'Chuồng cọp': Bẫy chết người trong các nhà ống ở thành phố

authorMinh Hà 07:18 24/07/2017

(VietQ.vn) - Đây cũng là một lời cảnh tỉnh cho nhiều người đang sống ở các ngôi nhà cao tầng khi nghĩ rằng có chuồng cọp là yên tâm.

Việc dựng chuồng cọp không còn lạ ở các ngôi nhà cao tầng, khu tập thể và khu chung cư ở Hà Nội với mục đích cơi nới thêm tăng diện tích sinh hoạt của căn hộ.

Mặt khác, chuồng cọp được dựng lên với lý do che chắn đảm bảo an toàn khi gia đình có trẻ nhỏ để các bé không leo trèo lên lan can và rơi xuống phía dưới. Nhiều gia đình cũng tránh tình trạng bị kẻ trộm xâm nhập từ ban công vào nhà.

Mặc dù có nhiều lợi ích cho gia chủ, nhưng chuồng cọp cũng chính là "cái bẫy chết người", bởi nó rất nguy hiểm khi xảy ra cháy, đặc biệt nếu ngọn lửa bắt đầu ở khu vực tầng 1 thì nguy cơ bị nhốt bên trong là rất lớn khi lối ra duy nhất bị bít kín.

Mới đây, vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ở ngõ 41 phố Vọng (P.Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) hôm 19/7 là một ví dụ.  Đám cháy được phát hiện bắt nguồn từ tầng 1, trong nhà lúc này có 4 người, nhưng chỉ có duy nhất 1 người kịp thoát ra ngoài theo lối cửa chính, 3 nạn nhân còn lại mắc kẹt ở tầng 3. Điều đáng nói, tất cả các tầng cao của ngôi nhà này đều bịt kín bởi “chuồng cọp”. Đội cứu hộ đã dùng kìm thủy lực cắt các song sắt ở tầng 3 nhưng chỉ giải cứu được 1 người, 2 người còn lại đã tử vong do ngạt khói.

Hiện trường vụ cháy căn nhà 4 tầng ở phố Vọng hôm 19/7. Ảnh: Zing

Trước đó, hôm 13/7, một vụ cháy khác xảy ra tại ngôi nhà 3 tầng, ngõ 205 đường Xuân Đỉnh (P.Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) khiến cả một gia đình tử vong. Thời điểm đó, cả 4 người trong nhà đều phát hiện cháy nhưng không thể thoát ra ngoài, do mặt tiền tầng 2, 3 không có lối thoát hiểm. Cửa sổ được hàn song sắt kiên cố. Lối lên tầng tum cũng bị khóa chặt. Hàng xóm đã nỗ lực phá cửa chính để cứu các nạn nhân nhưng bất thành. Khi lực lượng Cảnh sát chữa cháy đến ứng cứu thì cả 4 người đã tử vong do ngạt khói.

Với thiết kế chắc chắn của các chuồng cọp tự tạo như vậy, khi có sự cố cháy nổ xảy ra trong căn hộ, các nạn nhân sẽ khó có thể thoát ra được,  trong khi đó, phía ngoài, lực lượng chức năng sẽ rất khó khăn để tiếp cận đám cháy.

Bốt điện có thể 'nổ như bom', người dân vẫn thờ ơ sống bên cạnh(VietQ.vn) - Mặc dù đã có những cảnh báo “cấm sờ”, “cấm đến gần” nhưng cảnh tượng “dùng” bốt điện hay gần cột điện là nơi nghỉ chân, nơi bán hàng… diễn ra phổ biến.

Nói về mối nguy hiểm từ những chuồng cọp ở nhà cao tần, trao đổi trên báo Thanh niên, Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) đơn vị trực tiếp chữa cháy vụ hỏa hoạn ở phố Vọng cho biết, ngôi nhà xảy ra cháy chỉ có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính. Ở mặt tiền các tầng đều hàn khung sắt dạng “chuồng cọp” rất chắc chắn, gây khó khăn cho việc chữa cháy và thoát hiểm của những người ở trong nhà.

Lối thoát hiểm của các căn hộ cao tầng bị bịt kín bởi "chuồng cọp". Ảnh: Gia đình & xã hội

Liên quan đến vụ việc, PGS-TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH PCCC (Bộ Công an) khuyến cáo  người dân nên chủ động mở các lối thoát hiểm ở ban công, không nên bịt kín. Các gia đình nên lắp đặt các thiết bị báo cháy trong nhà để phát hiện vụ cháy sớm nhất, bởi đa phần các vụ cháy vào ban đêm, người dân chỉ phát hiện ra khi thấy hơi nóng và khói bốc lên phòng ngủ.

Ông Xiêm cũng lưu ý, các nhà dân liền kề nên bàn bạc với nhau để tạo ra các lối thoát hiểm thông thoáng ở ban công từ nhà này sang nhà khác, đề phòng trường hợp xảy ra hỏa hoạn, có thể trợ giúp nhau.

Minh Hà (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang