Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đề xuất chính sách căn cơ cho KHXH

author 07:07 04/01/2020

(VietQ.vn) - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam – ông Bùi Nhật Quang nhấn mạnh khoa học xã hội vẫn được coi là quốc sách, nhưng chưa có những chính sách căn cơ để tạo động lực cho các nhà khoa học xã hội phát triển.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác ngành KH&CN năm 2019 và triển khai công tác năm 2020, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam – ông Bùi Nhật Quang cho hay: Sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đã có những dự kiến, dự báo trước một số vấn đề, đưa vào xây dựng một số chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, khoa học xã hội cơ bản để đóng góp cho các chiến lược phát triển đất nước.

Trong tổng thể ngành KHCN, khoa học xã hội đã có những đóng góp vào một số chương trình lớn, đưa ra những luận cứ, xây dựng chính sách phát triển lâu dài. Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam xây dựng nhiều vấn đề như: chương trình phát triển vùng (Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) giúp tỉnh thành có cái nhìn rõ hơn về tình hình phát triển chung. Một số vấn đề có tính chất lâu dài như tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng, văn hóa… cũng được đẩy mạnh nghiên cứu.

Các vấn đề nghiên cứu khoa học xã hội là một phần nhỏ của KHCN nhưng quy mô rất rộng, nhiều vấn đề lớn được bàn tới, đặc biệt là mô hình tăng trưởng; bên cạnh đó, tập trung làm rõ các khái niệm nội hàm: thế nào là vai trò của kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân… Trong các nghiên cứu đánh giá của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đôi khi đi vào trừu tượng, không thể hiện rõ ràng, song đều có ý nghĩa quan trọng trong các báo cáo trình lên Đảng và Nhà nước.

 Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam – ông Bùi Nhật Quang.

Một trong những vấn đề gần đây ít được nghiên cứu đó là thời kỳ quá độ lên CNXH, trong Nghị quyết Đại hội đảng 2006 khẳng định, chúng ta đã đi qua chặng đường đầu tiên quá độ đi lên CNXH. Hiện chúng ta đang ở chặng đường thứ hai, mỗi chặng đường có những đặc điểm riêng. Vì thế, ngành khoa học xã hội đang nghiên cứu để làm rõ hơn những đặc trưng của thời kỳ quá độ đi lên CNXH.

Đại diện Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam kiến nghị, KHXH vẫn được coi là quốc sách, nhưng những chính sách lớn đã hướng tới cho ngành KH nói chung chưa? Và ngành KHXH vẫn chưa có những chính sách căn cơ để tạo động lực cho các nhà KHXH phát triển.

Trong lịch sử, các bước ngoặt phát triển thường gắn với sáng kiến của KHXH. Để KHXH phát triển, cần có sự lắng nghe của tất cả các cấp. Bởi mọi sáng kiến, ý tưởng đổi mới sáng tạo đều phải được thử nghiệm để tìm ra những thế mạnh, hạn chế… Sau đó, đưa vào triển khai một cách hiệu quả.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang