"Chúng ta đang làm du lịch kiểu hớt váng"

author 12:18 04/05/2013

(VietQ.vn) – Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều bài viết về việc chặt chém khách du lịch. Những câu chuyện này khiến chúng ta phải suy ngẫm, có thực sự những việc này chỉ là những hạt sạn nhỏ trong cuộc sống mà chúng ta không cần phải lưu tâm? Liệu đây chỉ là những sự việc đơn lẻ, hay nó là vấn đề vẫn tồn tại lâu nay?

Sự kiện: Kinh nghiệm du lịch giá rẻ

Theo số liệu thống kê tại một số đơn vị lữ hành lớn như Vietravel, Hanoi Redtours, Saigontourist… lượng khách mua tour trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua tăng mạnh, tập trung nhiều ở các địa phương có tiềm năng du lịch biển. Đơn cử như Vietravel đón được 28.000 khách dịp này - mức tăng trưởng là 25%, còn Hanoi Redtours đã cung cấp dịch vụ cho 5.000 lượt khách, trong đó có 3.000 khách outbound (đưa khách ra nước ngoài) và 2.000 khách nội địa. 

Theo đánh giá chung, việc giảm giá đồng loạt các sản phẩm tour chào hè của các hãng lữ hành lớn đã có tác dụng kích cầu rõ nét đối với thị trường khách trong nước. So với thời điểm này những năm trước, sức mua tour trong và ngoài nước không có sự chênh lệch rõ rệt. Những điểm du lịch nổi tiếng, nơi sở hữu những bãi biển, phong cảnh đẹp như Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né, Đà Nẵng… đã trở thành tâm điểm thu hút khách. 

Đeo bám du khách, hình ảnh thường thấy tại các điểm du lịch.
Đeo bám du khách, hình ảnh thường thấy tại các điểm du lịch.

Đã có sự đánh giá khác nhau về cách thức khai mùa du lịch ở Việt Nam trong vài năm qua. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường từng bày tỏ quan điểm rằng, chúng ta đang làm du lịch theo kiểu chỉ lo mở hội thái quá và rầm rộ, kéo khách đến vài ba ngày còn hiệu quả lâu dài đến đâu thì đến. Cuối cùng, khi lễ hội qua đi, đọng lại ấn tượng ở nhiều nơi là chất lượng dịch vụ yếu kém, môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm du lịch nghèo nàn, du khách bị đeo bám, "chặt chém", bị lừa đảo... Điều đó lý giải vì sao du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách quay trở lại không nhiều. 

Sự đông đúc tại các điểm nghỉ dưỡng trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua đã làm bộc lộ khiếm khuyết nhất định trong công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch. Những ngày qua, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội lan truyền nhiều chuyện ngang tai trái mắt ở một số điểm du lịch nổi tiếng. Chuyện lừa đảo có, trộm cắp có, tăng giá "khét lẹt" có - động thái trục lợi rất rõ ràng trong cách thức "găm" phòng nghỉ để ép khách chịu mức giá cao, tính phí dịch vụ biển ở mức không thể chấp nhận được…

Điều gây quan ngại không nằm ở những sự vụ đơn lẻ do tư nhân cung cấp dịch vụ gây ra, mà ở thông tin trên mặt báo về chuyện ngay cả một số khách sạn hạng… nhiều "sao" cũng có biểu hiện tăng giá bất thường. Nó cho thấy xu hướng "chặt chém" bằng được, bất chấp hậu quả xấu mà du lịch Việt Nam nói chung phải hứng chịu, đã đến mức báo động. Những gì diễn ra trong những ngày qua còn đặt ra câu hỏi về hiệu quả quản lý ngành cũng như sự phối hợp trong chỉ đạo, quản lý, giám sát việc tổ chức hoạt động du lịch giữa ngành và địa phương.

Mới đây, đích danh Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng các quan chức đầu ngành du lịch đã đến gặp và xin lỗi một du khách người Australia. Lý do là du khách này đi xích lô tại Hà Nội khoảng 5km, nhưng người lái xích lô đã ép giá tới 1,3 triệu đồng. Khi nhận lại 1,3 triệu đồng từ Công an phường Hàng Trống, vị du khách đã gửi lại 150.000 đồng để trả công người lái xích lô và cho rằng, bất cứ quốc gia nào cũng có người tốt kẻ xấu. Đây chỉ là một trong những hạt sạn nhỏ mà bà từng gặp.

Ngay sau vụ việc này, chỉ cách đây vài hôm lại xảy ra chuyện Công an quận Cầu Giấy xử lý vụ việc du khách nước ngoài đi taxi 7km, bị tài xế ép trả 980.000 đồng, trong khi thực ra số tiền trên đồng hồ là 98.000 đồng. 

Những câu chuyện này khiến chúng ta phải suy ngẫm, có thực sự những việc này chỉ là những hạt sạn nhỏ trong cuộc sống mà chúng ta không cần phải lưu tâm? Xung quanh vấn đề này chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, sau khi nghe câu chuyện trên, là một người Việt Nam tôi thấy rất xấu hổ về những hành vi của những người lái xích lô và taxi đó.

"Tôi nghĩ rằng một sản phẩm du lịch không chỉ cấu thành bởi những nét đẹp văn hóa, những địa danh du lịch hay dịch vụ mà điều quan trọng đó chính là yếu tố con người. Trong cuộc sống, có nhiều nét ứng xử chúng ta vẫn cho là bình thường. Ví dụ như chúng ta cho rằng đã đi du lịch du khách phải có tiền, mà có tiền bạn phải chấp nhận một giá cao hơn. Từ người làm du lịch cho đến du khách nhiều người cho rằng đó là một chuyện rất đương nhiên và đôi khi mọi người chấp nhận điều đó. Vì vậy, tất cả những suy nghĩ đó dần trở thành một cái nếp, một tâm lý mà mọi người dễ dàng chấp nhận, dễ dàng bỏ qua", chuyên gia Hà chia sẻ.

Theo chuyên gia Hà, những chuyện chặt chém khách không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà có thể tình trạng này còn mang tính phổ biến ở tất cả các vùng du lịch khác nhau. Và điều này rất đáng lo, không chỉ với bộ mặt du lịch mà đối với cả nền văn hóa Việt Nam. Có nhiều người làm du lịch, hay thương mại sẽ coi giá trị tiền bạc cao hơn những giá trị về văn hóa và tôi sợ rằng lâu dần điều này sẽ trở thành một mô hình ứng xử của người Việt Nam chúng ta.

Ông Phạm Mạnh Hà phân tích, cách làm du lịch của chúng ta đang là cách làm hớt váng, tức là chúng ta đang tập trung những thế mạnh sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch, mà chưa đào tạo, chưa xây dựng một sản phẩm du lịch. Do đó, cần phải có sự bắt tay giữa người quản lý với người làm du lịch và cư dân ở những địa phương du lịch. Và những cư dân ở các địa phương du lịch khi nhận được nhiều những lợi ích từ du lịch mang lại, chắc chắn họ sẽ không làm những chuyện như trên.

Để người làm du lịch trở thành đại diện của một quốc gia trước nền văn hóa khác, ngay từ nhỏ những kỹ năng ứng xử văn hóa của bản thân mỗi người phải được hướng dẫn một cách nghiêm túc. Có như vậy lớn lên khi tham gia vào một thị trường lao động nào đó, bản thân mỗi người sẽ biết cách ứng xử với người khác.

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang