‘Chưa có lực lượng nào nghèo khổ, mang tiếng như quản lý thị trường’

author 12:56 31/10/2014

(VietQ.vn) - Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) trong buổi tọa đàm trực tuyến "Vì thị trường lành mạnh".

Sáng nay, 31/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Vì thị trường lành mạnh" với nhiều nội dung xung quanh cuộc chiến phòng chống buôn lậu đang được dư luận quan tâm.

phòng chống buôn lậu

Các vị khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh V.Cường

Chương trình có sự tham gia của các khách mời là ông Nguyễn Quang Cẩn – Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan; ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương); ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương cùng lực lượng quản lý thị trường luôn xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ cấp bách thường xuyên, liên tục nhằm góp phần đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng.

Theo ông Tín, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 120.000 vụ, xử lý gần 64.000 vụ vi phạm hàng giả và gian lận thương mại, tăng 12,25% so với cùng kỳ năm 2013. Xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tổng số thu nộp ngân sách gần 260 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy là 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Tín cũng cho biết, tình trạng hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến rất phức tạp. Việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái khó khăn do hàng giả được làm rất tinh vi.

Đánh giá về những khó khăn trong công tác phòng chống hàng lậu, ông Tín nhấn mạnh về nguồn lực con người và cơ sở vật chất. Theo ông, hiện nay, lực lượng cán bộ phòng chống buôn lậu rất mỏng.

“Chưa có lực lượng nào nghèo, khổ mà lại mang tiếng như quản lý thị trường” – ông Tín nói.

Ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam thì cho biết, buôn lậu thuốc lá tác động rất lớn đến tình hình kinh tế xã hội của nước ta. Hàng năm, ngân sách Nhà nước mất khoảng 8000 tỉ đồng. Thêm nữa, nó còn ảnh hưởng đến vấn đề công ăn việc làm của khoảng 5 triệu lao động, trong đó chủ yếu là của người nông dân trồng cây thuốc lá và của công nhân làm việc trong các công ty thuốc lá.

Đặc biệt, thuốc lá nhập lậu rất khó có thể kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng của thuốc lá.

“Theo phân tích của Viện kinh tế kỹ thuật lá Châu Á, trong thuốc lá nhập lậu thường sử dụng những chất cấm, hàm lượng nicôtin cao hơn mức cho phép. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng” – ông Cường cho biết.

Các ý kiến tại cuộc họp đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, không tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu, thành lập trạm kiểm soát cố định về buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến đường bộ, các tổ kiểm tra đặc biệt liên ngành, có giải pháp căn cơ và chiến lược hơn để đánh tận gốc các đối tượng đầu nậu.

Từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều, cần tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm buôn lậu qua biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Quảng Trị với một số mặt hàng trọng điểm như thuốc lá điếu, pháo nổ.

 V.Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang