Chủ tịch KNV Group: 'Những thương hiệu biết kể chuyện sẽ chiến thắng'

author 19:03 25/07/2017

(VietQ.vn) - Chiến thắng sẽ thuộc về người biết làm thương hiệu một cách bài bản, biết vận dụng những quy luật và nguyên tắc có sức mạnh tạo sự thay đổi.

Đó là nhận định của tiến sĩ Phan Tất Thứ, Chủ tịch KNV Group, đồng sáng lập Elite PR School tại một hội thảo về Những phương thức tiếp cận mới trong phát triển thương hiệu cho ngành Thủ công mỹ nghệ. Những chia sẻ thẳng thắn từ ông khiến nhiều doanh nghiệp suy ngẫm về cách xây dựng thương hiệu trong bối cảnh truyền thông xã hội và tình hình kinh tế còn nhiều biến động.

"Nếu chúng ta cứ làm truyền thông theo kiểu truyền thống thì đừng hỏi vì sao doanh nghiệp đi xuống?"

__Phan Tất Thứ, Chủ tịch KNV Group__

Xây dựng thương hiệu là xây dựng cái gì?

 
Logo, hình ảnh chỉ là cái chúng ta cố gắng xây dựng, nhưng kết quả thực chất nằm trong tâm trí khách hàng.

Khách hàng đang nghĩ gì về chúng ta, đó mới là điều quan trọng.
 

 

Theo TS. Phan Tất Thứ, không ít người nhầm lẫn hoặc không phân biệt được sự khác biệt giữa Thương hiệu và Nhãn hiệu. Ông cho biết, nhãn hiệu là toàn bộ những dấu hiệu giúp người dùng phân biệt được sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Thương hiệu là tập hợp những cảm xúc, cảm nhận về một doanh nghiệp; biểu tượng đặc trưng của toàn bộ thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ. Thương hiệu là cái "Hiệu" (trademarks, tradename) được "Thương" (traded, loved) - Là lời hứa của doanh nghiệp đến với khách hàng và công chúng.

Đối với một doanh nghiệp, thương hiệu thể hiện sự biểu đạt về triết lý, sứ mệnh, lời hứa; biểu đạt các thế mạnh của doanh nghiệp. Thương hiệu mang dấu hiệu nhận biết hàng hóa và xác định trách nhiệm với các nhóm công chúng. Thương hiệu chính là lợi thế và niềm tin đối với khách hàng tiềm năng.

Chủ tịch KNV Group: 'Những thương hiệu biết kể chuyện sẽ chiến thắng'

Chủ tịch KNV Group: "Những thương hiệu biết kể chuyện sẽ chiến thắng" 

Xây dựng thương hiệu như thế nào?

Thương hiệu phát triển với các mô hình chung là Chức năng - Biểu tượng - Trải nghiệm - Văn hóa - Quan hệ - Chức năng. Câu chuyện về doanh nghiệp đã thành công trên mô hình Văn hóa: Vespa là một ví dụ điển hình. Ông có người bạn, mua xe đến lần thứ 3 vẫn chọn Vespa, dù mỗi lần hỏng xe, sửa chữa đều vài triệu đồng. Khi được hỏi, người bạn đó trả lời: Vì thích dáng xe Vespa, biết sao được! Vespa đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu dựa trên thiết kế, đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng. Đó là điều các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ cần tích cực học hỏi. Làm sao để thương hiệu bước qua 4 nấc thang (Biết - Quen - Thân - Thương) tạo nên 4 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp (Nhận biết - Cảm nhận - Trải nghiệm - Trung Thành), cuối cùng chạm tới đỉnh "Tâm trí khách hàng", chính là đích đến của xây dựng thương hiệu.

 
Marketing truyền thống chỉ nhằm vào khách hàng nhưng người làm PR khác, họ nhằm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
 

Theo TS. Phan Tất Thứ, truyền thông và quan hệ công chúng (PR) là phương thức hữu hiệu nhất để xây dựng thương hiệu. Khái niệm quảng cáo trên báo chí đã dần giảm sức hút, hoặc dần mang một hàm ý khác. Mặc dù chỉ mới xuất hiện trong thời gian rất ngắn, nhưng các chất liệu và hình thức truyền thông trên internet cũng đang thay đổi rất nhanh, cùng với các công nghệ mới đã tạo ra nhiều cách tiếp cận hiệu quả và mạnh mẽ hơn cho việc xây dựng thương hiệu. 

Sự phát triển của các hệ thống mạng xã hội đã làm thay đổi nhanh chóng các hoạt động xây dựng thương hiệu. Thế giới của những người làm thương hiệu cho tới giờ vẫn có những chiến dịch rầm rộ, bảng quảng cáo, những sự kiện, lễ kỷ niệm hoành tráng và những bữa tiệc lớn và cũng dần trở nên quen thuộc với những khái niệm mới như KOL – những cá nhân dẫn dắt, tổ chức xã hội, nhân viên.. Và ở đó, trong thế giới quảng cáo, truyền thông đa kênh, đa phương tiện, những thương hiệu biết kể chuyện sẽ chiến thắng.

Tư duy, tham vọng của một doanh nhân và trái tim của một nhà từ thiện đưa hãng giày Tom trong năm đầu tiên bán được 10.000 đôi giày làm bằng vải bạt với giá 45 USD. Câu chuyện thương hiệu là: Mua một đôi giày đồng nghĩa với việc tặng một đôi giày cho trẻ em nghèo. Còn website Bitis từ "vắng lặng" đến không thể truy cập sau khi cộng đồng mạng phát sốt với MV Lạc Trôi có cảnh Sơn Tùng đi giày Bitis. 

Sản phẩm tốt mà không biết làm thương hiệu thì chẳng khác nào "áo gấm đi đêm". Với trường hợp các sản phẩm của đối thủ cũng tốt chẳng kém thì sao? Chiến thắng sẽ thuộc về người biết làm thương hiệu một cách bài bản, biết vận dụng những quy luật và nguyên tắc có sức mạnh tạo sự thay đổi. Và nhiều khi để rút ra được một quy luật, rất nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá rất đắt. Trước sức mạnh truyền thông, quyền lực của cộng đồng mạng, nhiều doanh nghiệp trở nên "sợ hãi". Thông tin nhiều chiều buộc doanh nghiệp phải thận trọng. Đó là bài toán dành cho mỗi doanh nghiệp, là đỉnh cao của quá trình kinh doanh bởi nếu không xuất hiện trên truyền thông xã hội thì sẽ chẳng ai.. biết đến bạn.

Hoàng Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang