Chuối Việt Nam vào Nhật phải đảm bảo 200 chỉ tiêu về chất lượng

author 12:05 07/12/2018

(VietQ.vn) - Đó là chia sẻ của ông Võ Quan Huy, chủ thương hiệu chuối Fohla, người đã xuất khẩu thành công sản phẩm chuối sang thị trường Nhật Bản.

Nhật Bản là một thị trường xuất khẩu rất có giá trị và tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường đứng ở vị trí thứ 2 về rau quả, thứ 3 về thủy sản, cùng với rất nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Đây là một thị trường rất đáng để các doanh nghiệp Việt đầu tư phát triển. Nhưng vào thị trường này, phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Huy Long An - doanh nghiệp xuất khẩu thành công sản phẩm chuối sang thị trường Nhật Bản nhờ đảm bảo được yêu cầu khắt khe về chất lượng

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Huy Long An chia sẻ: "Trước khi ký hợp đồng mua chuối, Công ty của Nhật cử người lui tới với chúng tôi đến 7 lần. Để kiểm tra độ an toàn của trái chuối, họ lấy mẫu sản phẩm, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí về Nhật Bản cả tháng trời rồi gửi qua 230 chỉ tiêu sinh lý - hóa sinh, chỉ tiêu nào cũng đạt yêu cầu. Người Nhật kỹ lưỡng như vậy nhưng tôi biết trái chuối đạt tiêu chuẩn "sạch - đẹp - ngon", tức không có kim loại nặng, không có vi khuẩn gây hại, không dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, không chất kích thích tăng trưởng, đều kích cỡ, khi chín màu vàng ươm, bùi, dẻo, ngọt vừa là xuất khẩu được".

Với cách nghĩ và làm như vậy nên công ty của ông Huy là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đưa được chuối có thương hiệu Fohla vào hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei, Aeon ở Nhật Bản từ tháng 4/2016, không chỉ ở Tokyo mà còn ở các tỉnh Niigata, Chiba... - những tỉnh có nhiều loại nông sản ngon nổi tiếng.

Ông Huy cho biết, chuối muốn vào Nhật Bản, Hàn Quốc phải đáp ứng được trên 200 chỉ tiêu về chất lượng. Theo ông Huy, chỉ tiêu đầu tiên bao quát tất cả là nhật ký sản xuất phải minh bạch, không được “mông má” gì thêm.

“Nếu chúng ta dạy nhân viên mình “mông má”, “sửa đổi”, nghĩa là không minh bạch. Nên làm minh bạch được thì mình sẽ quản trị tốt vấn đề sản xuất”.

Ông Huy cho hay, trong quá trình này, ghi nhật ký sản xuất là việc làm rất quan trọng buộc phải thực hiện. Nhật ký này không phải để đối phó với khách hàng, bởi khách hàng vạch ra từng chỉ tiêu xem mình có gì, có dùng chất này, chất kia không. Hoặc dùng thì cách ly như thế nào…

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, những người làm ăn lớn, họ có nghiên cứu về thị trường, số người này ở Việt Nam chưa nhiều.

Đa số nông dân Việt Nam chỉ nghĩ một điều, năng suất sao cho cao, giá cả sao cho ổn định. Và nông dân còn làm ăn nhỏ lẻ với những mảnh ruộng nhỏ, họ không hình dung được chân dung đối tác của họ là như thế nào. “Khi họ hình dung được đối tác, những yêu cầu của thị trường nhập hàng thì họ sẽ phải thay đổi”, bà Hạnh nói.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, “người làm nông nghiệp Việt Nam nên tuân thủ tự nguyện những tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường quốc tế”.

Đồng tình với điều này, ông Võ Quan Huy cho biết, chính việc tuân thủ tự nguyện các tiêu chuẩn từ đối tác Nhật Bản đưa ra, nên chuối của ông chưa bao giờ bị “trả hàng về”.

“Chỉ duy nhất một trường hợp khi đưa chuối qua Nhật, họ khui hàng ra, có thấy cuống dài quá, khi đóng hàng bị gãy cuống, và trường hợp nữa là công nhân xếp chuối bị ngấn với trái khác. Như thế thôi, đối tác cũng phản ánh với mình”.

Tôi phải kiểm tra lại quy trình mà công nhân làm, tìm cách khắc phục, và ngay hôm sau tức tốc bay qua Nhật để kiểm tra, ông Huy cho biết.

“Khi qua đó, họ đón chào mình bằng sự kính trọng, bởi họ cho rằng mình có trách nhiệm với trái chuối của mình”.

Từ đây, ông Huy khuyên bà con nông dân, phải chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn của mình sau khi đã xây dựng được. Có như thế đối tác mới thấy doanh nghiệp đang bảo vệ mình và bảo vệ khách hàng của họ.

Về vấn đề này, ông Huy cho rằng, phải làm được một quy trình khép kín, tuân thủ chặt chẽ những quy định. Hiện nay, ông Huy đang dùng quy trình này để hợp tác với bà con nông dân.

Ông cho biết, “như khu vực Trảng Bom (Đồng Nai), cái nôi của cây chuối, nếu lấy chuẩn của Huy Long An đưa vào, cùng với kinh nghiệm trồng chuối của bà con Đồng Nai thì câu chuyện giải cứu chuối sẽ kết thúc”.

Nông sản chuẩn chất là số 1Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông sản thực phẩm, nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên bản địa cộng với tác động của công nghệ là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Uyên Chi (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang