Chương trình quốc gia về năng suất chất lượng hướng đến sự đổi mới

author 15:06 28/09/2016

(VietQ.vn) - Sáng nay (28/9), Tổng cục TCĐLCL tổ chức hội thảo “ Đổi mới, nâng cao hiệu quả triển khai giai đoạn II về Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng”.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tham dự hội thảo có Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Trần Văn Vinh, các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Tổng cục, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục và các chuyên gia .

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn I chương trình Quốc gia 712 và phương hướng đẩy mạnh triển khai giai đoạn II; Tham luận các chương trình chủ trì nhiệm vụ của Viện Năng suất Việt Nam, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam; Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 1 và 2; Trung tâm Đào tạo; Trung tâm Quavert; Tạp chí Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Trung tâm HwC… về kết quả triển khai vác hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ của Chương trình 712 và tham thuận của các chuyên gia; đại biểu khách mời về định hướng, nội dung, nhiệm vụ, biện pháp và giải pháp triển khai giai đoạn II của chương trình…

 Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh phát biểu tại hội thảo

Thông qua Hội thảo,  Ban tổ chức đã đánh giá lại kết quả thực hiện Giai đoạn I Chương trình quốc gia nâng cao năng suất Chất lượng. Theo đó, ngay sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, các Bộ, địa phương đã chủ động xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt các dự án thành phần thuộc Chương trình.

Các Bộ, ngành tổ chức xây dựng và trình Bộ KH&CN công bố 4.485 TCVN, vượt mục tiêu đề ra 112%. Nâng tổng số TCVN lên trên 8.800 TCVN cho 98 lĩnh vực tiêu chuẩn; tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 45%.

Tổ chức được hơn 200 khóa đào tạo tập trung, đào tạo qua mạng cho khoảng 10.000 học viên là cán bộ, chuyên gia tư vấn, giảng viên NSCL.

Theo kết quả báo cáo tại  hội nghị, đã có khoảng 800 doanh nghiệp hoàn thành việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL vào doanh nghiệp mình. Trong đó có các doanh nghiệp đã áp dụng thành công, có thể trở thành điển hình để các doanh nghiệp đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hội nghị cũng đưa ra những khó khăn, vướng mắc từ thực tế triển khai Chương trình. Cụ thể: Tiến độ xây dựng, phê duyệt dự án NSCL ngành, địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Nhiều dự án quy mô còn quá nhỏ chưa thực sự tương xứng với quy mô của dự án thuộc Chương trình quốc gia. Lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động nâng cao NSCL trong phạm vi quản lý, chưa chỉ đạo sâu sát việc xây dựng, thực hiện dự án năng suất chất lượng ngành, địa phương. Trách nhiệm tham mưu của các cơ quan chức năng của Bộ, Sở KH&CN ở địa phương còn chưa đầy đủ.

Việc triển khai Chương trình, dự án ở một số ngành, địa phương còn lúng túng. Sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động nâng cao NSCL còn chưa chủ động, tích cực. Nguyên nhân của mặt hạn chế nêu trên là do bản thân doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của “năng suất chất lượng”, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh. Mặt khác, đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất cũ, còn yếu kém về trình độ quản lý sản xuất, nên chưa tin tưởng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL.

Ngoài ra, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia NSCL còn hạn chế. Kinh phí đầu tư cho Chương trình còn hạn hẹp; nhiều địa phương không có điều kiện đầu tư hoặc chưa ưu tiên đầu tư kinh phí cho Dự án. Các dự án hầu hết sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học, chưa huy động được các nguồn kinh phí khác, vai trò, trách nhiệm và vốn đối ứng của doanh nghiệp tham gia dự án chưa nhiều.

 Quảng cảnh hội thảo

Bên cạnh đó hội nghị cũng nhận được những ý kiến của các chuyên gia, đại biểu khách mời về định hướng, nội dung, nhiệm vụ, biện pháp , giải pháp triển khai giai đoạn 2 của Chương trình.

Theo đó, trong thời gian tới, ngoài những mục tiêu của giai đoạn II trong chương trình đề ra, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền liên tục, sâu rộng với nội dung thiết thực, cụ thể về NSCL, đặc biệt tập trung vào đối tượng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao NSCL, doanh nghiệp sẽ chủ động tiếp thu và thực hiện các giải pháp cải tiến NSCL một cách có hiệu quả. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động NSCL, huy động sự tham gia của các đoàn thể, hiệp hội, các hội, của mọi tổ chức và cá nhân vào hoạt động NSCL, lấy chất lượng làm chuẩn mực của mọi hoạt động, xây dựng nền văn hoá chất lượng của Việt Nam.

Cần thiết phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát và động viên, khuyến khích kịp thời của Lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương. Bởi thực tế cho thấy những địa phương, doanh nghiệp có được thành công trong phong trào, hoạt động NSCL, thì cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương, doanh nghiệp đó thực sự đã quan tâm đến vấn đề NSCL và gương mẫu thực thi trách nhiệm, sự cam kết của mình đối với hoạt động nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi quản lý. Thời gian tới, cần thiết phải hình thành các chương trình, các phòng chuyên môn về NSCL ở các tập đoàn, các tổng công ty lớn của Nhà nước.

Đẩy mạnh đào tạo, NSCL đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng. Phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình với các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội khác của các Bộ, ngành, địa phương có cùng mục tiêu là NSCL, chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của ngành, địa phương để hiệu quả của hoạt động được nâng lên hơn nữa.

Hà Thủy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang