Chủ tịch VCCI: Nâng cao NSLĐ phải trở thành nhận thức hàng ngày của doanh nghiệp

author 07:03 07/08/2019

(VietQ.vn) - “Một người bình thường trong cơ quan ví như anh lái xe, chị lao công cũng phải nghĩ tới nâng cao NSLĐ, chứ không phải đây là trách nhiệm của quản lý”, Chủ tịch VCCI nói…

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp (DN) năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức NSLĐ chung cả nước. Trong đó, DN Nhà nước đạt 678,1 triệu đồng/lao động, gấp 7,3 lần mức NSLĐ chung cả nước nhờ đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa DN Nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên NSLĐ của DN Nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; DN ngoài nhà nước đạt 228,4 triệu đồng/lao động, gấp 2,5 lần mức NSLĐ chung của cả nước; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần.

So với các loại hình DN khác, NSLĐ của DN ngoài nhà nước đạt thấp nhất; mặt khác, khoảng cách về NSLĐ của DN nhà nước và DN FDI với DN ngoài nhà nước đang ngày càng rộng. Chiếm tới 96,7% tổng số DN của cả nước nên NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở mức thấp đã ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn bộ khu vực DN.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến NSLĐ của DN ngoài Nhà nước đạt thấp so với các loại hình DN còn lại do các DN ngoài Nhà nước phần lớn là DN có quy mô nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao NSLĐ do khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị do các DN FDI dẫn dắt và không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…

 TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian tới có hai xu hướng cần phải thúc đẩy để tăng NSLĐ, chính là tiếp tục chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ thông qua sự thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của cộng đồng DN.

Đồng thời, các DN nói chung phải nỗ lực để vươn tới chuẩn mực quốc tế và hướng tới ứng dụng những công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh. Quá trình này không chỉ diễn ra ở DN lớn mà còn phải hướng trọng tâm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

“Tôi cho rằng, DNNVV là xương sống của nền kinh tế, cho nên cần nâng cấp được khu vực DNNVV, thậm chí siêu nhỏ vươn tới chuẩn mực quốc tế. Đây sẽ là điều kiện để nâng cao NSLĐ... Không chỉ những DN lớn mới vươn tới thị trường toàn cầu mà DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ với sự trợ giúp của thương mại điện tử cũng hoàn toàn có tương lai mở rộng, vươn ra thế giới”, ông Tiến Lộc nhấn mạnh.

TS Vũ Tiến Lộc nói thêm, việc nâng cao NSLĐ, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu phải trở thành nhận thức hàng ngày của từng DN.

“Một người bình thường trong cơ quan ví như anh lái xe, chị lao công cũng phải nghĩ tới nâng cao NSLĐ, chứ không phải đây là trách nhiệm của quản lý”, Chủ tịch VCCI nói.

Bên cạnh đó, ngoài việc đặt kỳ vọng vào sự chăm chỉ và thông minh của người lao động, Chính phủ Việt Nam cần khơi gợi được sự năng động của mỗi người dân để biến thành hành động.

Nhìn lại bức tranh tổng thể về năng suất lao động Việt Nam (VietQ.vn) - Nhằm tìm ra các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam, hội nghị 'Cải thiện năng suất lao động quốc gia' do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (dự kiến) chủ trì sẽ được tổ chức vào sáng nay (7/8).

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang