(VietQ.vn) - Sau 10 năm triển khai Chương trình 712 trên phạm vi toàn quốc, hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng đã ghi nhận những bước chuyển biến mạnh mẽ, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng về năng suất chất lượng.

Trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh giải pháp tăng năng suất quốc gia, phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm đánh giá kết quả cũng như đưa ra định hướng trong triển khai giai đoạn tới.

Thưa ông, với vai trò là người đứng đầu tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông có nhận định như thế nào về tác động của Chương trình 712 đối với doanh nghiệp trong chặng đường 10 năm vừa qua?

Trước hết, phải khẳng định năng suất và chất lượng sản phẩm là “cốt lõi” của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển, là cái “gốc” của giá trị mang lại cho doanh nghiệp và quốc gia. Năng suất là biểu hiện tập trung của năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Lê-Nin đã nói một ý rất hay rằng: Suy cho cùng, chế độ này có chiến thắng chế độ khác hay không là do có năng suất lao động cao hơn hay không. Do vậy, Chương trình 712 đã đáp ứng “đúng” và “trúng” yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là giai đoạn 10 năm vừa qua chứng kiến bước chuyển mạnh mẽ cả về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của khu vực doanh nghiệp và tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta.

Đặt trong bối cảnh năng suất lao động bình quân của chúng ta còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành một Chương trình riêng biệt với tầm nhìn 10 năm như vừa qua là bước đi đúng đắn trong quá trình kết hợp các yếu tố vừa có tính định hướng vừa hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp duy trì và nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề năng suất chất lượng và hội nhập cạnh tranh hiện nay?

Nhiều năm qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp (yếu tố cơ bản). Đây là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh sơ khai và ít quan trọng nhất. Trong khi đó, các nước xung quanh đã đi trước chúng ta. Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ, còn Singapore từ lâu đã cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật rất cao.

Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất của lao động Việt Nam không thu hẹp được khoảng cách so với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh nước ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, những lợi thế cạnh tranh truyền thống nói trên đang dần biến mất thì vấn đề năng suất thấp sẽ là một cản trở lớn đối với việc thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế và chúng ta sẽ không thể tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, tăng năng suất cần phải trở thành động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế của Việt Nam. Khẩu hiệu của chúng ta phải là: “Năng suất, năng suất và năng suất”.

Theo báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam”, vẫn còn khoảng cách lớn giữa năng suất lao động của các doanh nghiệp ngành Công nghiệp chế tạo Việt Nam và các nước thu nhập trung bình trong khu vực (như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia) và rất lớn so với các nước công nghiệp (Nhật Bản và Hàn Quốc). Trong cuộc CMCN 4.0, các việc làm có kỹ năng đơn giản và lặp đi lặp lại sẽ bị mất đi do tự động hóa trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ sẵn sàng đối với cuộc CMCN 4.0 rất thấp.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội thị trường xuất khẩu quy mô lớn và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức về khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt. Chính vì thế, việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm được coi là yếu tố cốt lõi để các doanh nghiệp Việt và sản phẩm Việt có thể chinh phục được thị trường.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành “làn sóng” mạnh mẽ, bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết hàng loạt FTA là cơ hội cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để “đón sóng” 4.0 đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh?

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia, tôi đề nghị xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.

Để “đón sóng” 4.0, thì theo đuổi các mô hình phát triển bền vững và số hóa là không thể tránh khỏi. Tôi vẫn thường lưu ý các doanh nghiệp là: “Phát triển bền vững phải ở trong tim” và “Số hóa ở trong đầu!”. Tư duy “sợ mất mát, ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ở thời điểm này, mà vẫn còn không ít doanh nghiệp rất thờ ơ với kỹ thuật số và coi chuyển đổi số chỉ là phương tiện để phô diễn hay là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian.

Xin cảm ơn ông!

Tổng kết chương trình quốc gia về năng cao Năng suất chất lượng giai đoạn 2010-2020(VietQ.vn) - Ngày 26/11, Bộ KH&CN sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Thiết kế - Nội dung: Nguyễn Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang