tịch FPT Retail: Năm 2020 sẽ là ‘đáy’ kinh doanh của hệ thống FRT

author 15:26 28/05/2020

(VietQ.vn) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail; FRT) - bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết, FRT đã nhìn thấy lỗ hổng của 2 mảng F.Friends và Subsidy trong năm 2019.

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2020 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp cho biết, RT đã nhìn thấy lỗ hổng của 2 mảng F.Friends và Subsidy trong năm 2019. “Năm 2020 sẽ là đáy kinh doanh của hệ thống FRT”, bà Điệp nói và cho biết tiến hành giảm 2 mảng kinh doanh trên trong năm 2020, do đó mảng kinh doanh thiết bị kỹ thuật số sẽ có sự suy giảm doanh thu. Bù lại, chuỗi Long Châu được kỳ vọng sẽ tăng gấp 3 lần doanh thu từ 500 tỷ đồng của năm 2019 lên 1,5 ngàn tỷ đồng trong năm 2020.

Về mục tiêu năm 2020, FRT dự kiến doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 15,320 tỷ đồng và 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 21% so với 2019. Về phương án phân phối lợi nhuận, Ban lãnh đạo FRT trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% cho năm 2019 (thực hiện vào quý 3/2020). Đối với năm 2020, cổ tức tiền mặt dự kiến sẽ không vượt quá 15%.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I/2020, FRT ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần FRT tăng 2% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 4.093 tỷ đồng. Ngược lại, giá vốn hàng bán giảm nhẹ, xuống còn hơn 3.529 tỷ đồng. Từ đó dẫn đến lãi gộp của FRT tăng 18%, lên gần 564 tỷ đồng.

 FPT Retail hạ mục tiêu kinh doanh năm 2020.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính kỳ này gấp đôi so với kỳ trước, lên hơn 23 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay chiếm đến 80%, ghi nhận gần 19 tỷ đồng. Các chi phí của FRT đồng loạt tăng so với cùng kỳ như chi phí tài chính (tăng 49%), chi phí bán hàng (tăng 25%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 54%). Kết thúc 3 tháng đầu năm 2020, FRT ghi nhận lãi ròng giảm 43% so với cùng kỳ, chỉ còn 37 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2020, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho của FRT lần lượt giảm 10% và 11% so với đầu năm, xuống còn hơn 1.065 tỷ đồng và gần 3.012 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả cũng giảm 11%, ghi nhận gần 4.731 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả Công ty TNHH Apple Việt Nam giảm 90%, xuống mức 64 tỷ đồng. Tổng tài sản của FRT ghi nhận gần 6.046 tỷ đồng, giảm 8% so với con số hồi đầu năm.

Lãnh đạo FPT Retail giải thích, lợi nhuận sau thuế quý I/2020 giảm mạnh do ảnh hưởng từ hoạt động đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu từ 28 cửa hàng cùng kỳ năm trước lên 83 cửa hàng vào cuối quý I/2020. Do hệ thống nhà thuốc Long Châu đang trong giai đoạn mở rộng đầu tư đã làm tăng mạnh chi phí bán hàng, chi phí quản lý.

Bên cạnh đó, do quý I là thời điểm đến hạn tăng tiền phí thuê nhà theo định kỳ, đồng thời FPT Retail điều chỉnh phân bổ lương hiệu quả kinh doanh theo kết quả kinh doanh thực tế nên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 9,3% trong quý I/2019 lên 11,3% trong quý I/2020.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang