'Chương trình Sáng tạo Việt' chắp cánh cho nhiều sáng chế tiền tỷ

authorBảo Anh 16:40 20/05/2016

(VietQ.vn) - Thông qua show game truyền hình, 100 sáng chế đã được giới thiệu, 75 sáng chế trong số đó đã được ứng dụng và tiếp cận nguồn thu.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

'Chương trình Sáng tạo Việt' chắp cánh cho nhiều sáng chế thu tiền tỷ

Hội đồng nghiệm thu Dự án " Chương trình Sáng tạo Việt"

Ngày 19/5 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành tổ chức nghiệm thu dự án “Chương trình Sáng tạo Việt”.

Theo chủ nhiệm án, trong 2 năm đã tổng hợp được 400 sáng chế/ giải pháp hữu ích trên khắp mọi miền tổ quốc có tiềm năng ứng dụng, từ đó lựa chọn ra 100 sáng chế/ GPCN tiêu biểu có tính ứng dụng cao để giới thiệu trong chương trình “Sáng Tạo Việt”.

Sáng chế bạc tỉ của anh Hai LúaĐang lội đồng thăm ruộng, nhận được điện thoại, ông Phạm Hoàng Thắng quày quả trở vô nhà chuẩn bị hành lý đi Hà Nội thực hiện thỏa thuận nhượng quyền sáng chế.

Trong số 100 sáng chế tham gia giới thiệu trong chương trình, đến thời điểm hiện nay đã có 75 sáng chế/GPCN đang trong quá trình thương mại hóa và thu được những hiệu quả kinh doanh cao.

Việc truyền thông sáng chế trên chương trình “Sáng Tạo Việt” đã góp phần quan trọng để quảng bá, giới thiệu cho cộng đồng nhà đầu tư, khách hàng, đối tác biết đến và quan tâm mua sản phẩm, hợp tác chuyển giao công nghệ điển hình như: GPCN Dược phẩm từ cây Trinh nữ hoàng cung và viên thuốc Crila (tác giả: TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty Dược phẩm Thiên Dược) được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh tại Việt Nam và xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới, hiện tại doanh thu công ty đạt trên 50 tỷ đồng/ năm;

Máy gặt đập liên hợp (tác giả: Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty Nhựa Hoàng Thắng) cũng được ứng dụng hiệu quả trong nông nghiệp, hiện tại doanh thu công ty đạt trên 30 tỷ/ năm;

Lò đốt chất thải rắn BD - ANPHA (tác giả: Đàm Thị Lan, Công ty TNHH MTV Đức Minh cùng các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng được ứng dụng ở nhiều địa phương và đạt doanh thu trên 10 tỷ...

Theo PGS-TS Lê Ngọc Tòng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khi việc xã hội hóa các sáng chế được phổ biến thì tính hiệu quả, lợi ích mang lại rất lớn về mặt xã hội và kinh tế.

"Khi các sáng chế được phổ biến trên truyền hình sẽ tạo nên hiệu ứng xã hội, kích thích mọi tầng lớp sáng chế, từ đó sẽ có nhiều sáng chế được bảo hộ. Tuy nhiên, chương trình cần phải hấp dẫn hơn nữa, tạo hiệu ứng cho xã hội từ đó chắp cánh cho các phát minh, sáng chế đến gần hơn với đời sống", PGS-TS Lê Ngọc Tòng nêu quan điểm.

'Chương trình Sáng tạo Việt' chắp cánh cho nhiều sáng chế thu tiền tỷ

Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao kết quả của dự án

Đánh giá về sự thành công của dự án, ông Phan Ngân Sơn, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, chương trình có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Cục sở hữu trí tuệ đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tác giả sáng chế/ GPCN trong việc hoàn thiện, thương mại hóa các sáng chế vào cuộc sống và trong sản xuất kinh doanh.

Việc Chương trình Sáng tạo Việt được nghiệm thu thể hiện sự nỗ lực không nhỏ của đơn vị chủ nhiệm dự án. Mặc dù không phải tất cả các sáng chế được giới thiệu đều đã được đăng ký bảo hộ, nhưng dự án đã giúp cho Cục sở hữu trí tuệ truyền thông được mục tiêu của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

"Bên cạnh các giải pháp, sàn giao dịch kết nối công nghệ, dự án là một hình thức kết nối những nhu cầu của cá nhân, tổ chức ứng dụng các giải pháp hữu ích vào sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế", ông Sơn nhấn mạnh.

TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Chương trình Sáng Tạo Việt đã có tác dụng rất tích cực cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ hội nhập. Chương trình đã giúp khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của tầng lớp tri thức trẻ, đặc biệt là các sinh viên và giảng viên các trường đại học, nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên cả nước.

"Chương trình là diễn đàn phản biện xã hội sôi động, là cầu nối hiệu quả giữa nhà khoa học, nhà sáng chế với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo của mọi người dân cũng như các doanh nghiệp, thúc đẩy các nhà khoa học, nhà sáng chế, tổ chức nghiên cứu tạo ra các sản phẩm sáng tạo có tiềm năng ứng dụng và thương mại hóa. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quá trình hình thành, ra đời và phát triển những doanh nghiệp khoa học và công nghệ mới", TS Phạm Hồng Quất cho biết.

Nằm trong Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ, dự án “Chương trình Sáng Tạo Việt” ra đời là một phương thức truyền thông mới về ứng dụng, phát triển những thành tựu về khoa học công nghệ. Chương trình được phát động và thực hiện rộng rãi dưới hình thức một gameshow truyền hình dành cho mọi đối tượng đặc biệt là giới trí thức trẻ.

Sau thời gian 4 năm triển khai, Chương trình “Sáng Tạo Việt” đã trở thành diễn đàn giao lưu, chia sẻ bổ ích về khoa học và công nghệ, là động lực thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ cho các cá nhân, tổ chức thuộc mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước, đồng thời hỗ trợ, kết nối các tác giả sáng chế/giải pháp công nghệ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp.

 >> Bùng nổ sáng tạo trong đêm chung kết IP Challenge 2016

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang