Chủ tịch VCCI: Chạy theo số lượng không được gọi là ‘nâng cấp doanh nghiệp’

author 14:53 22/07/2019

(VietQ.vn) - TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu xét về số lượng doanh nghiệp, Việt Nam không thua thế giới. Nỗ lực chính sách tăng tốc phải là nâng cao chất lượng doanh nghiệp, “nâng cấp doanh nghiệp” chứ tuyệt đối không phải chạy theo số lượng.

Theo số liệu công bố mới đây từ Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 860,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và 32,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang giảm tốc và dự báo đà giảm tốc này còn tiếp tục trong những năm tới. Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký tăng hơn năm ngoái nhưng tốc độ tăng thấp hơn, sự giảm tốc chưa có dấu hiệu chững lại.

 TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Hán Hiển.

Chủ tịch VCCI chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa của nền kinh tế cao nhưng năng lực cạnh tranh còn thấp. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 (The Global Competitiveness Report 2018), trong đó xếp hạng Việt Nam đứng vị trí thứ 77 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng. 

Trong số các tiêu chí trên, tiêu chí về “sức khoẻ” của Việt Nam được đánh giá cao nhất với 81 điểm, đứng thứ 68/140; quy mô thị trường đạt 71 điểm, đứng thứ 29/140; ổn định kinh tế vĩ mô đạt 75 điểm, đứng thứ 64/140. Tiêu chí “thị trường cho sản phẩm” đứng thứ 102/140. Đáng buồn, tiêu chí thể chế của Việt Nam chỉ đạt 50 điểm, đứng thứ 94/140 - "ở mức dưới trung bình". Thậm chí, sự năng động kinh doanh đứng thứ 101/140.

Tuy nhiên, độ mở cửa của nền kinh tế thì ở nhóm cao nhất. “Trong ASEAN độ mở của nền kinh tế Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Singapore nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ xếp thứ 7, chỉ đứng trước Lào, Campuchia và Myanmar”, Chủ tịch VCCI so sánh.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, hiện tại Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp. Nhưng, thật ra, theo TS Vũ Tiến Lộc, ngoài số đó, chúng ta có hàng triệu doanh nghiệp khác, đóng góp tới 30% GDP chỉ có điều vì lý do lịch sử ta không gọi là doanh nghiệp mà gọi là hộ kinh doanh. 

“Luật Doanh nghiệp phiên bản 1.0 là Luật Doanh nghiệp của 700.000 doanh nghiệp. Tôi mong muốn rằng Luật Doanh nghiệp phiên bản 4.0 sẽ là luật của 5 triệu hộ kinh doanh hoặc ít nhất cũng là minh bạch hóa khu vực này. Xác lập vị trí pháp lý hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp và có cơ chế quản lý thích hợp, từng bước chính thức hoá, minh bạch hoá khu vực này. Nhưng không “trói tay, trói chân” họ, không đẻ thêm thủ tục và chi phí tuân thủ của họ. Chương về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp mới phải được thiết kế với tinh thần như vậy”, TS Lộc nhấn mạnh thêm.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu xét về số lượng doanh nghiệp thì Việt Nam không thua thế giới. Nỗ lực chính sách tăng tốc phải là nâng cao chất lượng doanh nghiệp là “nâng cấp doanh nghiệp” chứ tuyệt đối không phải chạy theo số lượng.

“Chủ nhân của hội nhập, chủ nhân của sân chơi toàn cầu hóa trong thời gian tới sẽ là là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Và muốn các doanh nghiệp đảm nhận được vai trò này thì phải nâng cấp. Đây là hành trình của nền kinh tế và doanh nghiệp” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ở góc độ thể chế, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, hiện tại, tình trạng xung đột trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn khá lớn. Khảo sát PCI 2018 cho thấy ngôi sao cải cách đang chậm lại. “Chúng ta đang đụng trần thể chế, cần phải nâng trần” - TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Chủ tịch VCCI chỉ ra những điểm 'nghẽn' trong môi trường kinh doanh(VietQ.vn) - Chủ tịch VCCI nhận định, khi doanh nghiệp Việt hội nhập toàn cầu sẽ có nhiều cơ hội, tiếp cận công nghệ thế giới, khơi thông dòng chảy thương mại và đầu tư chất lượng cao. Tuy nhiên vẫn còn những điểm nghẽn, cần phải giải quyết.

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang