Nha Trang chuẩn bị thả muỗi mang vi khuẩn để ngăn ngừa sốt xuất huyết

authorĐỗ Thu Thoan 10:31 06/01/2017

(VietQ.vn) - Ngày 5.1, UBND tỉnh Khánh Hòa có buổi làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại VN” với kế hoạch thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa sốt xuất huyết tại TP.Nha Trang.

Theo thông tin đăng tải trên Thanh niên cho biết, dự kiến, việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa sốt xuất huyết được triển khai vào giữa tháng 3.2017 trên địa bàn 4 phường của TP.Nha Trang.

chuan-bi-tha-muoi-de-ngan-ngua-sot-xuat-huyet

 Thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa sốt xuất huyết - Ảnh internet

Để chuẩn bị cho kế hoạch, ban thực hiện dự án đã lấy ý kiến chấp thuận của đại diện cộng đồng địa phương, tỷ lệ chấp thuận là 98,7% ở Phước Long và 100% ở 3 phường còn lại.

Theo đại diện dự án, các nghiên cứu thử nghiệm tại các thực địa ở Úc, Indonesia, Brazil, Colombia… đã chứng minh phương pháp này là an toàn, đến nay chưa có bất cứ vấn đề gì bất thường về sức khỏe và môi trường.

Từ ngày 15.1 - 15.3, dự án tiếp tục các công tác truyền thông, khảo sát và lấy phiếu chấp thuận ngẫu nhiên hộ gia đình (dự kiến 573 hộ) trong khu vực thả muỗi, sau đó mới tiến hành thả muỗi.

Trước đó, Vietnamplus cho biết UBND tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế về Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” có kế hoạch thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa sốt xuất huyết tại 4 phường của thành phố Nha Trang vào năm 2017.

Theo kế hoạch, năm 2017 dự án thả muỗi Wolbachia ở 4 phường của thành phố Nha Trang gồm Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long.

Từ năm 2018-2021, dự án có kế hoạch mở rộng thả muỗi Wolbachia đến các khu tập trung dân cư ở 2-3 tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh ủng hộ việc triển khai thả muỗi Wolbachia ở thực địa nhưng phải thận trọng, trước hết phải dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học chặt chẽ.

chuan-bi-tha-muoi-de-ngan-ngua-sot-xuat-huyet

Vi khuẩn Wolbachia (màu xanh lá cây) trong trứng của muỗi Aedes aegypti. (Nguồn: eliminatedengue.com)

Dự án cũng cần chuẩn bị kỹ việc thu thập thông tin, bằng chứng khoa học đầy đủ, khẳng định có cơ sở khoa học chắc chắn, đảm bảo an toàn tuyệt đối môi trường sống của người dân.

Từ năm 2013-2015, dự án đã tiến hành thả muỗi Wolbachia thí điểm ở đảo Trí Nguyên có khoảng 3.000 người dân. Kết quả, muỗi Wolbachia đã thay thế thành công quần thể muỗi vằn Aedes Aegypti tự nhiên trên đảo này.

Năm 2015, mặc dù ở thành phố Nha Trang xảy ra dịch sốt xuất huyết nhưng trên đảo Trí Nguyên chỉ ghi nhận 1 người mắc bệnh này.

Các chuyên gia y tế cho rằng, muỗi Wolbachia cũng có thể ngăn ngừa bệnh do virus Zika.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang