Chương trình 712 đồng hành cùng doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc

author 06:26 22/11/2020

(VietQ.vn) - Nhờ những hoạt động thiết thực được triển khai, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào năng suất tại nhiều địa phương trên cả nước.

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã được Bộ Khoa học & Công nghệ tham mưu, soạn thảo và Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt ngày 21 tháng 5 năm 2010 tại Quyết định số 712/2010/ QĐTTg. Trong khuôn khổ chương trình này, từ giai đoạn 2010-2015, các dự án về năng suất chất lượng (NSCL) tại các địa phương trên cả nước đã lần lượt được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt.

Theo Ban điều hành Chương trình 712, trải qua gần 10 năm triển khai, các dự án nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương trên cả nước nói chung và tại các tỉnh miền Bắc nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu. Ngay sau khi các dự án NSCL địa phương được phê duyệt, Ban điều hành, Ban Chỉ đạo đã cùng tổ công tác chuyên môn nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án theo từng giai đoạn.Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban điều hành, Ban Chỉ đạo, tổ công tác.

Hàng trăm doanh nghiệp tại các tỉnh miền Bắc được hưởng lợi từ chương trình nâng nâng cao NSCL tại địa phương.Ảnh minh họa

 

Tính riêng giai đoạn từ 2016- 2019 (giai đoạn các chương trình NSCL địa phương được triển khai mạnh mẽ, bắt đầu đi vào chiều sâu), các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Chương trình 712, dự án NSCL địa phương đã được tổ chức một cách đa dạng, phong phú cả về nội dung và hình thức (hội nghị, hội thảo, phóng sự, tọa đàm, viết bài, đăng bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài địa phương, website của Sở KH&CN..).

Giai đoạn này cũng đã có hàng trăm hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về NSCL, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) được tổ chức với sự tham dự của hơn 6.000 lượt đại biểu. Hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn về NSCL, GTCLQG và các nội dung liên quan khác cũng được tổ chức cho gần 12.000 lượt cán bộ các sở, ban ngành, doanh nghiệp tại địa phương.

Bên cạnh các hoạt động điều tra, khảo sát thực trạng doanh nghiệp, các địa phương còn chủ động tổ chức tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện dự án NSCL tại doanh nghiệp, hướng dẫn khoảng 1.500 lượt doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL), mô hình, công cụ cải tiến NSCL; áp dụng TCVN, QCVN; chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng áp dụng TCCS; tham gia GTCLQG, áp dụng các biện pháp sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ…

Qua gần 10 năm triển khai thực hiện các dự án về NSCL tại địa phương, Ban điều hành Chương trình 712 đánh giá cao và nêu bật thành tựu của một số địa phương điển hình tại miền Bắc như Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Bắc Ninh, Quảng Ninh…

Cụ thể, tại Hà Nội, tính trong giai đoạn 2016-2017 đã phê duyệt hỗ trợ cho 60 doanh nghiệp về triển khai, áp dụng các HTQLCL như ISO 14000, ISO 22000. Năm 2018, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 2439/QĐ-UBND ngày 21/5/2018 về việc phân bổ kinh phí hỗ trợ triển khai áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 14000, 1SO 22000 đối với các đơn vị trên địa bàn với kinh phí 03 tỷ đồng cho 50 doanh nghiệp.

Tính chung trong giai đoạn 2016-2019, Hà Nội còn triển khai nhiều hoạt động khác như hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp triển khai áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; hỗ trợ 7 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã được hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới công nghệ thực hiện 8 nhiệm vụ KH&CN (2 đề tài và 6 dự án sản xuất thử nghiệm) với tổng kinh phí là 44.655 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ là 16.110 triệu đồng, chiếm 30% tổng kính phí thực hiện dự án…

Tại Nam Định, trong giai đoạn 206-2019, chương trình đã hỗ trợ cho 104 lượt doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất (áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống, mô hình, công cụ cải tiến NSCL; tham dự GTCLQG; ứng dụng đổi mới công nghệ; sở hữu trí tuệ...).

Còn tại Sơn La, cũng trong giai đoạn 2016-2019 đã tổ chức 12 khóa đào tạo nhận thức chung về HTQLCL theo TCVN ISO 9001 cho 610 học viên là cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn 11 huyện và thành phố Sơn La; đào tạo 2 chuyên gia đánh giá các chỉ tiêu chất lượng, 04 lượt cán bộ về NSCL, 02 chuyên gia về kỹ năng tính chỉ số TFP.

Trong khuôn khổ các dự án NSCL địa phương, nhiều sản phẩm chủ lực của các tỉnh miền Bắc được hỗ trợ phát triển quy mô, ứng dụng công nghệ. Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ xây dựng 1 tổ chức chứng nhận sản phẩm, đào tạo 05 chuyên gia chứng nhận sản phẩm; hỗ trợ 03 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng và đánh giá chứng nhận HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 vào hoạt động, hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015…

Theo đánh giá chung của Ban điều hành Chương trình 712, mặc dù việc triển khai dự án NSCL địa phương còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn hẹp, quy mô chưa lớn, sự quan tâm, chủ động của doanh nghiệp còn hạn chế, tuy nhiên, hiệu quả triển khai dự án là rõ nét.

Cùng với hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) trên địa bàn, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL đã khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của hoạt động TCĐLCL ở địa phương, gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất và đời sống. Những kết quả đã đạt được chính là nền tảng để các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng cho những kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo.

Chương trình cũng góp phần tạo lập nền tảng cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, từ cơ chế, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho đến mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp; từ các giải pháp NSCL vĩ mô áp dụng cho nền kinh tế, ngành, địa phương cho đến các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL cụ thể áp dụng trong doanh nghiệp.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang