Chương trình phối hợp KH&CN phát huy tác dụng

author 08:46 03/02/2014

Chương trình phối hợp đã được các tỉnh, thành Đoàn, các Sở KH&CN và đông đảo đoàn viên, thanh niên trong cả nước tích cực hưởng ứng triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Sau gần 3 năm thực hiện (tháng 4/2011 – 12/2013) , tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2011 – 2015” giữa Bộ KH&CN và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng và đạt được nhiều kết quả bước đầu ấn tượng

Chú trọng công tác đào tạo

Báo cáo kết quả sau gần 3 năm thực hiện, ông Phạm Công Tạc – Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho biết, với mục tiêu là Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, Chương trình phối hợp đã được các tỉnh, thành Đoàn, các Sở KH&CN và đông đảo đoàn viên, thanh niên trong cả nước tích cực hưởng ứng triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định.

Để giúp thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số tiếp cận khoa học và công nghệ, các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn cho thanh niên.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành Đoàn, trong gần 3 năm qua, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức được 9.416 lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, thu hút 818.544 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; thành lập và duy trì 41.992 tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi; tạo điều kiện cho 273.195 lượt đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển sản xuất.

Nổi bật là tỉnh đoàn Đồng Tháp triển khai xây dựng 50 Tổ hợp tác kinh tế thanh niên tại 50 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đẩy mạnh xã hội hóa hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế cho thanh niên. Thành đoàn Hà Nội tổ chức Festival thanh niên nông thôn Thủ đô lần thứ 2 năm 2012, tuyên dương 20 mô hình và 55 cá nhân thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, ... Tỉnh Bình Định tổ chức 450 lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho trên 12.000 lượt thanh niên. Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức 887 lớp cho 53.368 thanh niên. Tỉnh đoàn Lạng Sơn tổ chức 120 lớp, cho 3.600 lượt thanh niên, … Đặc biệt là Tỉnh đoàn Thái Nguyên, ngoài việc tập huấn về KH&CN còn phối hợp với Sở KH&CN Thái Nguyên tổ chức 04 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ cho 400 cán bộ đoàn cơ sở và các chủ mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của thanh niên.

Thông qua hoạt động này đã góp phần hình thành một lớp thanh niên mới, nắm bắt được kiến thứcKHKT, năng động và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nét mới trong giai đoạn hiện nay là mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ cộng tác viên, nhưng nhiều tỉnh, thành Đoàn đã tập trung vào việc tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ năng khai thác và tìm kiếm thông tin khoa học và công nghệ trên internet.

Cũng thông qua Chương trình phối hợp, nhiều địa phương đã mở rộng, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công... lập kế hoạch tập huấn, đào tạo, xây dựng các mô hình ứng dụng chuyển giao, cung cấp thông tin, tuyên truyền, các tài liệu về KHKT. Các tỉnh, thành Đoàn thực hiện có hiệu quả, như Đồng Nai, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Định, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Bình Thuận, Lạng Sơn, Bình Dương, Kiên Giang, …

Trung ương Đoàn đã trực tiếp tổ chức 15 lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức về KH&CN” cho gần 2.500 cán bộ, đoàn viên thanh niên nông thôn và miền núi làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho thanh niên và nhân dân tại cơ sở. Nội dung tập huấn tập trung vào việc trang bị những kiến thức cơ bản về khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào thực tiễn cuộc sống như chăn nuôi, trồng trọt, chọn tạo các loại giống mới thích hợp, công tác bảo quản sau thu hoạch, các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến thông tin KH&CN cho thanh niên. Các lớp tập huấn đã mang lại những kiến thức bổ ích, thiết thực, tạo cơ hội cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận, ứng dụng và nhân rộng tại địa phương, cơ sở.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển KH&CN&TNT phối hợp với Nhà xuất bản Thanh niên biên tập và phát hành 08 đầu sách về KH&CN (mỗi đầu sách 1.000 bản), giới thiệu về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cây, con; bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; phương pháp phòng trừ dịch bệnh… cung cấp cho thanh niên.

Hiệu quả thiết thực

Gần 3 năm qua, tổ chức Đoàn trong cả nước tiếp tục duy trì hoạt động hàng ngàn điểm trình diễn kỹ thuật với sự tham gia đông đảo đoàn viên thanh niên, củng cố và đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật trẻ”, câu lạc bộ “Sáng tạo trẻ”, câu lạc bộ khuyến nông, khuyến công, các mô hình trình diễn kỹ thuật… thu hút hàng triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia. Các mô hình này đã tạo điều kiện, môi trường để thanh niên cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức thường xuyên Hội thi tay nghề, thi thợ giỏi được đông đảo thanh niên tham gia hưởng ứng.

Hai đơn vị cũng đã phối hợp triển khai hàng trăm mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong đoàn viên thanh niên, trong đó cấp Trung ương triển khai xây dựng 12 mô hình. Các mô hình đều tập trung vào việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới, thử nghiệm giống, cây con mới, cũng như phương thức canh tác, kỹ thuật nuôi trồng mới,…

Đặc biệt, các mô hình đều gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế  cao và đều gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, cũng như lồng ghép với các chương trình khác, như: vay vốn giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... Một số mô hình đã mang lại hiệu quả và bước đầu, hiện đang được phổ biến rộng rãi cho thanh niên. Nổi bật như dự án “Cung cấp thông tin KH&CN cho thanh niên các tỉnh Bắc Trung Bộ”, thuộc Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn và miền núi”; dự án “Xây dựng mô hình cung cấp thông tin KH&CN cho thanh niên các tỉnh đồng bằng Sông Tiền” và dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Tài năng trẻ khoa học và công nghệ Việt Nam”, đến nay đã hoàn thành các nội dung cơ bản và đang tiến hành chạy thử.

Theo đánh giá của hai đơn thì trong gần 3 năm qua, Chương trình phối hợp đã tạo được cơ chế phối hợp hoạt động trong hệ thống quản lý của hai ngành từ Trung ương tới địa phương, từng bước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thanh niên trong việc học tập, nghiên cứu, tiếp thu tiến bộ khoa học và công nghệ để ứng dụng vào sản xuất và đời sống. 
Hai ngành đã chủ động trong việc tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp, các địa phương đã cụ thể hóa được nội dung phối hợp của Trung ương vào điều kiện cụ thể phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Chương trình phối hợp đã tạo được sự quan tâm, hưởng ứng không chỉ của hai ngành, mà còn có sự tham gia của các Bộ, ngành khác (thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường), một số chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là của đông đảo đoàn viên thanh niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, chia sẻ. 

Theo CESTC

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang