Chuyện chàng đạo diễn đi trồng rau tử tế

author 11:16 30/06/2016

(VietQ.vn) - "Chọn chữ Tám Khỏe cũng chính là mong ước giúp cho mọi người ăn khỏe, ngủ khỏe, thể chất khỏe, tinh thần khỏe, và cả… yêu khỏe nữa!"

d

Đam mê điện ảnh mà lại đi làm truyền hình. Làm truyền hình mà vẫn cứ đau đáu đam mê điện ảnh. Lập công ty truyền thông để nuôi ước mơ nhưng... phá sản.

Rồi lại sang ngang, bán xe Mercedes để làm sau sạch. Thay vì ở phim trường, nửa đêm, người nghệ sĩ đi ra vườn bắt sâu, canh bướm, đuổi ruồi. Sụt mất 6 ký, nhưng vẫn quyết giữ được sự tử tế của người trồng rau sạch, với hy vọng thế giới xanh hơn...

Đó là Đạo diễn Phạm Công Chính, Giám đốc công ty Vạn Phúc, chủ nhân thương hiệu Rau sạch Tám Khỏe

- Học đạo diễn điện ảnh, nhưng vì sao anh lại rẽ ngang sang làm truyền hình?

- Tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa, lẽ ra thành một cán bộ quản lý văn hóa, nhưng tôi lại quyết định học tiếp đạo diễn điện ảnh và rồi lại quyết định… bỏ học để rẽ ngang sang làm truyền hình. Cơ hội đến khi hãng phim BHD tuyển dụng đạo diễn, tôi quyết định ra làm thực tế, vì có nhiều cái đáng học hơn.

Ở trường mình có thể học được những kiến thức căn bản, nhưng để làm nghề thì không đủ, vì lúc đó trường vẫn dạy theo phong cách của Liên Xô cũ.

Làm ở BHD tôi học được công nghệ làm phim mới phong phú và đa dạng hơn, nhất là khi tham gia đạo diễn các talk show Thời trang và đam mê, Phái đẹp, game show Hát là vui, vui là hát… các chương trình cho tạp chí văn nghệ của HTV…

Mặc dù làm đạo diễn truyền hình, nhưng ước mơ của tôi vẫn là điện ảnh, dù có nhiều cơ hội nhưng do dính với truyền hình rồi không buông ra được.

- Sau 5 năm, anh quyết định “rẽ ngang”, không để cho guồng quay của truyền hình cuốn đi nữa với việc khởi nghiệp Mắt đại dương và… thất bại! Phải chăng anh không đủ điều kiện, hoặc không đủ sức mạnh để theo đuổi đến cùng giấc mơ?

- Ước mơ thì không bao giờ ngừng cháy. Lúc nào tôi cũng muốn làm một bộ phim đúng nghĩa về điện ảnh. Tôi thích thể loại phim hành động theo xu hướng thị trường, vừa có thể chiếu rạp được, vừa mang tính nghệ thuật.

Lập công ty riêng với quyết tâm tạo dựng vốn liếng để sau đó làm phim, cố gắng rũ bỏ truyền hình nhưng không được.

Tôi đã có ba kịch bản chuẩn bị bấm máy, thành lập ê kíp hết rồi, đã làm nhạc… nhưng môi trường kinh doanh không cho mình thời gian để dành hết tâm sức cho điện ảnh mà cứ kéo mình đi sa vào bài toán kinh doanh. Thế là … dẹp công ty đi.

Mất vài tỷ, giống như cho mình một bài học. Là nghệ sĩ mà bước vào kinh doanh, tuổi lại còn trẻ nên dễ nóng tính lắm.

Làm kinh doanh đòi hỏi phải sáng suốt trong mọi quyết định, cộng thêm yếu tố may mắn nữa. Có những dự án tưởng chừng đã ở trong tay rồi lại vuột mất. Cũng có thể do mình thiếu may mắn.

Để thành công đòi hỏi 90% là nỗ lực, 10% là may mắn. Nhưng nếu không có 10% may mắn đó thì không thể thành công.

Thất bại này khiến tôi rất nản lòng, nhưng rồi cũng phải chấp nhận thực tế để bình tâm trở lại. Có những lúc bi đát lắm, nhưng tôi nghĩ mình còn trẻ, cuộc đời còn dài, còn làm được nhiều thứ

- Cơ duyên nào lại một lần nữa dẫn anh “rẽ ngang” bằng việc khởi nghiệp trồng rau quả sạch?

- Cũng là do rau quả bẩn từ Trung Quốc tràn sang đã dẫn dắt tôi đi làm nông nghiệp. Bạn bè mỗi lần đi ăn uống hay gọi mình là “con bò”, vì tôi ăn rau rất nhiều.

Thích ăn rau lạ, rau ngon, nhưng bỗng một thời gian tôi thấy tự nhiên bạn bè sợ hãi ăn rau, khiếp đảm khi nhìn thấy các loại hoa quả vì bị ám ảnh bởi thuốc tăng trưởng… Tự nhiên tôi muốn cứu bạn bè, những người xung quanh, cứu cộng đồng.

- Làm thế nào anh có thể làm chủ được công nghệ trồng thủy canh rất mới trong khi không biết tí gì về nông nghiệp?

- Tôi bắt đầu lao vào nghiên cứu. Toàn học từ Google và Youtube thôi. Lúc đầu định làm vườn rau nho nhỏ cho bạn bè, gia đình, nhưng khi bước vào lại thấy mình đam mê.

Ban đầu định làm mô hình rau hữu cơ trồng trong nhà kính, nhưng đi sâu vào tôi phát hiện ra công nghệ mới trồng thủy canh Aquaponics của Mỹ.

Phương pháp này kết hợp giữa trồng rau và nuôi cá, không cần đất, không có bất cứ một loại phân hóa học nào, chỉ cần nước.

Tính ra ít tốn nước hơn trồng rau kiểu bình thường vì nước được xử lý liên tục nên lúc nào cũng sạch, dùng phân cá bón cho cây thôi. Sau đó tôi phát hiện thêm phương pháp Hidroponics xuất xứ từ Israel.

Nhiều nước cũng rất phát triển phương pháp này, dùng những loại phân hóa học pha trộn thành một dưỡng chất, trồng không cần đất, trên giá thể hoặc bằng xơ dừa…

Một chị bạn trong nhóm chơi cá chép Nhật Koy đã cho tôi thuê 6 ngàn mét vuông đất ở quận 9 với giá tương đối rẻ.

Lập một phòng thí nghiệm theo hai nhánh Aquaponics và Hidroponics, một nhánh trồng qua lọc phân cá vi sinh và một nhóm không lọc. Kết qủa mô hình Hidroponics phát triển với lượng rau tốt hơn, nhanh hơn.

Aquaponics mặc dù không dùng phân nhưng lượng rau cũng xấp xỉ bằng Hdroponics, chỉ cần thời gian thu hoạch lâu hơn khoảng 7 ngày.

Hidroponics cho sản lượng rau hàng ngày đều đặn, còn Aquaponic cho lượng rau siêu sạch, độ ngon, dòn ngang ngửa Hidroponics.

Mất khoảng 3 tháng hoàn thiện được các mô hình, tôi bắt đầu đầu tư 5 tỷ, rau hơn 2 tỷ, cá gần 3 tỷ.

Mua Xây hồ nuôi cá Koy, một loại cá rất khó chăm sóc. Có thể nói ở Việt Nam, tôi là người đầu tiên dùng cá Koy làm mô hình Oganic.

Không ai liều lĩnh như vậy, vì nó rất dễ chết, nhưng mình có kinh nghiệm nuôi cá Koy 4 năm nay rồi. Người ta đặt tên cho loài cá này là “những nàng đỏng đánh.

Người Nhật coi cá Koy là biểu tượng quốc gia bởi sự thân thiện, hiếu khách, phong thủy là chính, rất đắt tiền. Hiện tôi có khoảng hơn 200 con, con ba bốn ký. Mỗi con giá hai đến ba ngàn USD.

- Làm thế nào anh có thể tạo ra những rau quả xứ lạnh với chất lượng tươi ngon ở ngay… Sài Gòn?

- Ai cũng nói “Chính liều”. Không khí Sài Gòn làm sao có thể trồng các loại rau chịu lạnh như hơn 20 loại xà lách, cà chua, lolo xanh, lolo tím, batavia, romain, frisee...

Tôi đã chứng minh có thể phát triển ngang ngửa Đà Lạt. Qua nghiên cứu, tôi kết luận nhiệt độ, không khí không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng, mà chủ yếu nhiệt độ nước, công thức phân và cách chăm sóc. Tôi đã hạ nhiệt độ nước xuống để thích hợp với từng loại rau.

- Bài toán doanh thu có làm anh lo lắng nhiều không thưa… nghệ sĩ?

- Ai cũng khuyên tôi sao không vô siêu thị, nhưng tôi quyết định bán theo hình thức mở cửa hàng riêng, bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng. Vô siêu thị thấy quầy rau quả sạch người dân ít ghé tới lắm, vì họ thích rẻ.

Trong khi một kg xà lách của mình bán ra thị trường là 80 ngàn đồng, những loại khác giao động từ 60 đến 90 ngàn đồng/kg, giá như vậy phải bán lẻ, vừa bán vừa phải “thuyết minh”, vì tư tưởng của người Việt mình vẫn không thích rau thủy canh, không có nhiều kiến thức về rau organic.

Hiện tôi đã có hai cửa hàng ở Phú Nhuận và Biên Hòa, mỗi ngày cung cấp 100 kg rau cho các khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng.

- Nghe nói anh còn có dự định chuyển giao mô hình này cho các hộ gia đình?

- Hiện cũng có rất nhiều công ty chuyển giao cho các hộ gia đình phương pháp thủy canh nhưng theo hướng khác, có thể cho từng nhà tự trồng rau, tự chăm sóc.

Riêng tôi thì mỗi hộ chỉ cần khoảng đất khoảng ba, bốn mét vuông trên sân thượng, phía trước hoặc trong nhà cũng được, trồng bằng đèn LED không cần nắng.

Không gian nhỏ 50 cm tôi vẫn có thể cho họ những luống rau xanh tươi, ở ngay cạnh bàn ăn bạn vẫn có thể đưa tay hái những cọng rau xanh tươi để ăn liền.

Giá mỗi mô hình 3 mét vông cỡ 10 triệu. Hiện tại có rất nhiều người muốn học phương pháp thủy canh này.

- Lấy thương hiệu là “Rau sạch Tám Khỏe”, làm nông dân lại thấy anh rắn rỏi, mạnh mẽ hơn?

- Mất ngủ hơi nhiều, sút đi 6 kg rồi đó. Tối nào cũng ra ngoài vườn kiểm tra từng cây, bắt sâu, bắt ruồi, vì ruồi rất hảo xà lách.

Mình trồng sạch nên không phun bất cứ loại thuốc nào hết, phải bắt bằng tay, bằng bẫy. Một hai giờ đêm vẫn lang thang ngoài vườn là chuyện bình thường.

Có lần trồng 20 dây dưa lưới, sáng thức dậy thấy 5 dây chết, mất 5 trái đang to, phải nghiên cứu mới phát hiện ra rễ bị thúi vì từ đầu không lo chăm sóc bộ rễ, cứ lo chăm sóc trái và cây không…

Bước vào cuộc chơi nông nghiệp lớn này, lo lắng cũng nhiều, đầu tư nhiều, bán luôn cả chiếc Mercedes vì rau, rồi mượn gia đình.

Nhưng mỗi buổi sáng thức dậy thấy một cọng rau phát triển, trái ổ hoa ra nườm mượp từng ngày thì lo lắng kia xếp sang một bên.

Cũng có nhiều người muốn vô đầu tư chung với mình, dù trong giai đoạn khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm làm một mình để bảo đảm kiểm soát được mọi khâu. Riêng tôi thấy khỏe khoắn hơn nhờ có nắng, có gió.

Mỗi lần bước vô phòng dựng phim thấy rất mệt, giống như bị miễn điện, nhưng ở ngoài trời giang nắng suốt không sao hết.

Chọn chữ Tám Khỏe cũng chính là mong ước giúp cho mọi người ăn khỏe, ngủ khỏe, thể chất khỏe, tinh thần khỏe, và cả… yêu khỏe nữa! (cười rạng rỡ)

- Bước vào cuộc chơi nông nghiệp này, thách thức lớn nhất với anh là gì?

- Tôi không lo thị trường, chỉ lo thời tiết và sâu bệnh thôi. Làm nông nghiệp sạch cần nhất là sự kiên định, không dùng bất cứ loại hóa chất nào.

Đôi khi phải tranh đấu dữ lắm vì con sâu làm tan nát hết cái cây của mình, nhưng phải quyết tâm làm cho sạch, chỉ cần sơ hở chút thôi là nhân viên của mình sẽ phun thuốc. Nhân viên của tôi thấy sâu sốt ruột lắm, cứ muốn phun thuốc ngay.

Mình phải kiên quyết lắm để giữ, không bị dao động bởi năng suất. Họ cứ nghĩ phun thuốc sau bảy tám ngày thuốc sẽ bay đi, nhưng thực tế thuốc vẫn còn đọng trên lá.

Khó nhất là giữ được lương tâm nghề nghiệp. Ban đầu tôi thường ngâm tỏi, ớt, gừng để phun thuốc trừ sâu. Có lần ngâm chưa kịp, bị sâu ăn lá, mình chấp nhận nhổ hết để trồng lứa mới, kiên quyết không phun thuốc.

Sắp tới tôi kết hợp nuôi gà sạch, gà cảnh, mở nhà hàng, dành riêng khuôn viêntrang trại đó cho khách được tận hưởng, ăn trong không khí sạch.

Ổi vườn nhà tôi không bỏ thuốc gì, khi đem đến cho người tiêu dùng thấy quả đẹp và to quá, họ không tin là chỉ trồng bằng phân trùn quế. Trồng bằng phương pháp thủy canh vẫn to và ngon như thường, có thể ăn ngay tại vườn được.

- Có nhiều người lấy tiêu chuẩn VietGap lúc đầu thôi, sau đó làm bậy hết. Ngay đến tiêu chuẩn VietGap cũng phải xem lại. Đà Lạt bây giờ nhiều nông trại của người Nhật cũng dời sang Buôn Mê Thuột vì không khí cũng bị nhiễm độc hết rồi.

Tôi hy vọng nhiều vào những bạn trẻ khởi nghiệp với nông nghiệp. Họ tiếp thu được công nghệ mới, tư tưởng hiện đại hơn.

Người nông dân cũ có kinh nghiệm nhưng thiếu công nghệ, làm theo lối mòn, có kỹ sư hướng dẫn thì thay đổi lúc đó nhưng khi không có kỹ sư họ lại trở lại lối làm ăn cũ. Các bạn trẻ nhận thức được từ chính bản thân mình và từ xã hội nên ý thức là tự thân.

Hơn nữa, ngày xưa cứ nói làm nông nghèo, giờ làm nông còn làm giàu tốt hơn nhiều. Nhiều người giàu lên nhờ trồng dưa lưới, ớt chuông, công nghệ mới cho năng suất cao, mau kiếm tiền hơn nhiều.

Mình cũng định về Nha Trang, Đồng Tháp, Đà Lạt để nhân rộng mô hình này, nhiều lời mời lắm. Chỉ cần nơi nào có nguồn nước là được. Công nghệ hiện đại này chỗ nào cũng được, nhưng thiếu nguồn nước là thua.

Nhiều người trẻ làm nông nghiệp sạch khiến tôi thấy mình mạnh mẽ hơn. Nếu đam mê cứ thử sức, không có gì phải sợ, đừng nản chỉ khi khó khăn, tất cả đều có giải pháp hết.

Bằng sự thay đổi từ nhiều bạn trẻ thì môi trường nông nghiệp của mình mới sạch lên từ từ, đừng trông chờ vào phép lạ.

Kim Yến thực hiện

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang