Chưa hết lo về nợ công

author 18:55 16/05/2013

(VietQ.vn) - Giảm thuế, tăng lương, tăng phúc lợi xã hội rõ ràng là những thông tin luôn được đa số người dân hồ hởi đón nhận, dù đôi khi những quy luật của toán học chỉ rõ rằng nếu “bung” thoải mái những chính sách này, thì vực thẳm nợ công của Hy Lạp sẽ không phải là bi kịch của riêng quốc gia vùng Địa Trung Hải.

Không nghi ngờ gì nữa, năm 2013 là một năm nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tại một cuộc hội thảo vừa được Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội tổ chức, ông Sanjay Kalra, đại diện Quỹ tiền tệ thế giới IMF nhận định, bức tranh tổng thể về thu chi ngân sách năm 2013 của Việt Nam khá tương đồng với năm 2012; với khoản thâm hụt ngân sách ước khoảng 4% GDP, dưới mức trần đã được Quốc hội thông qua (4,8%).

Rủi ro khủng hoảng nợ công là thấp - chuyên gia này nhận xét – song việc đẩy mạnh tiến trình cải cách kinh tế chắc chắn sẽ cần có những khoản chi phí không nhỏ (như chi phí để mua lại các ngân hàng yếu kém, chi trả cho người lao động mất việc, chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh, nay không có khả năng thanh toán...); mà những chi phí này lại chưa được dự phòng trong cân đối ngân sách.

Năm 2013 là một năm nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Năm 2013 là một năm nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Cũng tại cuộc tọa đàm nêu trên, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ năm 2012; trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn. Gần 60% doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2012 đã quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, số thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm chỉ bằng 29,9% dự toán, với số thu nội địa và số thu hải quan đều giảm; báo hiệu một năm khó khăn trong thực hiện kế hoạch thu. Trong khi đó, theo mô tả của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cả nước có 72 nghìn doanh nghiệp ốm yếu  (doanh nghiệp cả năm 2012 không có doanh số được coi là “ốm”, còn doanh số bằng 30% năm trước là “yếu”), thì số doanh nghiệp giải thể những tháng đầu năm 2013 xấp xỉ số thành lập mới.

Dễ thấy rằng nguồn thu ngân sách năm nay hẳn vẫn sẽ eo hẹp và chính sách tài khoá đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải. Theo TS. Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính), trong năm 2013, dự toán chi trả nợ gốc là gần 61 ngàn tỷ đồng - chiếm hơn 6% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước. Nếu tính cả gần 43 ngàn tỷ chi trả nợ lãi thì tổng chi trả nợ năm 2013 chiếm tới 10,6% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước.

Ông Ánh bày tỏ lo ngại tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức cao có thể xảy ra trong năm 2013 với mức thâm hụt dự kiến là 162 ngàn tỷ đồng. “Để bù đắp bội chi, Việt Nam buộc phải vay trong nước và vay nước ngoài. Do số nợ vay được sử dụng vào những mục đích không sinh lợi nên toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào phát hành nợ mới, đặc biệt là vay trong nước và ngân sách nhà nước Việt Nam đang đứng trước “vòng xoáy” nợ nần với qui mô nợ Chính phủ ngày càng lớn”, TS Ánh phân tích. 

Vĩ mô là vậy, ở tầm vi mô, nhiều chủ doanh nghiệp cũng “than” rằng, nếu không tính toán lộ trình hợp lý thì nhiều quy định mới trong pháp luật về lao động có thể chất chồng thêm gánh nặng lên đôi vai đang run mỏi của họ.  

Liên quan đến lương tối thiểu, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, (VCCI), mặc dù hầu hết tán thành việc tăng lương tối thiểu, song cộng đồng doanh nghiệp đều đề nghị một mức tăng “không cao đột biến (35%)” và phải có lộ trình rõ ràng để họ chuẩn bị kế hoạch tài chính; bởi lương tối thiểu còn liên quan đến rất nhiều khoản chi trả khác như bảo hiểm, trợ cấp... Dự đoán được tình trạng không cấn đối được thu –chi, một tỷ lệ không nhỏ (20%) các doanh nghiệp tham gia khảo sát do VCCI tiến hành cho biết sẽ đóng bảo hiểm theo lương tối thiểu mới, cắt bỏ trợ cấp trước đây để bù vào phần đóng tăng; 10% đề nghị người lao động chia sẻ phần đóng BH tăng lên và 2% DN thẳng thừng tiết lộ họ sẽ có “biện pháp đối phó”.

Đại diện cho khối doanh nghiệp đang sử dụng 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 4 triệu lao động gián tiếp, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói, trong khi nhiều doanh nghiệp thuộc khối này chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu theo mùa vụ; năng suất của người lao động lại chưa cao thì quy định giờ làm thêm tối đa 200 giờ/ năm; không quá 30 giờ/ tháng là có phần “cứng nhắc”.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Chí Bằng (Chih-Peng Huang), Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam (TECO) cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp muốn thêm việc và người lao động cũng muốn có thêm thu nhập thì quy định nói trên là chưa hợp lý. Doanh nhân này cung cấp thông tin: ở Đài Loan, số giờ làm thêm tối đa là 56 giờ/ tháng, gần gấp đôi Việt Nam

Rõ ràng, trong phạm vi một quốc gia hay một doanh nghiệp thì mong muốn chính đáng là cải thiện cuộc sống, cải thiện phúc lợi xã hội đôi khi vấp phải… những quy luật của toán học (!), đòi hỏi các nhà thiết kế chính sách tìm ra được giải pháp khả thi nhằm giải quyết nhiều mục tiêu cùng lúc.

Điều cần nói thêm là phải cấp thiết nâng cao hiệu quả chi tiêu công cũng như động viên tinh thần tiết kiệm của toàn xã hội. Tuy chưa có những thống kê thật chính xác, nhưng theo các nhà phân tích kinh tế, tỷ lệ tiền tiết kiệm được trên thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Việt Nam đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nhà yếu, bão lớn tất thiệt hại khôn lường!

Cẩm Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang