Chưa từng tồn tại sự sống trên Sao Hỏa?

author 16:21 23/07/2015

(VietQ.vn) - Một nghiên cứu mới đây cho rằng, tiền Sao Hỏa nhiều khả năng là một hành tinh băng giá, do các khe xói trên bề mặt Sao Hỏa hiện nay có thể là kết quả của quá trình xói mòn do băng tuyết tạo ra trong quá khứ thay vì là dòng nước chảy.

Sự kiện: Sao Hỏa huyền bí

Theo tờ Discovery News, các nhà khoa học nhận định, nếu Sao Hỏa là một hành tinh băng giá vào khoảng 3 đến 4 tỷ năm về trước thì giả thuyết cho rằng tiền Sao Hỏa có thể có sự sống sẽ trở nên không hợp lý.

Ông Robin Wordsworth, trợ lý giáo sư tại trường Harvard về Kỹ thuật và Công nghệ Ứng dụng và các đồng nghiệp đưa ra kết luận trên sau khi nghiên cứu cách thức nước chuyển hóa giữa bề mặt và khí quyển Sao Hỏa từ hàng tỷ năm trước, thông qua mô hình khí quyển 3D.

Mô hình giả tưởng đầu tiên là khi Sao Hỏa có khí hậu ôn đới với nhiệt độ trung bình là 50 độ F (khoảng 10 độ C). Ở mô hình giả tưởng tiếp theo, Sao Hỏa được chuyển thành hành tinh băng giá với nhiệt độ trung bình là -54 độ F (khoảng -48 độ C).

Hình ảnh giả tưởng về Sao Hỏa ấm ẩm và Sao Hỏa băng giá

Hình ảnh giả tưởng về Sao Hỏa ấm ẩm và Sao Hỏa băng giá. Ảnh Discovery News 

Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy, mô hình hành tinh băng giá tạo ra những đặc điểm giống với bề mặt Sao Hỏa hiện nay do tàu vũ trụ đang bay xung quanh hành tinh này từng thu được. Bên cạnh đó, mô hình Sao Hỏa băng giá còn được tạo ra dựa trên những tính toán chính xác về lịch sử Mặt Trời (ánh sáng Mặt Trời yếu hơn 20% vào thời điểm đó) và độ nghiêng của trục Sao Hỏa cách đây 3 đến 4 tỷ năm. Trong mô hình băng giá, hai cực của Sao Hỏa đều hướng về phía Mặt Trời, điều này có thể dẫn đến tình trạng tích lũy băng dọc theo xích đạo của nó.

Một giả thuyết khác được đặt ra sau đó về khả năng khí quyển của Sao Hỏa đặc hơn, dẫn đến khí hậu tại các vùng cao nguyên tại hai cực rất lạnh nhưng ở các vùng đất thấp hơn lại ấm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng giả thuyết này không hợp lý vì nếu chỉ có carbon dioxide, bụi và mây thì vẫn chưa đủ để khiến Hành tinh Đỏ ấm và ẩm.

Không chỉ vậy, đội nghiên cứu còn thử nghiệm mô hình giả tưởng với những cơn mưa thay đổi theo từng khu vực trên Sao Hỏa. Theo mô hình này, vùng Arabia và miệng núi lửa Hellas, nơi xuất hiện những dấu hiệu của quả trình xói mòn tại thời điểm hiện tại, phải là những nơi cực kỳ ẩm ướt, tuy nhiên, trên thực tế, những nơi có dấu hiệu của quá trình xói mòn lại cực kỳ khô cằn (vùng Margaritifer Sinus trên Sao Hỏa). Nguyên nhân của hiện tượng khô hạn này là do những ngọn núi cao tạo nên những vùng không mưa tại một vài khu vực nhất định trên Sao Hỏa, điều tương tự cũng xảy ra trên Trái Đất. Ngoài ra, cao nguyên núi lửa Tharsis trên Sao Hỏa sẽ chỉ có mưa ở vùng phía tây, trong khi Margaritifer Sinus lại nằm ở phía đông. 

Đinh Ly  

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang