Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Thầy cô giáo còn gì băn khoăn?

author 17:13 26/04/2017

(VietQ.vn) - Liên quan đến dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các thầy cô giáo, những người sẽ trực tiếp tạo nên sự thành công cho lần đổi mới này vẫn còn khá nhiều băn khoăn.

Theo thông tin trên báo Vietnamnet, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến sẽ đưa vào nhà trường từ năm học 2018 - 2019 được đánh giá là có mục tiêu hoàn hảo, cách tiếp cận hiện đại, với nhiều kỳ vọng sẽ thay đổi những bất cập của giáo dục hiện nay. Một trong những băn khoăn phổ biến nhất khi áp dụng chương trình này là sự sẵn sàng, đồng thuận và khả năng thích ứng của đội ngũ giáo viên đến mức độ nào.

Báo Thanh niên đưa tin, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: “Triết lý mới về dạy học toán trong chương trình mới đầu tiên là phải tinh giảm, chỉ đưa vào những gì cốt lõi nhất, thiết thực nhất. Toán học phải cho mọi người và mọi người đều có quyền tiếp cận với toán học, để dùng toán học như một công cụ phục vụ cuộc sống. Chương trình toán phải hiện đại, sáng tạo, khuyến khích được sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của người học”.

Giáo sư Đỗ Đức Thái cũng khẳng định: "Chúng tôi quan niệm môn toán trong chương trình mới không phải là để đào tạo ra mấy ông đi thi học sinh giỏi, ra các Giáo sư toán học mà là phải phục vụ cho 1 triệu học sinh mỗi lứa, phải tạo ra phương tiện để người học có thể sử dụng phương tiện đó phục vụ cho cuộc sống suốt cả đời".

 Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống nêu những thay đổi về môn ngữ văn, môn học có thời lượng lớn nhất trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Báo Thanh niên

 Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống nêu những thay đổi về môn ngữ văn, môn học có thời lượng lớn nhất trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Báo Thanh niên

Theo thông tin trên báo Dân trí, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên môn văn  trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết số lượng tiết học của môn này chiếm 18,75% thời lượng của cả 3 cấp học, cao nhất so với các môn. Nội dung lý luận văn học và lịch sử văn học không còn được dạy theo kiểu hàn lâm mà thay vào đó sẽ xây dựng theo hướng mở, chỉ quy định một số tác phẩm lớn; còn lại gợi ý danh sách các tác phẩm khác để giáo viên chủ động chọn lựa.

Nếu muốn đạt được những mục tiêu mới này, Phó Giáo sư Thống cho rằng điều quan trọng nhất là cách dạy của giáo viên. Giáo viên sẽ giúp cho học sinh tiếp cận, kết nối và liên hệ từ bài học trong sách với cuộc sống hiện tại, cần chuẩn bị cho việc tiếp cận nhiều tài liệu, phương tiện dạy học khác nhau.

Trả lời phóng viên báo Pháp luật Việt NamTS. Phan Thị Luyến - Hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm cho rằng, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố có nhiều điểm mới nhưng với các trường rất khó thực hiện. Nhìn vào bảng kế hoạch giảng dạy, kế hoạch giáo dục các cấp thì chương trình này, lớp 8, lớp 9, lớp 10 là 30 tiết, tức 5 tiết/ngày. Ở các trường có giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp thì sẽ nằm ở đâu? 

Mặc dù theo TS. Phan Thị Luyến, điểm cộng lớn nhất của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là định hướng nghề nghiệp thể hiện khá rõ trên văn bản. Nhưng trong chương trình này, lớp 10 là 15 môn, nhiều hơn hiện nay. Lớp 11, lớp 12 có 6 môn bắt buộc, rồi 3 môn tự chọn, chuyên đề tự chọn. Khi nhìn vào chúng tôi thấy Mỹ thuật 3 tiết/tuần, Âm nhạc 3 tiết/tuần. Từ trước tới nay ở chương trình trung học phổ thông không hề có hai môn này. Vì thế về giáo viên các trường hoàn toàn từ số 0. 

 Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên. Ảnh minh họa

 Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên. Ảnh minh họa

TS. Phan Thị Luyến cũng băn khoăn về môn học tự chọn và bắt buộc, các trường sẽ phải thực hiện điều này như thế nào. Ví dụ môn âm nhạc có 2 học sinh, mỹ thuật có 3 học sinh, vậy các nhà trường khi đó có đáp ứng được điều kiện của học sinh không? Hay sẽ là trường nào có điều kiện như thế nào học sinh sẽ phải chọn như thế? Hay học sinh chỉ có thể chọn theo hai tổ hợp: Khoa học xã hội, hoặc Khoa học tự nhiên như trước đây? Không những thế, với mỗi năm học, học sinh đăng ký tỷ lệ khác nhau thì đội ngũ giáo viên các trường sẽ xử lý ra sao? Năm nay học sinh chọn môn Sử nhiều chẳng hạn, chúng tôi phải tuyển thêm giáo viên môn Sử. Nhưng năm sau, các em không chọn Sử mà chọn Vật lý đội ngũ giáo viên Lịch sử thừa sẽ làm thế nào? Chưa kể môn Âm nhạc, Mỹ thuật theo yêu cầu 3 tiết/tuần, đến giờ, chưa có giáo viên nào cả. Nếu cấp tập tuyển một lứa nào đó không có kỹ năng sư phạm vào trường cũng rất khó.

Trong khi đó, Trả lời PV báo Dân trí, cô giáo Nông Thị Chiến, Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội lại cho rằng:  "Tôi đọc dự thảo và thấy rằng, khung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tương đương với khung chương trình của các nước trên thế giới. Điều này tạo điều kiện cho học sinh đạt được phẩm chất và năng lực theo yêu cầu". 

Với khung phẩm chất và năng lực mới như trong dự thảo, học sinh có thể dễ dàng hòa nhập, trở thành công dân toàn cầu. Với các nhóm phẩm chất và năng lực được đề ra rõ ràng giúp giáo viên thiết kế hoạt động học tập của bộ môn phù hợp với từng vùng miền để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình học tập và giảng dạy.

Tuy nhiên, điều băn khoăn ở đây là cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn bị lệch khi lớp 10 vẫn phải dạy các môn học cơ bản. Điều nàysẽ gây khó khăn đối với học sinh có nguyện vọng đi du học hoặc học sinh học chương trình song ngữ quốc tế.

Ngoài ra, học sinh vẫn chịu áp lực chuyển cấp (từ lớp 9 lên lớp 10). Cần tăng cường cho học sinh trau dồi các nhóm năng lực theo định hướng nghề nghiệp hoặc tăng cường cho học sinh trải nghiệm các nhóm nghề nghiệp khác nhau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Hội đồng về giáo dục và phát triển nhân lực(VietQ.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Báo VietNamNet đưa tin, Hiệu trưởng một trường ở Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) lại cho rằng nhiệm vụ của mỗi giáo viên là cập nhật, đổi mới từng ngày, nhưng nếu đổi mới toàn diện thì phải có quá trình chứ không thể làm ngay được.

“Nếu đùng một cái, bị ụp lên đầu chương trình mới thì chúng tôi không biết xoay xở thế nào. Tất nhiên việc dạy thì phải dạy, học thì phải học nên cuối cùng học sinh là người lĩnh đủ", cô Hiệu trưởng cho biết.

Ánh Ngân (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang