Hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển

author 05:54 24/04/2017

(VietQ.vn) - Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển, triển khai hiệu quả chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc chia sẻ tại "Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ XI" diễn ra mới đây tại Ninh Bình.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của KH&CN trong hai năm 2017-2018 tới đây là đóng góp nhiều hơn vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

“Trong bối cảnh này, Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển, triển khai hiệu quả chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN để tăng chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa theo chuỗi giá trị” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu Khai mạc tại Hội nghị. Ảnh MOST

Cùng với đó, Bộ KH&CN tập trung đẩy mạnh việc đưa KH&CN vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu; đẩy nhanh phát triển công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN và tỷ trọng giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, ứng dụng KH&CN vào nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng và phát triển thương hiệu. Phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN trong khu vực giai đoạn 2015-2017, thảo luận những định hướng phát triển KH&CN của các địa phương trong giai đoạn tiếp theo.

Có thể nói, ở tất cả 11 tỉnh, thành phố trong vùng, thời gian qua, hoạt động KH&CN diễn ra khá sôi nổi, góp phần tạo nên nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội và ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.

Hoạt động nghiên cứu - triển khai đã được thực hiện khá toàn diện, nhất là các ngành sản xuất như nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Hầu hết các nhiệm vụ KH&CN đã có địa chỉ ứng dụng cụ thể, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.

Bước đầu đã xác định được các sản phẩm ưu tiên, mũi nhọn, có tiềm năng để đầu tư nghiên cứu; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hình thành cơ chế ươm tạo công nghệ, phát triển doanh nghiệp KH&CN. Quản lý nhà nước về KH&CN có nhiều đổi mới, môi trường pháp lý cho hoạt động KH&CN đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Tiềm lực KH&CN được tăng cường, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ KH&CN được nâng lên một bước, trang thiết bị ngày càng được hiện đại đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng chúc mừng những kết quả mà ngành KH&CN các tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh Ninh Bình đã và đang có những hướng đi tích cực trong việc phát triển và ứng dụng KH&CN, trong đó có việc giảm các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm; ưu tiên các dự án công nghiệp sạch, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ, sản xuất và lắp ráp ô tô. Phát triển các cụm công nghiệp gắn liền với khu vực nông thôn để và tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, qua đó động viên nông dân cho thuê đất để hướng tới tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn theo chuỗi giá trị.

Theo ông Trần Văn Quang, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, trong thời gian tới, các tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu ứng dụng, nhất là trong phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn GAP, GACP trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, ưu iên xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN liên kết có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành để cùng phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế của vùng theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, tiếp tục phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN chất lượng cao cho các tổ chức KH&CN cũng như cho doanh nghiệp kết hợp với thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực KH&CN.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nêu ra những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong hoạt động KH&CN ở địa phương và kiến nghị với Bộ KH&CN có biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho hoạt động KH&CN địa phương tiếp tục phát triển, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong vùng.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang