Chủ tịch VCCI: Vẫn thấy tình trạng 'gập ghềnh' trong tư duy quản lý của các bộ, ngành!

authorNgọc Xen 07:10 16/01/2019

(VietQ.vn) - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, việc tổng rà xét các quy định pháp luật kinh doanh nhằm ban hành các văn bản "một luật sửa nhiều luật", tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về kinh doanh là vô cùng cần thiết.

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (VCCI).

PV: Thưa ông, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nhằm thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, có thể coi năm 2018 là năm ghi dấu ấn với những con số ấn tượng về thành tựu kinh tế. Vậy ông có đánh giá như thế nào về bước ngoặt này?

Theo tôi, trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ thực sự đã có những chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ngay từ đầu, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cải thiện môi trường kinh doanh.

Ví dụ, đầu năm, Nghị quyết 01/NQ-CP đã yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD); đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục chuyên ngành; cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC)... Nghị quyết 19 tiếp tục đặt ra yêu cầu về cắt giảm ĐKKD, kiểm tra chuyên ngành thực chất danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Nghị quyết 01, các mục tiêu về cải cách TTHC, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Theo thống kê thì tổng số ĐKKD được đề xuất trong năm 2018 đều vượt quá 50%. Điều này cho thấy nỗ lực và quyết tâm lớn từ phía các cơ quan quản lý. Chắc chắn môi trường kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, các hoạt động cải cách TTHC cũng được đẩy mạnh. Tương ứng với các ĐKKD được cắt giảm, đơn giản thì các TTHC cũng được đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều (ví dụ như việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; cơ chế một cửa, chỉ cần đến nộp hồ sơ và nhận hồ sơ ở một nơi; đơn giản hóa các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ hay thay đổi hẳn về tư duy quản lý (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm)...

Việc cải cách về thủ tục chuyên ngành cũng có những bước chuyển đáng ghi nhận: thu hẹp danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành; tạo cơ chế để tư nhân có thể tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa, kết nối thủ tục trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia...

Có thể khẳng định, năm 2018 là một năm mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách có những chuyển mình rất tích cực, có những bước đột phá về tư duy quản lý và môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta cũng thuận lợi một cách đáng kể.

PV: Thưa ông, bên cạnh những thuận lợi, năm 2018, kinh tế Việt Nam vẫn còn những 'điểm nghẽn'. Vậy ông nhận định ra sao về những 'điểm nghẽn' đó?

Theo tôi, trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, những chuyển động về chính sách của năm 2018 vẫn cho thấy thách thức rất lớn.

Đầu tiên, chúng ta đặt ra câu hỏi về tính thực chất của các hoạt động cải cách. Mặc dù có những động thái tích cực từ phía cơ quan nhà nước, nhưng chất lượng cũng như hiệu quả của các hoạt động này vẫn đưa đến nhiều băn khoăn từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ, về cắt giảm ĐKKD, mặc dù tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa khá cao, trên 50% nhưng chúng ta vẫn thấy không ít tính hình thức, đối phó trong đó (nhiều ĐKKD vướng nhưng vẫn chưa được xem xét để bãi bỏ trong đợt rà soát này...); Doanh nghiệp (DN) tham gia vào hoạt động rà soát còn nhiều hạn chế, phụ thuộc nhiều vào thiện chí của các cơ quan chủ trì soạn thảo...

Hơn nữa, việc mở cửa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa được thực hiện một cách đồng bộ giữa các ngành, Nhà nước vẫn giữ độc quyền kiểm tra đối với 1 số loại sản phẩm hàng hóa - mà có thể trao quyền cho tư nhân thực hiện được.

Ngay cả khi đã chỉ định cho tư nhân tham gia vào hoạt động này thì cơ chế chỉ định vẫn còn nhiều vấn đề (chưa tạo ra cơ chế bình đẳng, việc chỉ định dễ tạo ra cơ chế độc quyền cho một số DN).

Cùng với đó, tư duy quản lý vẫn đặt ra nhiều quan ngại. Với thế giới phẳng như hiện nay, Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối diện với làn sóng phát triển công nghệ, sẽ xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới, rất khác với phương thức truyền thống đang diễn ra. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những phương thức kinh doanh như: kết nối công nghệ trong dịch vụ vận tải, lưu trú du lịch; dịch vụ quảng cáo thông qua các mạng xã hội... bắt đầu xâm lấn vào nền kinh tế. Chính điều này khiến chúng ta nhìn lại các chính sách quản lý hiện tại và quan sát cách hành xử của cơ quan quản lý đối với những phương thức kinh doanh mới này.

Việc chính sách đi sau sự phát triển kinh tế là điều dễ hiểu, tuy nhiên, cách hành xử của các cơ quan quản lý như thế nào với những phương thức kinh doanh chưa có cơ chế chính sách quản lý mới là điều quan trọng. Nó có thể là động lực để thúc đẩy, cũng có thể là rào cản đối với các hoạt động kinh doanh (cả cũ lẫn mới) phát triển. Thực tế, thời gian qua, cách hành xử của các nhà quản lý trong một số lĩnh vực còn khá lúng túng, chưa tìm ra hướng đi phù hợp và có nguy cơ trở thành sự thách thức trong kỷ nguyên này.

PV: Thưa ông, năm 2018 đã qua đi với nhiều dấu ấn và năm 2019 bắt đầu với nhiều dự cảm tốt đẹp. Đứng trên cương vị là Chủ tịch VCCI, ông đưa ra kiến nghị gì nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo?

Theo tôi, chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công. Vẫn thấy tình trạng "gập ghềnh" trong tư duy quản lý của các bộ, ngành. Các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vẫn thiên về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ mà "ngập ngừng" trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế như quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái, bảo đảm thực thi hợp đồng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và tôn trọng quyền tự quyết của DN. Đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa.

Sự chồng chéo, thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và DN vào tình thế khó. Tình trạng mỗi bộ ngành một luật. Chính quyền địa phương và DN nhiều khi phải "chết đứng như Từ Hải". Việc tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh để có thể ban hành các văn bản "một luật sửa nhiều luật", để tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về kinh doanh là vô cùng cần thiết. Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ ủng hộ giải pháp này!

Xin cảm ơn ông với những chia sẻ hết sức thiết thực trên!

Ngọc Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang