Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn liệu còn ‘cứu’ Hanoi Milk được mãi?

author 11:09 05/05/2019

(VietQ.vn) - Với Hanoi Milk, tình hình hiện tại không phải là doanh nghiệp lãi bao nhiêu, mà dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liệu có “khỏe” để doanh nghiệp Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn trả nợ vay và đầu tư mở rộng sản xuất.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Dấu hỏi thanh khoản?

Quý I/2019 ghi nhận doanh thu thuần Hanoi Milk lãi lớn hơn 40,4 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lãi sau thuế của Izzi chỉ đạt vỏn vẹn 166 triệu đồng, tăng khoảng hơn 50 triệu đồng so với quý I/2018.

Dòng tiền trong kỳ của Hanoi Milk tính đến cuối kỳ ghi nhận tăng 1,6 tỷ đồng đạt hơn 3,1 tỷ đồng. Tuy vậy, dòng tiền dương chủ yếu đến từ các khoản phải trả trong kỳ dương 12,2 tỷ đồng. Bảng cân đối kế toán cho thấy, phải trả người bán ngắn hạn của Hanoi Milk tăng gần 11% đạt hơn 81,1 tỷ đồng; trong khi đó phải trả ngắn hạn khác  tăng 15,6% lên gần 13 tỷ đồng. 

nhadautu - Hanoi Milk 1

Áp lực nợ ngắn hạn phải trả của Hanoi Milk là rất lớn. Cuối kỳ BCTC quý I/2019, họ đang nợ ngắn hạn 301,1 tỷ đồng (tăng khoảng 3 tỷ đồng so với cùng kỳ). Ngoài, hai khoản phải trả người bán ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác kể trên, Hanoi Milk đang vay ngắn hạn 179 tỷ đồng, trong đó 26,3 tỷ vay Ngân hàng BIDV – CN Tây Hà Nội; 8 tỷ đồng Ngân hàng liên doanh Việt Nga – Sở Giao dịch; gần 40 tỷ đồng vay Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và gần 105 tỷ đồng còn lại là vay các cá nhân.

nhadautu - Hanoi Milk 3

Cụ thể các khoản vay của Hanoi Milk tính đến giữa năm 2018

Tìm hiểu cho thấy, các khoản vay cá nhân này đều đến từ Ban lãnh đạo Hanoi Milk và công ty do Chủ tịch HĐQT HNM sở hữu. Tuy vậy, đây đều là các khoản vay với lãi suất 0%/năm và được đảm bảo bằng tín chấp. Dù thời hạn cho vay là 12 tháng, nhưng trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả, hoàn toàn có khả năng Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn, các công ty do ông sở hữu và Thành viên HĐQT Hanoi Milk - ông Phạm Tùng Lâm có sự “du di” nhất định.

Dẫu vậy, kể cả trừ đi phần 105 tỷ đồng nêu trên, con số nợ ngắn hạn từ 3 ngân hàng vẫn là khá lớn với Hanoi Milk. Đó là chưa kể hoạt động kinh doanh của Hanoi Milk đến thời điểm hiện tại không tạo ra đủ lợi nhuận để trả lãi vay. Tính toán của PV cho thấy, hệ số chi trả lãi vay của HNM chỉ đạt 0,093.

Xét trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả 319,6 tỷ đồng chiếm 63% nguồn vốn. Hệ số vốn chủ sở hữu/nợ là 1,72 lần.

Trong bối cảnh thị phần sữa đang ngày càng cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp mảng sữa sẵn sàng chi đến hàng tỷ đồng làm chi phí quảng cáo, chi phí khuyến mãi… nhằm giữ thị phần, khó khăn đang ngày càng chồng chất với Hanoi Milk.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất tại Izzi là Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn khi nắm gần 4,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 21,88%. Thực tế, sở hữu của ông Hà Quang Tuấn tại doanh nghiệp lớn hơn con số trên. Cụ thể, một cổ đông lớn khác là Công ty CP Hoàng Mai Xanh – đơn vị do ông Tuấn là chủ sở hữu, đang nắm 6,25% vốn Izzi; Công ty TNHH Phát triển sản phẩm mới công nghệ mới – công ty của ông Tuấn, nắm 6,25% vốn. Tính ra, nhóm ông Tuấn đang nắm gần 34,4% vốn Hanoi Milk.

Được biết, số 1,25 triệu cổ phần mà Công ty CP Hoàng Mai Xanh và Công ty TNHH Phát triển sản phẩm mới công nghệ mới đang nắm giữ đến từ đợt phát hành cổ phần của Hanoi Milk với cổ đông chiến lược.

Nói cách khác, ông Tuấn và công ty có liên quan cũng từng bơm không ít “tiền” cho Hanoi Milk khi mua cổ phần doanh nghiệp.

Không ít lần tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Hà Quang Tuấn đều lưu ý với cổ đông rằng, ông chính là người thiệt hại nhiều nhất khi Hanoi Milk tiếp tục kinh doanh lao dốc và đi cùng với đó là giá cổ phiếu.

Nếu nhìn ở góc độ diễn biến giá cổ phiếu Hanoi Milk từ khi ông “nhậm chức” Chủ tịch HĐQT, cũng như lúc ông và các thành viên liên quan mua vào cổ phiếu, có thể thấy Chủ tịch HĐQT đang bị “thiệt hại” rất nhiều.

nhadautu - gia co phieu HNM

Giá cổ phiếu HNM từ năm 2009 đến nay

Liệu Chủ tịch HĐQT còn cứu Hanoi Milk được mãi?

ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Hanoi Milk đã thông qua tờ trình ‘không tưởng’ phát hành 30 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng xin gia hạn phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng trái phiếu sang năm 2019 và 2020 do KQKD 2017 thua lỗ.  Điều ‘không tưởng’ tiếp tục khi mệnh giá một trái phiếu lên đến 100.000 đồng và đây là loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

Được biết, ông Hà Quang Tuấn ngay tại ĐH đã “hứa” sẽ mua vào số trái phiếu này trong trường hợp không ai mua.

Số tiền thu được từ trái phiếu đủ để Hanoi Milk trả nợ và lãi vay, nhưng liệu có khả thi không khi Hanoi Milk tiếp tục kinh doanh sữa trong bối cảnh các ông lớn đang ngày càng gia sức tăng thị phần của mình?

Ông Tuấn từng phải thừa nhận rằng, kinh doanh mảng sữa hiện nay đã rất khác, bởi lẽ các ông lớn ngành sữa sẵn sàng vung tiền quảng cáo, khuyến mãi nhằm cạnh tranh thị phần. Chủ tịch HĐQT HNM cũng từng tính toán, với mức đầu tư quảng bá thương hiệu và quy mô sản xuất hiện tại, doanh thu bán hàng dưới 300 tỷ được coi là chưa đủ lớn để tạo ra dòng tiền lợi nhuận.

Các cổ đông thậm chí đã có ý kiến: ”Bản thân các cổ đông rất muốn mua sữa Izzi để ủng hộ doanh nghiệp, nhưng không thể tìm được nơi mua sữa”.

Ngoài ra, mục đích của việc phát hành trái phiếu/cổ phiếu (phát hành 30 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược) nhằm bổ sung vốn để doanh nghiệp thực hiện các dự án, nhưng, trong trường hợp không ‘gọi vốn’ thành công, Hanoi Milk đã tính đến phương án khác?

Và điều đó đồng nghĩa, các phương án doanh nghiệp dự tính triển khai sẽ tiếp tục đóng băng? Đơn cử có thể kể đến Dự án trang trại Bò sữa tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Điểm trắc trở của dự án này là có đến 6,7 ha đất đã chia cho nông dân và chi phí giá đền bù lên đến khoảng 70 tỷ đồng.

Dù Chủ tịch HĐQT nhận định, mức giá đền bù này thấp hơn nhiều so với mức giá ở nhiều khu đất khác tại Hà Nội, nhưng Hanoi Milk sẽ lấy tiền ở đâu đây khi tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp chỉ là hơn 3 tỷ đồng.

Và đến hiện tại năm 2019, các kế hoạch trên đều vẫn chưa thực hiện. 

ĐHĐCĐ thường niên 2019 chưa diễn ra

Tính đến nay, Hanoi Milk chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2018. Chưa kể, doanh nghiệp vẫn chưa đưa ra được kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019.

Hiện tại, website HNM vẫn không thể truy cập.

nhadautu - Hanoi milk 2

Ngoài ra, giá cổ phiếu HNM đang trong diện bị kiểm soát do liên tục vi phạm lỗi công bố thông tin.

Chốt phiên giao dịch 3/5, thị giá HNM đạt 3.300 đồng/cổ phiếu.

Theo Nhadautu

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang