Chủ tịch VietinBank: 600.000 tỷ nợ xấu thì phải xác định 90% là tiền của nhân dân

authorĐỗ Thu Thoan 19:06 08/06/2017

(VietQ.vn) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng, đoàn Hà Nội, chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết trong 600.000 tỷ đồng nợ xấu chúng ta phải xác định 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%.

Theo báo Tiền phong, tại phiên thảo luận về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu ngày 7/6, ĐBQH, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nợ xấu cao đến mức phải cần sự can thiệp của nhà nước. Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện vẫn xấp xỉ 600 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ. Theo ông Thắng, Việt Nam là quốc gia duy nhất có nợ xấu hơn 10% mà không tổ chức tín dụng nào đổ vỡ.

Đại biểu Thắng cho biết, trong số 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu, phải xác định 90% là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%, nên việc xử lý nợ xấu là cấp bách.

“Điều này không chỉ để bảo vệ cho hoạt động tổ chức tín dụng mà là bảo vệ cho người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống tổ chức tín dụng. Làm sao để đưa 600 ngàn tỷ đồng này quay lại phục vụ tăng trưởng kinh tế khi nguồn lực còn hạn chế. Số tiền này có thể làm được nhiều việc, thậm chí có thể xây được 3 sân bay Long Thành mà QH đang bàn”, ông Thắng nói.

600-nghin-ty-dong-no-xau-90-la-tien-cua-nhan-dan

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) - Chủ tịch HĐQT VietinBank. Ảnh: Tiền phong

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là tất yếu, còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu. Nợ xấu có nhiều nguyên nhân, chủ quan có, khách quan cũng có, tuy nhiên theo thống kê cho thấy nợ xấu cao, đột biến đến mức phải có sự can thiệp của Nhà nước thì đều có nguyên do xuất phát từ các cú sốc của nền kinh tế, và trường hợp này đã xảy ra ở nhiều quốc gia, dẫn thông tin theo Trí thức trẻ.

Tại Việt Nam, qua số liệu thống kê cho thấy nợ xấu cao đột biến bắt đầu từ năm 2012, lên tới 17% và tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo. Nguyên nhân của tình trạng này là từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, chứng khoán và kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoạn trước đó.

Theo BizLIVE, đại biểu Thắng kiến nghị với Quốc hội cho phép áp dụng nghị quyết xử lý nợ xấu bao gồm cả các khoản hiện tại và phát sinh, vì nghị quyết này chỉ có 5 năm, chúng ta không tốn nguồn lực mà chỉ có cơ chế và quy định. "Quan điểm của cá nhân tôi cần xử lý và thu hồi được càng nhiều càng tốt trong giai đoạn 5 năm khi nghị quyết ban hành", đại biểu Thắng nói.

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), nợ xấu ví như "cục máu đông" rất nguy hiểm, một là đột quỵ, hai là tính mạng bị đe dọa nằm trước mắt. Nợ xấu làm cho nền kinh tế kém hiệu quả, cạnh tranh thấp.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần sớm ban hành Nghị quyết để xử lý cục máu đông nợ xấu, khơi thông dòng tín dụng. “Điều quan trọng nghị quyết sẽ nâng cao nhận thức của người vay, người vay phải có ý thức thực hiện đúng trách nhiệm khi vay, thua lỗ phải chấp nhận để tổ chức tín dụng bán tài sản thế chấp”, ông Phương nhấn mạnh.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang