Chủ tịch VCCI: ‘Người dân và doanh nghiệp như Từ Hải chết đứng’

author 06:45 13/03/2019

(VietQ.vn) - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, người dân và doanh nghiệp như “Từ Hải chết đứng” bởi nếu áp dụng theo luật của bộ này thì đúng nhưng nếu áp dụng theo luật của bộ khác thì sai.

Sự kiện: Doanh nghiệp

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết điểm nghẽn lớn nhất vẫn mà doanh nghiệp gặp phải là các quy định thể chế đang chồng chéo lên nhau. Người dân và doanh nghiệp như “Từ Hải chết đứng” bởi nếu áp dụng theo luật của bộ này thì đúng nhưng nếu áp dụng theo luật của bộ khác thì sai. Thậm chí ngay trong một luật nhưng ở địa phương này giải thích kiểu này, còn địa phướng khác lại giải thích kiểu khác.

"Cần phải nỗ lực để giảm tình trạng tham nhũng vặt, bởi những đơn vị cơ quan hành chính từ cấp xã, phường … đều có thể chia chác với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, cần phải có hệ thống pháp luật đảm bảo được yêu cầu minh bạch để bảo vệ những đối tượng kinh doanh này", Chủ tịch VCCI bày tỏ.

Người dân và doanh nghiệp như 'Từ Hải chết đứng'. Ảnh minh họa

Cũng vấn đề này, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng nhược điểm lớn nhất là chúng ta không cải cách đồng bộ, giải quyết vấn đề từ hành chính tới tổ chức bộ máy tới con người, nền tài chính công… Tất cả các mối quan hệ này đều không đồng bộ. Sửa đầu này nó vênh đầu kia. Quốc hội mới làm hàng chục đạo luật ở nhiệm kỳ trước thì sang nhiệm kỳ này đã sửa hết rồi, chưa dùng đã sửa.

Do đó, ông Lịch bày tỏ mong muốn nhà nước tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển, để người làm ăn lành mạnh có cơ hội phát triển. Ngược lại, doanh nghiệp dựa vào cơ chế, dựa vào sự quen biết, luồn lách không còn đất phát triển. “Những ai làm ăn kiểu gian dối và những ai làm ăn chân chính cùng tồn tại thì chắc chắn doanh nghiệp làm ăn chân chính không có đất sống”, TS Lịch khẳng định.

Vị Tiến sĩ này chỉ ra rằng, sự thiếu tư duy hệ thống về quản lý Nhà nước không phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả. Hơn nữa, tính mâu thuẫn, phức tạp ngày càng tăng thêm. Ông Lịch lấy ví dụ về luật kinh tế Quốc hội mới ban hành nhiệm kỳ trước thì nhiệm kỳ này đã phải chỉnh sửa vì mâu thuẫn, xung đột khi thực thi.

Rủi ro của kinh tế Việt Nam là do 1 số doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh bất thường

TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fullbright cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên “quên kinh tế nhà nước”, bởi từ năm 2000 đến nay, khu vực này không tạo ra nhiều việc làm, không đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước cũng như GDP. Hơn nữa, “nhìn rộng trên thế giới, tất cả các nước trở nên thịnh vượng và phát triển thì trụ cột của họ đều là kinh tế tư nhân”, ông nói.

Dù coi kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng, là tương lai của kinh tế Việt Nam nhưng còn rất khiêm tốn: “Từ năm 2005 đến nay, kinh tế tư nhân (không bao gồm các hộ kinh doanh cá thể) chỉ chiếm khoảng 10% GDP”, ông Du dẫn chứng.

Theo TS Du, có 2 nguyên nhân khiến kinh tế tư nhân của Việt Nam chưa phát triển. Thứ nhất, trong một khoảng thời gian dài khu vực kinh tế tư nhân không được nhà nước coi là động lực phát triển mà ưu tiên lớn nhất là doanh nghiệp nhà nước, sau đó đến doanh nghiệp FDI.

Thứ hai, các chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam còn nhiều bất cập khiến cho tư duy đầu cơ ngắn hạn mạnh hơn tư duy đầu tư dài hạn.

Vì thế, ông Huỳnh Thế Du cho rằng rủi ro của kinh tế Việt Nam chính là việc 1 số doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh bất thường, hơn cả các chaebol của Hàn Quốc về tốc độ. “Chúng tôi nghiên cứu chu kỳ khủng hoảng 10 năm thì 2019 là năm cực kỳ nhạy cảm, nhà nước cần đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp tư nhân cực lớn, có đầu tư ra ngoài ngành”, ông nói và cho rằng cần nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân theo góc độ 2 mặt của tấm huy chương.

Kinh tế tư nhân là động lực của phát triển, “tuy nhiên, ở mặt bên kia, tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra trên thế giới đều do tư nhân, do các cá nhân chạy theo mục tiêu ngắn hạn của mình và gây ra trục trặc”.

 Thảo Nguyên

Thế giới Di động kỳ vọng tăng 25% doanh thu, 24% lợi nhuận sau thuế năm 2019(VietQ.vn) - HĐQT CTCP Thế giới Di động (Mã: MWG) công bố tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 với kế hoạch doanh thu thuần tăng 25% so với 2018, đạt 108.468 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế khoảng 3.571 tỷ đồng, tăng trưởng 24%.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang