Gặp nạn nhân đuối nước, bạn phải xử trí theo những điều dưới đây mới có thể giúp họ thoát hiểm

author 10:53 14/03/2018

(VietQ.vn) - Cứ mỗi khi hè về, một vấn đề rất đáng lo ngại cũng đặt ra là tai nạn đuối nước. Mỗi năm, đuối nước cướp đi hàng ngàn sinh mạng người Việt Nam, chủ yếu là trẻ nhỏ.

Theo thông tin báo Pháp Luật TP HCM đăng tải, BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết bé QA (8 tuổi), nạn nhân vụ đuối nước xảy ra tại một hồ bơi ở quận 9 (TP.HCM) đã không qua khỏi sau quá trình được điều trị tích cực tại bệnh viện. 

Chuẩn bị vào hè, cẩn trọng với tai nạn đuối nước

Mỗi năm có hàng ngàn vụ tai nạn đuổi nước xảy ra. Ảnh minh họa 

Theo BS Lộc, bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện vào chiều tối 11/3 trong tình trạng nguy kịch khi hôn mê sâu, sốc thần kinh... Thời gian chìm trong nước quá lâu đã khiến bé bị chết não.

Theo lời người nhà bệnh nhi QA, chiều 11/3, gia đình bé từ quận Bình Thạnh đến một hồ bơi ở phường Phú Hữu, quận 9 chơi.  Khi đang bơi trong hồ, bé bất ngờ chìm sâu xuống đáy. Người nhà cũng không rõ bé chìm xuống nước khi nào.

Tại hiện trường, bé QA đã được hồi sức cấp cứu khoảng 25 phút rồi chuyển vào BV quận 2 và được các bác sĩ tại đây cấp cứu tích cực. Sau đó chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2. 

“Không rõ bé đã bị ngạt nước từ khi nào, nhưng chỉ cần não thiếu ôxy trên 4 phút mà không được xử trí ban đầu đúng cách, bệnh nhi gần như không còn khả năng cứu chữa”, BS Lộc phân tích.

Cũng theo BS Lộc, bệnh viện thường xuyên cấp cứu cho những trường hợp bị đuối nước, cao điểm là vào mùa hè, mùa nắng nóng. Nhiều tai nạn có thể xảy ra bất ngờ, chẳng hạn chỉ cần chúi đầu vào một xô nước nhỏ, trẻ cũng có thể gặp nguy hiểm.

Cạnh đó, xử trí đuối nước ban đầu cho trẻ rất quan trọng. Trước tiên cần tìm cách thông đường thở cho bé. Sau khi đặt bé trên mặt phẳng thì hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim, tim làm sao cho bé ổn định tim mạch, hô hấp rồi mới đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục được cứu chữa. "Người lớn khi đưa con đến các khu vui chơi phải có người quan sát, có đội cấp cứu thường trực. Trong nhà, tất cả vật dụng chứa nước dù không lớn, không sâu đều phải được chú ý để đảm bảo an toàn cho trẻ", BS Lộc khuyến cáo.

Theo tổ chức y tế thế giới , có nhiều nguyên nhân dẫn tới đuối nước, không biết bơi, chơi ở những khu vực nguy hiểm như có ao hồ, sông, suối, chơi ở những hố nước các công trình xây dựng, bể, giếng nước có thành quá thấp, không có nắp đậy, tập bơi ở những nơi không có biển báo an toàn tập bơi quá nhiều khi sức khỏe không đảm bảo, đi ra đường khi ngập nước bị sa chân xuống hố sâu,… Thậm chí nhiều người lớn, bơi giỏi vẫn có nguy cơ đuối nước nếu như lơ là, chủ quan.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước. Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.

Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển. Điều này cũng khá nguy hiểm vì bạn sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng bạn sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến bạn không biết xử lý như thế nào và sẽ bị uống nước nhiều, mất sức. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.

Minh Châu (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang