Chưa thống nhất tên gọi, sữa ngoại nhảy giá liên tục

author 21:14 16/09/2013

Đang nằm trong danh mục các mặt hàng bình ổn giá, theo quy chuẩn mới, mặt hàng sữa nhập khẩu được “lột xác” thành thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng và mặc sức tăng giá vô tội vạ. Trong khi các bộ, ngành vẫn ngồi nhìn nhau, thì người tiêu dùng đang hằng ngày, hằng giờ bị móc túi một cách công khai.

Hiếm có mặt hàng nào lại siêu lợi nhuận được như mặt hàng sữa ngoại nhập khẩu. Theo bảng thống kê giá của một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp, mức giá nhập khẩu từ 4-5 USD/hộp (khoảng 80.00 - 100.000 đồng), còn giá bán lẻ trên thị trường từ 400.000 - 900.000 đồng. Ví dụ sữa Similac Advance có giá nhập khẩu là 105.500 đồng, nhưng được bán ra thị trường với giá 560.000 đồng. Đồng giá nhập khẩu ở mức 105.500 đồng, sữa Similac Go&Grow lại có giá 670.000 đồng. Nhưng “đỉnh” nhất, phải kể đến sữa Nestle Kinder, dù nhập khẩu cũng chỉ có mức giá 105.500 đồng, nhưng lại được bán với mức giá 950.000 đồng, cao gấp 9 lần giá gốc.

Trong khi đó, về chất lượng, theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam thì kết quả phân tích thành phần của các loại sữa nhập ngoại và sữa nội cho thấy, sữa nội không thua kém về chất lượng so với sữa ngoại, nhất là các thành phần chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất.

Choáng váng trước mức giá trên trời, PV đã có cuộc trao đổi với đại diện cao nhất của cơ quan quản lý giá Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng thông tin này chưa chính xác. Theo quy định, DN chỉ có thể dành khoản chi phí cho quảng cáo, tiếp thị tối đa 10% tổng chi phí được khấu trừ. Nhưng trên thực tế, không ít các hãng sữa ngoại thậm chí đã chi cho quảng cáo gấp đến 4 lần mức cho phép.

Về phía mình, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết nghiêm túc báo cáo với Thủ tướng về tình hình quản lý giá sữa theo đúng luật giá. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng hiện nay, mặt hàng này đang nằm ngoài tầm kiểm soát của Cục Quản lý giá vì nó thực chất đã không còn được gọi là sữa, mà trở thành thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng.

.

“Từ năm 2012 vẫn thấy các DN đăng ký với cơ quan quản lý giá là mặt hàng sữa bột. Nhưng từ đầu 2013, họ không đăng ký, mà chỉ báo cáo đó là sản phẩm dinh dưỡng. Dĩ nhiên đã là sản phẩm dinh dưỡng thì không nằm trong mặt hàng bình ổn giá. Quay ngược lại vấn đề, chúng tôi có yêu cầu các DN báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh. Đa số các DN đều báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý ở 2 cột: cột sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và cột các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm khác, có số đăng ký với các bộ, ngành. Trong bản báo cáo đó, bên cột sữa trống trơn, còn lại đều nằm ở cột các sản phẩm dinh dưỡng, DN không phải đăng ký giá mà chỉ phải báo cáo với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Tuấn cho biết.

Sở dĩ có sự thay tên đổi họ này là bắt nguồn từ sự sắp xếp lại tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm sữa: 34% độ đạm trở lên thì là sữa, dưới thì chỉ là sản phẩm dinh dưỡng. Chính vì thế, các DN bắt đầu chuyển toàn bộ sản phẩm đó sang thành sản phẩm dinh dưỡng. Như vậy, theo Luật giá đã được Quốc hội thông qua, thì cơ quan quản lý giá không có quyền yêu cầu các DN này phải đăng ký giá bán, hay kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện bình ổn giá đối với các mặt hàng này. “Theo tôi được biết, việc các DN chuyển tên từ sữa sang thành “sản phẩm dinh dưỡng” hoàn toàn phù hợp với quy chuẩn, vì bản thân các sản phẩm này trước đây đã thấp hơn 34%. Tuy nhiên, trước đây chưa có quy chuẩn này, nên cứ gọi nó là sữa. Khi tên hàng có chữ sữa, thì đương nhiên là thuộc diện bình ổn giá, vì mình quản lý theo luật, theo hàng, theo mã”, ông Tuấn nhận định.

Theo Luật giá, Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý chung về giá, còn các bộ, ngành chức năng quản lý giá theo từng lĩnh vực. Theo lĩnh vực chuyên môn, nếu các bộ, ngành cảm thấy có sự biến động, cần kiểm soát về giá, thì phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ để đưa vào mặt hàng bình ổn giá. “Nếu sản phẩm dinh dưỡng này thực chất là sữa bột ngày xưa, thì bây giờ có 2 việc phải tính. Một là tên gọi như thế đã đúng chưa? Thứ 2 nếu tên gọi đúng rồi, thì cơ quan chức năng, đặc biệt là các đơn vị cấp giấy phép phải đánh giá rất kỹ, kết luận bản chất mặt hàng này chính là sữa bột trước đây, có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em, kiến nghị và phối hợp với Bộ Tài chính để trình lên Chính phủ. Tóm lại, phải chuẩn hóa tên gọi mới đưa vào nhóm có bình ổn giá hay không. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào Bộ Y tế. Sự vênh nhau, mã gọi khác nhau giữa các ngành đang gây khó. Nếu cứ để nguyên như hiện nay, thì chưa có phương án gì để quản lý sản phẩm dinh dưỡng này”, ông Tuấn khẳng định.

Như vậy, chỗ “vướng” thì đã rõ ràng, nhưng có gỡ hay không và bao giờ mới gỡ là câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ. Trong khi chờ đợi, người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị móc túi một cách công khai vì tâm lý sính ngoại.

Theo Công an nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang