Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Đừng thấy nhập siêu giảm mà mừng

author 14:34 18/09/2015

Phiên họp thứ 41 của UB Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhiều đại biểu cho rằng, qua 8 năm gia nhập tổ chức này, Việt Nam vẫn chưa thực sự nắm bắt được các cơ hội.

Nền kinh tế vẫn chưa thực sự có bước tiến

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, Việc trở thành thành viên WTO giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao năm 2007 nhưng ngay sau đó, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã dẫn đến sụt giảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2008-2011. 

Sau khi hồi phục vào các năm 2010 và 2011, tăng trưởng kinh tế giảm các năm 2012 và 2013; năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2007-2014 (5,94%) thấp hơn giai đoạn 2001-2006 (7,27%).

Bản báo cáo của Đoàn Giám sát bao gồm nhiều đánh giá về các vấn đề như hành lang pháp lý, hoạt động thương mại đầu tư, về cân đối ngân sách nhà nước; Về tự do hóa giá cả và mở cửa thị trường; Về nâng cao năng lực cạnh tranh, văn hóa xã hội…

Sau khi nghe báo cáo, các địa biểu đều cho rằng đây là một báo cáo công phu nhưng vẫn chưa đạt được toàn diện như mong muốn.

Góp ý về bản báo cáo giám sát, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong thời gian qua, hệ thống Luật đến các thông tư, nghị định có khối lượng khổng lồ để đáp ứng với quá trình hội nhập. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua vẫn  cho thấy luật có những rào cản thì cần chỉ ra những rào cản, khó khăn ở lĩnh vực nào?

UB Thường vụ Quốc hội họp phiên 41

Cũng theo ông Hiển, việc vào WTO chúng ta được nhiều hơn mất. Chủ trương tham gia là đúng đắn. Kinh tế tăng trưởng, thu hút đầu tư mạnh hơn, cơ cấu được huyển dịch theo cơ chế thị trường, những rào cản kinh doanh, thủ tục hành chính giảm nhiều…Nhưng cần chỉ ra các lợi thế của ta chưa phát huy được? Lợi thế cơ bản là nông nghiệp, đất nước ta là nông nghiệp, tại sao lại không đạt được như mong muốn, ngành nông nghiệp cũng chưa thay đổi đáng kể;  lợi thế về thiên nhiên để phát triển văn hóa du lịch chưa phát huy được

Đánh giá về báo cáo giám sát, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cũng cho rằng bản báo cáo súc tích, toàn diện, có thể dùng để nghiên cứu, đề xuất chính sách tốt.

Tuy nhiên, ông Phước nhận định, kinh tế của nước ta có tăng trưởng nhưng mới chỉ tăng theo chiều rộng, hạn chế chiều sâu. Theo ông Phước, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế chưa đầy đủ, nền công nghiệp khi tham gia chưa đủ sức cạnh tranh. Đặc biệt là lĩnh vực khoa học kỹ thuật: đất nước ta sinh ra nhiều người tài nhưng nền kinh tế quá thấp, thị trường KHCN chưa hình thành, chưa mang tính phổ cập.

Ông Phước nói: “Chúng ta thường nói rất nhiều “lỗi hệ thống”. Vậy lỗi ở đâu, ở chỗ nào? Đầu tiên phải nói đến chính sách, luật. Quá trình hoàn thiện Luật của ta rất chậm; cơ chế điều hành, tư duy quy hoạch vùng miền”.

Cũng theo ông Phước, cần có đánh giá thêm về môi trường, báo cáo của Đoàn Giám sát còn sơ sài. Hiện môi trường nước ta bị ảnh hưởng ở cả miền núi, nông thôn trong khi ứng xử của ta đang chậm với tác động của môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng vẫn còn xảy ra, miền núi tỉ lệ nghèo còn cao, quy hoạch vùng sâu – xa còn khiếm khuyết.

Ông Uông Chu Lưu – Phó chủ tịch Quốc hội đặt ra một số vấn đề đối với bản báo cáo của Đoàn giám sát như cần chỉ ra nguyên nhân vì sao càng hội nhập quy mô doanh nghiệp càng nhỏ đi? Người nông dân đã phải là chủ thể của hội nhập được chưa?

Đừng mừng khi nhập siêu giảm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định về việc gia nhập WTO là một cơ hội lớn và nhưng cũng đi kèm những thách thức lớn. Điều quan trọng là cần phải vượt qua thách thức để chuyển thành cơ hội. 

Theo Chủ tịch, báo cáo cần đi vào chiều sâu hơn nữa. Các vấn đề cần đánh giá kỹ như sức phát triển của nền kinh tế nước ta có tiến bộ hơn không? Có co bớt khoảng cách nước ta với các nước hay không? 8 năm qua, nước ta có gần lại với các nước đi trước hay không? Từ đó đi sâu hơn, tăng trưởng kinh tế đã tốt chưa, các yếu tố cấu thành kinh tế, sức cạnh tranh tốt chưa? Chất lượng tăng trưởng kinh tế? Công nghiệp đã tốt chưa, dẫn đến sản xuất nội địa, xuất khẩu kém...

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên nghĩ nhập siêu giảm trong mấy năm vừa qua là mừng vì kinh tế giảm nên nhập giảm.

Còn trong nông nghiệp, nước ta có tới  70% lao động là nông dân, nông dân là chủ thể, vậy năng suất nông nghiệp phải tăng lên? Tuy nhiên trên thực tế lại cho thấy, sản lượng nông nghiệp giảm, tốc độ hàng hóa cạnh tranh của lĩnh vực này cũng xuống tương đối.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, nhìn chung về sức cạnh tranh chung của nền kinh tế sau gia nhập WTO là  năng suất lao động tụt hậu, chưa tranh thủ được cơ hội hội nhập, chưa sử dụng được nguồn đầu tư, nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp yếu, kinh tế nội địa chưa phát triển.

Theo Infonet


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang