Chùa Bồ Đề: Cửa Phật vương bụi trần

author 11:55 13/08/2014

(VietQ.vn) - Theo tin tức mới nhất của cơ quan điều tra, sư thầy Thích Đàm Lan không liên quan đến vụ mua bán trẻ em vừa bị phanh phui. Qua vụ việc này cần rút ra bài học về thắt chặt công tác quản lý của các Ban Từ thiện xã hội

Ngôi chùa Bồ Đề, ngay cái tên đã rất “đất Phật”, nổi tiếng từ lâu về việc làm từ bi, bao năm nay cưu mang nuôi nấng hàng trăm em bé từ sơ sinh đến người già bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nay chỉ vì chuyện của “người đời”, chùa bỗng bị rơi vào cảnh "quýt làm cam chịu".

vụ án chùa bồ đề

Chùa Bồ Đề "đất Phật" nổi tiếng và câu chuyện "quý làm cam chiu". Ảnh Phattuvietnam.net

Trụ trì chùa Bồ Đề không liên quan đến việc buôn bán trẻ em

Chiều 12/8, trong cuộc giao ban báo chí, trả lời về tiến trình điều tra vụ mua bán trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề, ông Phan Đăng Long (Phó Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội) cho biết theo chỉ đạo của thành phố, cơ quan điều tra vào cuộc và đã có kết luận bước đầu. Nhưng vì lý do hành chính mà cơ quan công an chưa thể chính thức công bố kết quả này. 

Tuy nhiên ông Long xác nhận sai phạm chủ yếu liên quan bảo mẫu Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt và hiện cả hai đã bị khởi tố, tạm giam.Về trách nhiệm của sư trụ trì Thích Đàm Lan, ông Long thông báo, quá trình điều tra xác định vị này "không liên quan việc mua bán trẻ em" của hai nghi can trên. “Sư Lan là người tốt tính, vì việc đức việc thiện nên đã cưu mang những mảnh đời bất hạnh.

Sự việc này để lại cho các cơ quan quản lý nhà nước bài học lớn về quản lý trẻ bị bỏ rơi và lang thang cơ nhỡ, những người kém may mắn", ông Long nhấn mạnh. “Tất nhiên, vụ việc đang trong quá trình điều tra, nếu trụ trì có trách nhiệm tới đâu sẽ xử lý tới đó".

Không nên “cả giận mất khôn”

vụ án chùa bồ đề

Thượng tọa Thích Đức Thiện trong buổi trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc chùa Bồ Đề. Ảnh minh họa

Trong cuộc phỏng vấn với báo giới, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng 1 - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử đoàn công tác sang chùa Bồ Đề để làm việc với nhà chùa. Với sư trụ trì Thích Đàm Lan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhắc nhở và yêu cầu nhà chùa cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nói chung và quy định, điều lệ đã ban hành đối với tăng ni, phật tử.

“Đây là hoạt động từ thiện không riêng gì chùa Bồ Đề mà khắp các chùa trong cả Giáo hội Phật giáo người ta vẫn đang làm. Vụ việc này chỉ là sai sót từ những người quản lý phía dưới thôi. Còn với môi trường nuôi dưỡng, giúp đỡ từ nhà chùa thì đây cũng là việc thiện nguyện nên làm. Nó cũng là truyền thống từ trước tới nay, giúp các cháu có một mái ấm nương tựa và cũng thể hiện được lòng từ bi của Phật pháp” – Thượng tọa Đạt nói.

Ở góc độ chính trị, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban GDTTN và NĐ của QH rất cẩn trọng khi cho rằng: Đừng nên gắn chuyện buôn bán trẻ em với nhà chùa, như vậy là xúc phạm tôn giáo. Vì những người vi phạm ở đây, họ không phải là người nhà chùa.

Vụ án chùa Bồ Đề để lại một bài học xót xa về quản lý Giáo hội

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau sự việc đáng tiếc xảy ra tại chùa Bồ Đề, Giáo hội sẽ rút kinh nghiệm và chỉ đạo cho các cơ sở tự nguyện nuôi dưỡng trẻ trước hết phải có đăng ký đầy đủ với cơ quan chức năng.

“Hội Phật giáo cũng đề nghị với các cơ quan nhà nước hướng dẫn những thủ tục cần thiết, thực hiện kiểm tra giám sát thường xuyên, phối hợp thật tốt giữa cơ quan nhà nước với nhà chùa về bảo vệ trẻ em và làm tốt công tác từ thiện” - Thượng tọa Đạt cho hay.Về số phận của những đứa trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề, Thượng tọa Đạt cho biết, điều này phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan chức năng. Còn đối với nhà chùa nếu tiếp tục nuôi dưỡng trẻ em thì phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, phải đăng ký các quy định, thủ tục về nuôi dạy trẻ. Nếu không đủ điều kiện thì các cơ quan bảo trợ xã hội sẽ tiếp nhận.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, kiêm Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong vụ lùm xùm liên quan đến chùa Bồ Đề vừa qua, cơ quan điều tra đã làm việc theo quy trình, minh bạch, vào cuộc kịp thời khi một số người dân và báo chí lên tiếng, song cũng không vội vã kết luận mà điều tra rất cẩn trọng để có thể đưa ra những kết luận xác đáng.

vụ án chùa bồ đề

Số phận hàng trăm trẻ mồ côi đang chờ các cơ quan chức năng quyết định. Ảnh Giang Huy

Sự từ bi của nhà chùa là đáng trân trọng, và không ai có thể phủ nhận việc làm nhân ái đó. Nhưng rõ ràng việc nuôi hàng trăm đứa trẻ các lứa tuổi, đòi hỏi phải được huấn luyện chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ. Trong khi công việc này ở chùa Bồ Đề hoàn toàn mang tính tự phát, tổ chức kiểu kinh nghiệm. Sự quản lý lỏng lẻo là đương nhiên. Cách đánh giá nhìn nhận con người cũng chỉ dựa trên lòng thương và cảm tính. Chính ở “kẽ hở” lòng thương đầy cảm tính này, mà lòng tham của người đời có cơ bám víu, nảy nở.

Rõ ràng, sự rối loạn và bất an về các giá trị của xã hội, tự lúc nào cũng đã “phả” vào cửa chùa. Không phải ngẫu nhiên có những ý kiến trên báo chí về việc ở đây không nhận quà úy lạo, chỉ nhận tiền, và sự thất vọng của những người làm thiện nguyện khi đến thăm, ít nhiều đã phản chiếu chất nhân sinh đục trong, tình người ấm lạnh của xã hội.

Qua những sự việc này, về phía Giáo hội Phật giáo cũng sẽ nhìn nhận lại để rút kinh nghiệm. Đây là bài học rất sâu sắc trong vấn đề quản lý. Trong thời gian tới Giáo hội sẽ ban hành văn bản gửi đến tất các các Giáo hội của các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát và báo cáo lại việc làm từ thiện để có phương hướng hoạt động cụ thể. Đồng thời, các Giáo hội địa phương cũng phải tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn tất những thủ tục cần thiết.

Nguyễn Huyền (tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang