Chùa Tam Chúc: Đất đá ngổn ngang không kìm được chân du khách!

authorNgọc Xen 09:45 12/02/2019

(VietQ.vn) - Dù đất đá ngổn ngang, trời nắng gay gắt cũng không thể ngăn bước chân của du khách khắp mọi miền đất nước đến với khu tâm linh Tam Chúc – Ba Sao trên mảnh đất Hà Nam anh hùng.

Ẩn mình trong quần thể núi đá vôi độc đáo, dù còn đang trong quá trình thi công với đất đá ngổn ngang, Chùa Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) hiện ra với phong cảnh nước non hùng vĩ, giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên như hòa mình vào chốn bồng lai tiên cảnh. Ngôi chùa không chỉ là hiện thân của những câu chuyện truyền thuyết, mà còn là nơi lưu giữ những dấu tích lịch sử của triều đại Đinh cách đây hơn 1.000 năm.

Tam Chúc đẹp như một bức tranh thủy mặc với những đường nét tự nhiên do tạo hóa sắp đặt: Lưng tựa núi, mặt hướng ra hồ, ba mặt được bao bọc bởi dãy núi hình tay ngai. 

Xuất hiện bề thế, Cổng Tam Quan là nơi khởi đầu của cuộc hành trình tâm linh mà du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh thiêng của quần thể tâm linh Tam Chúc - Ba Sao.

Cổng Tam Quan - Khởi đầu cuộc hành trình tâm linh.

Điện Quan Âm là nơi dừng chân thứ hai của khách thập phương với một pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn. Điểm nhấn của Điện Quan Âm là 4 bức tranh đá khổng lồ bao phủ toàn bộ diện tích 4 bức tường, gắn liền với những sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát gần gũi người dân Việt Nam. Trung tâm của các bức tranh là tượng khắc nổi của Phật Quan Âm với hình ảnh quen thuộc trong các ngôi chùa cổ như Chùa Phật Tích, Chùa Hương.

Nơi đây chính là một kho tàng với những câu chuyện về tấm lòng từ bi, nhân hậu của Bồ Tát, cứu độ chúng sinh, thể hiện qua các ứng thân của Đức Phật khi Ngài đã trải qua vô số kiếp luân hồi. Những câu chuyện trên các bức phù điêu đá trong điện Quan Âm như chuyển tải thông điệp về vẻ đẹp chân - thiện - mỹ, về đạo lý tốt đẹp của con người. Bồ Tát khi thì hiện thân thành chú voi, hi sinh thân mình nhảy xuống vách núi để làm thức ăn cứu dân làng lúc đang đói khát; có khi lại hiện thân thành chú thỏ sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu người Bà-la-môn khỏi chết đói trong rừng; khi thì lại là một vị vua từ bi sẵn sàng xẻ thịt cánh tay của mình cho quạ ăn thịt để cứu chim sẻ.

Điện Quan Âm - Vẻ đẹp từ bi của Quan Thế Âm Bồ Tát.

Điện Giáo Chủ hiện ra bên trên Điện Quan Âm với một pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối, pho tượng nặng 150 tấn do chính các nghệ nhân Việt Nam chế tác. 

Chính nơi đây, du khách sẽ thấy một vị Phật lịch sử, điều mà chắc hẳn không phải ai trong chúng ta cũng am tường. Điểm nhấn đặc biệt trong Điện Giáo Chủ là 4 bức phù điêu khổng lồ bao trùm toàn bộ 4 bức tường, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn, bước ngoặt trong cuộc đời của Đức Phật: Phật Sinh, Phật Thành Đạo, Phật Thuyết Pháp và Phật Niết Bàn. Ngắm nhìn những bức phù điêu du khách sẽ cảm nhận như Đức Phật lịch sử đã thực sự hiển linh, hòa quyện với cảnh sắc nơi đây, gắn liền với hồn thiêng sông núi của vùng đất này.

Điện Giáo Chủ - Vị Đức Phật lịch sử.

Theo dấu chân linh thiêng, Điện Tam Thế hiện ra với 3 pho Tam Thế Phật ngay chính giữa, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Nét tinh tế với kiến trúc tại Điện Tam Thế là 12.000 bức tranh đá được chạm khắc tinh xảo. Mỗi bức là sự gửi gắm một câu chuyện vô cùng nhân văn tái hiện cuộc đời Đức Phật, đó là những bức phù điêu về cõi Niết Bàn - chốn bồng lai tiên cảnh - nơi ẩn chứa tất cả những vẻ đẹp chân - thiện - mỹ mà con người hằng mong ước.

Mỗi bức tượng thể hiện một chủ điểm, các chủ điểm được sắp đặt trình tự theo chiều kim đồng hồ từ trái qua phải, đồng thời, logic câu chuyện về Tam Thế Phật cũng được sắp đặt theo chiều quay đó như một quy luật của tự nhiên.

Điện Tam Thế - Tam Thế Phật hiển linh.

Ngay bên ngoài Điện Tam Thế là cây Bồ Đề được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" (Jaya Sri Maha Bodhi) ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura - Sri Lanka. Cây Bồ Đề này có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay (2.250 tuổi) và được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka. Năm 247 (trước công nguyên), Vua A Dục đã cho chiết một nhánh phía Nam của cây Bồ Đề thiêng ở Bodh Gaya - Ấn Độ (nơi đức Phật thành đạo) và phái Công chúa Sanghamitta đem sang tặng cho quốc đảo Sri Lanka.

 Cây Bồ Đề - Báu vật thánh tích Mahamegha.

Cùng với đó là Vạc Phổ Minh được đặt chính giữa lối vào Điện Tam Thế với ý nghĩa răn dạy con người về nhân quả "ở hiền gặp lành, làm việc xấu phải chịu quả báo", những tội đồ, những việc làm xấu nếu thoát được ở dương gian thì "lưới trời thưa mà khó lọt".

 Vạc phổ minh - 'lưới trời thưa mà khó lọt'.

Trạm dừng chân cuối cùng của du khách là Chùa Ngọc, ngôi chùa độc đáo tọa lạc trên đỉnh núi cao. Từ nơi đây, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh sơn thủy, hữu tình của núi non hùng vĩ.

Phật Ngọc - Vẻ đẹp toàn mỹ chốn bồng lai.

Tượng Phật bằng ngọc được chạm khắc tinh tế, thể hiện vẻ đẹp bí ẩn và toàn mỹ. Tương truyền, nếu các phật tử có thể chạm tay vào tượng Phật, thật tâm mong cầu thì mọi ước nguyện sẽ được linh nghiệm...

 Trạm dừng chân cuối cùng - Nét bình yên tại Chùa Ngọc.

Trải qua chặng đường dài khép lại cuộc hành trình, du khách sẽ cảm nhận được lòng mình bỗng trở nên thanh tịnh, hi vọng về một năm mới mạnh khỏe, an lành và hạnh phúc!

Chùa Tam Chúc uy nghiêm nơi cảnh tiên 'Vịnh Hạ Long trên cạn' ở Hà Nam(VietQ.vn) - Khu du lịch Tam Chúc (Ba Sao - Hà Nam) được mệnh danh là "Vịnh Hạ Long trên cạn", nơi khoác trên mình vẻ ngút ngàn và đẹp như cõi mộng, nơi mà du khách đến sẽ cảm nhận được sự thuần khiết, thanh bình và yên ả đến lạ thường.

 Ngọc Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang