Tin tức

Tin trong nước

Chuyện chưa kể về 10 mảnh đời bất hạnh tại trại phong bỏ hoang

author 08:26 20/09/2017

(VietQ.vn) - Trại phong bỏ hoang tại Sóc Sơn – Hà Nội có 10 cụ già mang trong mình căn bệnh quái ác vẫn mong muốn những ngày cuối đời được sống trọn với mảnh đất này.

Trại phong Đá Bạc (Minh Phú – Sóc Sơn – Hà Nội) hoang tàn, đổ nát, nằm giữa ngọn đồi heo hút, là nơi sinh sống của 10 cụ già đang mang trong mình căn bệnh quái ác – bệnh phong (bệnh hủi).

Trại phong được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước, trước đây từng có khoảng hơn 100 người bệnh điều trị và sinh sống tại đây. Trải qua hơn nửa thế kỷ khiến trại phong bị xuống cấp trầm trọng, chính vì vậy, hơn 4 năm trước, trại phong được di chuyển nơi khác, và trở thành dãy nhà bị bỏ hoang.

Trại phong Đá Bạc (Minh Phú – Sóc Sơn – Hà Nội) nằm giữa ngọn đồi heo hút. Ảnh: Lan Lan.

 

Thế nhưng, 10 cụ già khi đã ở tuổi chân yếu tay mềm vẫn xin ở lại, cố bám trụ với nơi này. Nơi đã gắn liền với cả tuổi thanh xuân đến khi về già, với họ nơi này là nhà, là quê hương, là nơi họ đã gắn bó cả cuộc đời. Và họ không muốn dời đi, cũng là bởi nơi này còn có những người bạn đã qua đời của họ, họ muốn ở lại để nhang khói cho những người bạn ấy.

Nếu đã một lần đến với trại phong bỏ hoang này, nhiều người không khỏi sợ hãi, cô đơn bởi không gian hoang vu, những dãy nhà hoang tàn xuống cấp nghiêm trọng, những khóm cỏ dại mọc che hết cả lối đi.

Bên trong những căn phòng chỉ vỏn vẹn 12m2, là cuộc sống cơ cực của 10 bệnh nhân mang trong mình căn bệnh quái ác, bệnh mà người ta thường gọi là bệnh hủi, hành hạ từng ngày khiến chân tay cũng biến dạng và mất dần đi.

Hơn 4 năm trước, trại phong được di chuyển nơi khác, và trở thành dãy nhà bị bỏ hoang. Ảnh: Lan Lan.

 

Trong số ấy, có những người đã gắn bó với nơi này gần hết cả đời người, có những người sống côi cút đến hơn 50 năm.

Mỗi người không chỉ mang trong mình căn bệnh quái ác, mà họ còn mang trong mình một câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của mình. Có người lại không hề có họ hàng thân thích, cha mẹ đều đã mất, không có con cái hay anh chị. Đau đớn hơn, một số người khác bị gia đình xa lánh, sợ hãi khiến họ càng cô đơn, buồn tủi.

Cũng trong số 10 cụ già ấy, có những người may mắn trước khi mang trong mình căn bệnh quái ác này, có gia đình hạnh phúc, con cái trọn vẹn.

Cho dù cuộc sống túng thiếu, nghèo đói và gần như tách biệt với cuộc sống náo nhiệt bên ngoài. Thế nhưng, họ vẫn mạnh mẽ vượt lên số phận, bệnh tật, vượt lên những ánh mắt kì thị, xa lánh bên ngoài và cố gắng đấu tranh giành giật lấy sự sống.

Khi thấy chúng tôi đến, các cụ mừng lắm, bởi hàng ngày không có ai trò chuyện, tâm sự. Chia sẻ về cuộc đời của mình, cụ Lê Thị Liên (năm nay đã 81 tuổi, quê gốc tại Gia Lâm - Hà Nội) một trong những người sống lâu nhất tại nơi này, nghẹn ngào nói: “Năm lên 14 tôi bất ngờ phát hiện mình bị bệnh, tôi phải chịu tủi nhục, khổ sở do người dân hắt hủi. Đến tận bây giờ những ký ức của mình về điều đó vẫn ám ảnh tôi đến suốt đời, nhiều lúc nghĩ mà ứa nước mắt”.

Cụ Lê Thị Liên (năm nay đã 81 tuổi, quê gốc tại Gia Lâm - Hà Nội) tự tay trồng giàn mướp để có rau ăn hàng ngày. Ảnh: Lan Lan.

 

Cụ kể, lúc đó cụ được điều trị bệnh tại trại phong trong Nghệ An và đến năm 1980 thì chuyển về đây điều trị. Cụ có sinh được 1 người con trai nhưng lên 7 tuổi thì cho người ta nuôi, nay con cũng đã lớn lập gia đình rồi, thỉnh thoảng cũng có con cháu qua thăm cụ.

“Những lần vết thương do bệnh tật tái phát khiến tôi đau đớn, nhưng chỉ một thời gian chứ bây giờ gần như không cảm nhân được gì nữa”, cụ Liên tâm sự.

Dù chân tay bị dị tật khiến sinh hoạt thường ngày trở nên khó khăn, thế nhưng các cụ vẫn cố gắng phục vụ bản thân mà không hề nhờ đến ai.

 

Bệnh phong - bệnh hủi, hành hạ từng ngày khiến chân tay họ cũng biến dạng và mất dần đi. Ảnh: Lan Lan.

 

Khi được hỏi về ăn uống của các cụ tại đây như thế nào, cụ buồn bã chia sẻ: “Già rồi nên cũng có ăn uống được đâu, ngày chỉ nắm gạo và rau cỏ cùng ít đồ ăn là sống qua ngày được rồi. Ở đây ít người lui tới lắm nên cũng buồn, nhiều lúc thèm hơi người, thèm có người nói chuyện lắm”.

Cuộc sống của họ hầu hết phụ thuộc vào gạo được các nhà hảo tâm, đoàn từ thiện cho. Ngoài ra, cụ Liên cũng tự tay trồng giàn mướp để có rau ăn hàng ngày, trời không phụ lòng, may mắn thay mướp cụ trồng rất sai quả, khiến cụ không phải lo rau ăn hàng ngày.

Cụ kể thêm, nơi đây nằm trên núi nên hoang vắng, lại thiếu hơi người, cụ chỉ biết làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ, đặc biệt là chiếc đài rađio và chiếc loa đọc kinh niệm phật. Cụ xem 2 thứ ấy như 2 người bạn tri kỷ của mình, xua tan bớt nỗi buồn và giúp cụ sống thanh thản, bình yên hơn khi về già.

Cụ Nguyễn Thị Sợi (năm nay 73 tuổi, sinh ra tại Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) tâm sự: "Năm lên 17 tuổi bất ngờ phát hiện mình bị bệnh, lúc đó tôi bị hắt hủi, xa lánh. Ảnh: Lan Lan.

 

Cùng cảnh ngộ với cụ Liên, cụ Nguyễn Thị Sợi (năm nay 73 tuổi, sinh ra tại Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) tâm sự: "Năm lên 17 tuổi bất ngờ phát hiện mình bị bệnh, lúc đó tôi bị hắt hủi, xa lánh. Sau đó ít năm tôi được người ta đưa đi lên trại phong này và sống từ đó đến nay đã gần 50 năm rồi. Khi trại chuyển đi tôi cũng buồn lắm, nhưng vẫn cố gắng ở lại".

Nhắc về quá khứ đau buồn của mình, bà Sợi rơm rớm nước mắt nói: “Tôi kém may mắn hơn cụ Liên bởi không hề có họ hàng thân thích nào, cha mẹ cũng mất sớm. Gia đình bà có 2 chị em, người em lại lấy chồng ở miền Tây Bắc, không thấy đến thăm tôi, thế nên mấy chục năm rồi cũng chẳng biết sống chết ra sao”.

Chiều xuống, mặt trời cũng khuất dần sau dãy núi, ánh mắt của các cụ ai cũng hướng về mặt trời với mong ước một ngày nào đó không còn ai kì thị, xa lánh những người mang căn bệnh này nữa.

Khi hỏi về tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời mình, các cụ chỉ mong những ngày cuối đời được sống an nhiên và sống trọn với mảnh đất này.

Lan Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang