Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: 'Chiến lược của VinCommerce rất thức thời!'

author 14:38 15/11/2019

(VietQ.vn) - Chỉ trong vòng 5 năm, VinCommerce với thương hiệu VinMart và VinMart+ đã trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất thị trường với khoảng 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, gấp 3 lần đối thủ xếp kế ngay phía sau.

Tính năng mua sắm Scan&Go của VinMart và VinMart+ nhận được nhiều phản hồi rất tích cực, thu hút giới trẻ.
Mới đây nhà bán lẻ này lại gây sốc khi tung ra chiến lược trong vòng 5 năm tới sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó phát triển bán lẻ đa kênh, ứng dụng công nghệ là cốt lõi. Các kênh trực tuyến mũi nhọn bao gồm: mua sắm qua ứng dụng điện thoại, qua cổng thương mại điện tử và website VinMart.com nhằm đem lại sự thuận tiện tối đa cho khách hàng mua sắm.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã có những nhận định thú vị xung quanh chiến lược được cho là liều lĩnh của nhà bán lẻ này trong bối cảnh thị trường cạnh tranh từng… centimet hiện nay.

So với các nước trong khu vực thì có nhà bán lẻ nào có tốc độ phát triển “quá nhanh quá nguy hiểm” như vậy không, thưa bà?

5 năm không phải là quá ngắn nhưng đối với các nhà bán lẻ thì cũng không phải chặng đường dài. Những kết quả mà VinCommerce đạt được trong 5 năm qua khiến bất cứ ai tham gia vào ngành phân phối, bán lẻ phải choáng ngợp.

Nếu nhìn rộng ra thế giới và các nước trong khu vực thì doanh nghiệp bán lẻ các nước khác phát triển rất mạnh. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm mà có độ phủ sóng hiện diện khắp các tỉnh thành Việt Nam, đồng thời có được sự ghi nhận và lòng tin của khách hàng cũng như nhà cung cấp thì gần như không có trong tiền lệ. Điều đó đã chứng tỏ VinCommere đang đi đúng hướng, họ đã và đang nỗ lực hết sức để trở thành nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam
Chiến lược tầm nhìn từ nay đến 2025 của VinCommerce là trở thành nhà bán lẻ đa kênh và ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, tham vọng mở tới hơn 10.000 siêu thị và cửa hàng, phủ sóng cả 63 tỉnh thành được cho là khá liều lĩnh. Bà đánh giá thế nào về mục tiêu này?

Mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì gần 10%/năm, đây là con số ngoạn mục với nỗ lực của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng như sự ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Trong tương lai gần, thị trường sẽ ngày càng sôi động hơn và có bước phát triển, với nhiều điểm mới để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chúng ta đều biết, thị trường cạnh tranh rất lớn, rất khốc liệt, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải có chiến lược dài hơi, đúng đắn. Trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng mục tiêu của VinCommere trong thời gian tới sẽ đáp ứng được nhu cầu rất mới của ngành bán lẻ Việt Nam trong thời đại KHCN phát triển vượt bậc, thời đại Internet, thương mại điện tử và công nghệ di động.

Chiến lược độ phủ thì không phải chỉ riêng VinCommerce mà bất cứ doanh nghiệp bán lẻ nào cũng xác định mục tiêu này. Song quan trọng là phải làm thế nào để thực hiện được tham vọng đó mà vẫn thu hút được khách hàng, vẫn giữ được niềm tin của người tiêu dùng. Trước đây, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đều mong muốn sẽ xây dựng được mạng lưới rộng, độ phủ sóng lớn với những tham vọng quá tầm. Nhưng khi bắt tay vào làm thực tế mới thấy khó bởi thị trường Việt Nam rất đặc thù, bị chi phối nhiều vấn đề, không chỉ về mặt kinh tế, tài chính mà còn cả lịch sử, văn hóa, con người, mối quan hệ, thói quen mua sắm, vv  … Không hài hoà được những cái đó nên khi bước vào thì hăm hở, bước ra ê chề.

Nhưng nhìn vào chặng đường 5 năm vừa qua của VinCommerce, tôi tin họ đã dần hoá giải những khó khăn, hạn chế đó. Nắm trong tay lợi thế lớn từ tiềm lực tài chính, hệ sinh thái cùng với uy tín cũng như tệp khách hàng sẵn có thì mục tiêu mà họ vừa đặt ra cũng hoàn toàn không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Cụ thể hơn với bán lẻ đa kênh, bà thấy sao?

Chiến lược đa kênh của VinCommerce là rất thức thời vì xã hội ngày càng phát triển, những đòi hỏi của người tiêu dùng cũng ngày càng cao và đa dạng. Hành trình mua hàng của họ không còn là đường thẳng chỉ đơn thuần mua sắm nữa mà còn thông qua nhiều kênh với rất nhiều điểm chạm, kết hợp giữa online và offline để tăng cường trải nghiệm cá nhân. Trong thế giới  bán lẻ ngày nay, hầu như chỉ còn rất ít nhà bán lẻ đơn kênh và  dù phát triển theo xu hướng nào thì kim chỉ nam trong mọi hành động của các nhà bán lẻ bao giờ cũng phải đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường Việt Nam cũng đang nỗ lực trong việc bán đa kênh. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công bởi thách thức là rất lớn.

Thời gian gần đây, VinCommerce đã thử nghiệm tính năng Scan & Go với hình thức mua sắm mới qua catalog, siêu thị ảo, mua trực tuyến trên App VinID… và nhận được những phản hồi khá tích cực cho thấy bán lẻ đa kênh đang dần được người tiêu dùng Việt, đặc biệt là lớp trẻ, đón nhận. Các nhà bán lẻ cần phải cố gắng hơn nữa để phát triển mô hình bán lẻ đa kênh, mang lại lợi ích đích thực cho cả khách hàng và doanh nghiệp.

VinCommerce cho rằng bên cạnh bán hàng đa kênh thì cách tốt nhất để một nhà bán lẻ thành công phải làm cho khách hàng cảm thấy muốn gì được nấy. Điều này có đúng không thưa bà?

Chúng ta đã thấy ở các chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+, nhà bán lẻ này luôn biết tạo lợi thế riêng biệt để trở thành nơi “một điểm đến mọi nhu cầu” với rất nhiều tiện ích khác ngoài mua sắm hàng hoá đơn thuần như khu ẩm thực; trạm đổi pin xe máy điện; thanh toán tiền điện, tiền nước; mua vé xe khách; dịch vụ bán sim, thẻ điện thoại, vé số; giao hàng nhanh…

Chiến lược bán lẻ đa kênh với những mũi nhọn chủ lực của VinCommerce trong thời gian tới.
Ngoài ra, chiến lược địa phương hoá và cá nhân hóa là hướng đi rất đúng đắn, sẽ góp phần gia tăng trải nghiệm và mang tới nhiều sản phẩm phù hợp trong bối cảnh VinMart và VinMart+ mở rộng độ sóng tới hàng loạt các tỉnh thành. Đây cũng là điều mà VinCommerce sẽ phát huy hết thế mạnh của nhà bán lẻ trong nước bởi họ sở hữu các nhà sản xuất/nhà cung cấp chất lượng trong chuỗi cung ứng hàng hoá và kiểm soát được điều đó một cách thực chất.

Mỗi địa phương, làng xã đều có sản phẩm đặc sản và được người tiêu dùng yêu thích. Việc VinCommere không chỉ đa dạng hoá các dòng sản phẩm mà còn đi vào địa phương hoá các sản phẩm, dịch vụ bán lẻ để nâng cao vị thế hàng Việt trên toàn quốc, tiếp cận thị trường và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân Việt Nam là hướng đi hoàn toàn đúng đắn và dẫn đến thành công.

Long Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang