Chủ tịch UBCKNN: 'Thị trường sẽ phát triển vượt bậc thời gian tới'

author 17:12 20/07/2020

Một trong những cơ sở để thị trường phát triển vượt bậc là sự trưởng thành của nhà đầu tư.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tich Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Hôm nay (20/7), thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đánh dấu tròn 20 năm hoạt động. Nhìn lại quá trình này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhấn mạnh đến vai trò của TTCK trong kích thích chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, từ mô hình dựa nhiều vào DNNN sang một mô hình tăng trưởng của nền kinh tế tư nhân.

Nhìn về tương lai, Chủ tịch UBCKNN tin tưởng rằng, thị trường có những cơ sở để phát triển vượt bậc.

BizLIVE xin giới thiệu những đánh giá, nhìn nhận và dự cảm của Trần Văn Dũng nhân dịp kỷ niệm 20 năm TTCK Việt Nam.

Chất lượng doanh nghiệp cải thiện nhiều

Doanh nghiệp lên sàn thể hiện một là quy mô, hai là khả năng lợi nhuận, minh bạch và quản trị rủi ro. Trong 20 năm qua thì tất cả những khía cạnh này doanh nghiệp đều được cải thiện.

Về mặt quy mô, trước đây doanh nghiệp niêm yết còn nhỏ, gần đây doanh nghiệp lớn hơn nhiều. Hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Trước đây khi chưa lên sàn, việc công bố thông tin của doanh nghiệp chưa được đầy đủ, minh bạch nhưng từ khi lên TTCK được thực hiện đều đặn, chất lượng hơn.

Thứ ba, khi doanh nghiệp lên sàn thì các công ty niêm yết bắt buộc phải được kiểm toán. Nhiều doanh nghiệp thông qua việc công bố thông tin và áp dụng các chuẩn mực kế toán thì lại thấy hiệu quả của việc minh bạch là hiện hữu, nên nhiều doanh nghiệp xung phong áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế.

Cuối cùng chất lượng quản trị doanh nghiệp Việt có bước tiến lớn, dù so với tầm khu vực thì dưới 50% doanh nghiệp niêm yết chưa đạt được chuẩn về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Nhưng nếu ở giai đoạn đầu, quản trị doanh nghiệp ở mức thấp thì đến nay đã có xấp xỉ 50% doanh nghiệp niêm yết đã đạt chuẩn mực về quản trị. Qua đó thấy rằng, hiện nay có thể nói chưa hài lòng hết nhưng chất lượng doanh nghiệp đã được cải thiện nhiều, theo hướng tích cực.

Để tạo thêm hàng hóa có chất lượng, về mặt cơ quan quản lý có thể nói có nhiều động thái.

Thứ nhất Luật Chứng khoán sửa đổi hiện đã ban hành và đưa vào nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về tổ chức phát hành, công ty đại chúng, niêm yết, quy định công bố thông tin, kiểm toán.

Thứ 2 trên cơ sở nền tảng Luật Chứng khoán thì các văn bản hướng dẫn, quy định, thông tư đang soạn thảo theo hướng tiếp thu tinh thần luật hướng dẫn chi tiết cụ thể các điều kiện niêm yết, công bố thông tin, quản trị… 

Bộ Tài chính cũng đã công bố lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, dự kiến 2023 các doanh nghiệp niêm yết sẽ được thí điểm áp dụng, đây là giải pháp tốt. Tới đây sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền áp dụng. Làm sao quản trị công ty phải thành động lực chứ không phải bắt buộc. Nếu thay đổi được quan điểm như vậy thì chất lượng phát triển TTCK sẽ tốt hơn. Cũng giống như trước đây chúng ta phải đi kêu gọi doanh nghiệp niêm yết còn bây giờ thì tự nguyện lên sàn chứng khoán để phát triển tốt hơn.

Có cơ sở vững chắc cho sự phát triển 10-20 năm tới

Sau 20 năm vận hành thị trường chứng khoán, chúng ta thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được ưu thế của thị trường chứng khoán để huy động vốn để phát triển. Thị trường hình thành những doanh nghiệp hàng đầu có sức ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế như Vinamilk, Vingroup...

Thứ hai, Chính phủ thông qua TTCK huy động hiệu quả nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Có lẽ chưa bao giờ Chính phủ có thể chủ động nguồn vốn với lãi suất rất rẻ như giai đoạn hiện nay.

Sự đóng góp còn thông qua tính minh bạch của TTCK, các doanh nghiệp khi đã lên niêm yết trên thị trường đã công bố thông tin một cách đầy đủ hơn, ngày một chất lượng, áp dụng ngày càng tốt hơn các thông lệ quản trị công ty tốt, nên chất lượng hoạt động doanh nghiệp Việt Nam nói chung được nâng lên đáng kể.

TTCK 20 năm qua đã góp phần không nhỏ vào công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Từ năm 2005 đến giờ, tất cả các doanh nghiệp cổ phần hóa ở quy mô lớn thì đều được đấu giá qua TTCK và rất thành công. Điều đó làm thay đổi cả cơ cấu của nền kinh tế và sự phát triển của TTCK. Đây là một nền tảng cơ sở để cho Đảng, Chính phủ quyết định chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam từ một mô hình dựa nhiều vào DNNN sang một mô hình tăng trưởng của nền kinh tế tư nhân.

Nếu 20 năm qua là giai đoạn phát triển ban đầu tương đối thành công, giai đoạn tiếp theo TTCK phải phát triển sâu hơn nữa về chất để khẳng định vị trí của nó trong nền kinh tế. Hiện nay chúng ta đã có những cơ sở chắc chắn để trông chờ vào sự phát triển của TTCK trong 10-20 năm tới.

Trước hết chúng ta có Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu từ năm 2021. Đã có quyết định của Thủ tướng về việc sắp xếp các sở giao dịch chứng khoán thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam để chuyên nghiệp hóa các sở. Thứ ba cơ sở đó là nhà đầu tư. Nhà đầu tư hiện nay đã trưởng thành nhiều, vượt bậc. Cho nên sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong thời gian tới sẽ rất tích cực.

Tôi cho rằng đó là nền tảng TTCK sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới và đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Theo DĐĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang