Chủ tịch Tôn Hoa Sen: 'Hội nhập là một quyết định táo bạo của Việt Nam'

author 06:56 03/04/2016

(VietQ.vn) - Theo Chủ tịch Tôn Hoa Sen, chúng ta đang mở cửa rộng nhưng lại là nước đi sau, nếu muốn đuổi kịp thì phải cải cách, phải nhanh chóng thay đổi.

Là một trong những khách mời tại "Diễn đàn CEO: Nâng cao tâm và thế cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng" mới tổ chức gần đây, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tôn Hoa Sen cho rằng, quyết định hội nhập là quyết định mang tính chiến lược, tầm nhìn táo bạo của Việt Nam.

“Chúng ta đang mở rộng cửa trong khi là một quốc gia đi sau, yếu hơn nên khẳng định đây là quyết định dũng cảm. Có lẽ yếu tố lịch sử không thể khác được nếu muốn đuổi kịp các quốc gia trong khu vực và thế giới”, ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, Việt Nam giống như người chơi cờ gần Trung Quốc, đất nước có năng lực sản xuất mạnh có những tác động tích cực, tiêu cực, ông Vũ cho rằng, Việt Nam không thể nằm ngoài sự tương tác. Do vậy trong cuộc chơi này hãy là người chơi cờ tài ba, tận dụng tích cực và khắc phục, hoá giải tiêu cực.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tôn Hoa Sen. Ảnh: Kiều Oanh.

Nền kinh tế Việt Nam có hai chân là doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, chân phải phải là doanh nghiệp Việt Nam, chân trái là doanh nghiệp nước ngoài. Điều ông Lê Phước Vũ ưu tư nhất hiện nay là sự mất cân đối, phát triển không đồng đều giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước. 

“Ví dụ, Samsung đã mang lại cho chúng tôi cơ hội đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm, kim ngạch xuất nhập khẩu và ngân sách nhưng các bạn hưởng ưu đãi khá cao. Điều này tốt nhưng không biết Samsung đã tạo ra bao nhiêu doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ cung cấp phụ kiện cho các sản phẩm của Samsung?”, ông Vũ lưu ý.

Ông Vũ cho rằng: Kinh tế muốn mạnh thì cộng đồng doanh nghiệp phải vững mạnh. Để có được điều đó, vai trò của Chính phủ hết sức quan trọng. Các cơ quan ban ngành phải hoạt động trên tinh thần phục vụ doanh nghiệp để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn. Hơn nữa, vấn đề vướng nhất vẫn là quản trị nội bộ, trong cả hệ thống doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề này cần được cải thiện theo hướng minh bạch, thông suốt hơn.

Tại diễn đàn, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương nhận định, mặc dù có những khó khăn, thử thách nhưng sự “hứng khởi” của các doanh nghiệp trong hội nhập thời gian qua là Việt Nam đã ký kết được nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều khác biệt.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra, theo TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng rào phi thuế quan chặt chẽ từ các quốc gia. Khi so với cách đây 5 năm, những điều kiện phi thuế quan trong khối các nước ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tăng lên gấp 5 lần. Hơn nữa, khi thuế suất xuống còn 0%, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá nên cần một chiến lược phát triển mới về công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chính từ những khó khăn, hạn chế này, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Việt Nam đã có nhiều cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, chúng ta cần có sự thay đổi mạnh hơn nữa về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Không những thế, các doanh nghiệp trong nước phải có sự liên kết với nhau, đừng vì cạnh tranh mà tiêu diệt lẫn nhau.

Kiều Oanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang